VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Quốc khánh và những kỷ niệm không thể nào quên

02/09/2021 10:05
Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Từ đấy, dù trong hoàn cảnh nào, ngày 2/9, ngày Quốc khánh cũng được mỗi người dân nước Việt nhớ về với những kỷ niệm không thể nào quên!
 
Ngày 2/9, ngày Quốc khánh được mỗi người dân nước Việt nhớ về với những kỷ niệm không thể nào quên

Mỗi người đều có những kỷ niệm của riêng mình. Những người tham gia cuộc mít tinh vĩ đại với 50.000 người tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, ai còn cũng đã ngót trăm tuổi, có thể nghe văng vẳng tiếng Bác Hồ: “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không”.
 
Cách đây 6 năm, trong không khí chuẩn bị cho kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945-2015), đồng thời kỷ niệm 50 năm (1965-2015) Ngày thành lập đơn vị đúng vào ngày 2/9/1965, quân nhân Sư đoàn 3 mỗi người một tâm trạng, một ký ức riêng. Đại tá Hồ Ngọc Sơn bồi hồi, xúc động nhớ về ngày 2/9/1965 tại rừng Bà Bơi thuộc xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, Sư đoàn của ông được thành lập và sau này vinh dự có tên là Đoàn Sao vàng. Các sĩ quan và chiến sĩ trẻ của Sư đoàn lại phấn chấn tập luyện chuẩn bị cho ngày kỷ niệm với niềm tin và niềm tự hào là những người kế tục lớp cha anh đi trước với 5600 trận chiến oanh liệt.
 
Còn với hàng ngàn học sinh, sinh viên, trong đó có tôi và họa sĩ Nguyễn Thiện Hùng, kỷ niệm khó quên nhất là việc xếp vội mấy cuốn sách, tạm biệt Hà Nội, nhập ngũ đúng ngày 2/9/1972, Quốc khánh lần thứ 27! Thời kỳ ấy, học sinh, sinh viên nô nức lên đường hướng về miền Nam ruột thịt…
 
Nói sao hết hàng triệu con tim người Việt Nam với hàng triệu kỷ niệm rất riêng nhưng cũng rất chung về ngày Quốc khánh mùng 2/9! Cái chung lớn lao nhất là người Việt Nam từ kiếp nô lệ, bị coi là “man di”, rồi gọi là “an nam mít”, sau ngày Quốc khánh đã đứng lên đầy kiêu hãnh với tên gọi 'người Việt Nam' của Tổ quốc Việt Nam độc lập!
 
Và thực tế, từ ngày ấy “Việt Nam thực sự là một nước độc lập” đúng như Hồ Chủ tịch tuyên bố trước quốc dân đồng bào và cộng đồng quốc tế. Và từ ngày ấy, Tổ quốc Việt Nam là một thực thể thống nhất, thiêng liêng, dẫu có bị chia cắt hai miền Nam-Bắc trong 20 năm đầy gian khổ, hy sinh! “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là khát vọng, là cái chung gắn kết triệu triệu con tim người Việt Nam dù ở đâu, dù trong hoàn cảnh nào vẫn tự hào mình là con cháu Lạc Hồng, là công dân nước Việt Nam độc lập, với Quốc khánh là ngày 2/9. Điều đó giải thích cho những chiến công thần kỳ mà dân tộc ta đã làm được trong lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước. Và cũng chính điều đó đã tạo ra trong trái tim mỗi người Việt Nam những kỷ niệm khó quên về Quốc khánh mùng 2/9!
 
Năm nay, kỷ niệm 76 năm ngày Quốc khánh, chắc chắn sẽ là những kỷ niệm giàu cảm xúc! Tuy không phải năm chẵn, nhưng trong hoàn cảnh “Chống dịch như chống giặc”, “mỗi phường xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”, tất cả đều hướng về miền Nam ruột thịt, nơi dịch bệnh đang bùng phát dữ dội. Chắc chắn có biết bao kỷ niệm, biết bao câu chuyện rồi đây sẽ đi vào lịch sử.
 
Chuyện về những chiến sĩ áo trắng không quản khó khăn gian khổ, hy sinh tính mạng, hy sinh tình cảm gia đình để bám trụ vì người bệnh. Có những chiến sĩ đã đổ gục ngay trên “trận địa” vì nóng bức và quá sức nhưng quyết không rời trận tuyến chống dịch. Hình ảnh những chiến sĩ nằm ngủ dưới đất để bệnh nhân nằm giường đánh thức ai đó còn “đứng ngoài cuộc chiến”!
 
Góp phần chống dịch với hàng tỷ đồng của những công ty, những cá nhân giàu có cùng với những khoản tiền nhỏ của những cụ già, những em bé, những người lao động còn khó khăn… đã tạo ra một Quỹ vaccine đặc biệt giàu có bởi tấm lòng Việt Nam, bởi bản sắc văn hóa dân tộc “thương người như thể thương thân”, bởi sự tin tưởng tuyệt đối của người dân vào Chính phủ! Phải chăng, điều đó cùng với đường lối ngoại giao đúng đắn của Nhà nước ta, đã được bạn bè gần xa mến phục mà hết lòng giúp đỡ.
 
Hàng triệu liều vaccine đã và đang dồn về cho Việt Nam, và phần lớn được đưa vào TPHCM và các tỉnh, thành phố phía nam, nơi dịch đang bùng phát nguy hiểm! Và không chỉ vaccine, mà hàng ngàn gương mặt trẻ, người là sinh viên, người là sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang hối hả lên xe thẳng hướng miền Nam, thần tốc như năm xưa ra trận. Nhìn những cánh tay vẫy chào lưu luyến của đồng đội, người thân ở lại trên đất Bắc với những gương mặt náo nức, khẩn trương như đang nghe tiếng gọi nơi tiền tuyến xa xôi của người ra đi, bất giác tôi nhớ kỷ niệm ngày nhập ngũ năm nào!
 
Lịch sử không lặp lại, nhưng cuộc sống và những thời khắc có ý nghĩa lịch sử dường như giống nhau ở chỗ thử thách lòng người. Và trong thời khắc ấy, người Việt Nam thể hiện rõ nét nhất, sâu sắc nhất ý chí và tình cảm, phẩm chất và hành động có tính bản sắc và nhân văn! Và rồi đây, kỷ niệm lại được tích lũy và trào dâng trong trái tim mỗi người! Hình ảnh anh chiến sĩ chưa một lần đi chợ, nay đi chợ giúp dân giãn cách đang loay hoay ghi chép, chắc chắn sẽ là hình ảnh khó quên! Một cụ bà đã khóc khi chiến sĩ đem túi thực phẩm đến tận nhà trao cho mình. Bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh tình nguyện ở lại chăm sóc bệnh nhân COVID-19 khác, chắc chắn sẽ là những ngày đầy ắp kỷ niệm giàu cảm xúc!... Còn nhiều, còn nhiều lắm những kỷ niệm không thể nào quên trong dịp kỷ niệm Quốc khánh năm nay!
 
Cách đây ít ngày, hình ảnh áo ướt đẫm mồ hôi của Thủ tướng Phạm Minh Chính với tư cách Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đến thăm hỏi, kiểm tra tận cơ sở trong công tác phòng, chống dịch tại TPHCM và các tỉnh phía nam rồi đây cũng trở thành kỷ niệm sâu sắc đối với những người trực tiếp có mặt trong tuyến đầu chống dịch đang trong thời khắc cam go. “Sức khỏe và tính mạng nhân dân là trước hết, trên hết!”; “Mỗi phường, xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ” không phải là khẩu hiệu mà là mệnh lệnh và hành động quyết liệt, trực tiếp trên “trận địa” cùng toàn dân chống dịch có sức thuyết phục mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ.
 
Và hôm nay, mùng 2/9/2021, kỷ niệm lần thứ 76 Quốc khánh nước ta không có mít tinh rầm rộ nhưng trong lòng mỗi người dân nước Việt vẫn trào dâng niềm tự hào về Tổ quốc Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Dẫu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nhưng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang đồng lòng chống dịch như chống giặc, bạn bè quốc tế gần xa đều ủng hộ nhiệt thành; điều đó cho chúng ta niềm tin “giặc COVID-19” nhất định phải lùi để Việt Nam bước vào thời kỳ bình thường mới.
 
Chúng ta nhất định vững vàng bước vào giai đoạn phát triển mới thực hiện khát vọng của nhân dân về một nước Việt Nam hùng cường, người dân được ấm no, hạnh phúc. Chúng ta tin, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh, nhịp bước cùng các nước ASEAN và các nước trên thế giới, góp phần xây dựng cộng đồng quốc tế hòa bình, thịnh vượng!

 
Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.981.937