Quảng Bình: Đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn trong trạng thái bình thường mới
Cộng đồng doanh nghiệp (DN) có vị trí hết sức quan trọng, đóng góp to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, xoá đói giảm nghèo và an sinh xã hội của địa phương...
Các DN cũng là những mắt xích quan trọng trong hình thành mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng đối với các ngành nghề truyền thống trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để DN phục hồi và phát triển là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm sớm đưa Quảng Bình trở lại trạng thái bình thường mới, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Trong gần 2 năm qua, trong bối cảnh diễn biến của dịch bệnh Covid-19 hết sức phức tạp, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX, KD), nhưng các DN vẫn nỗ lực, quyết tâm, thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì SX, KD và việc làm cho người lao động.
Phục hồi hoạt động du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Bên cạnh đó, các DN cũng đi đầu trong việc đồng hành, chung sức, chia sẻ trách nhiệm với chính quyền trong phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân, cộng đồng thông qua các hoạt động thiện nguyện và cứu trợ.
Nhiều DN đã hỗ trợ trực tiếp trong công tác phòng chống, chữa trị bệnh thông qua việc đóng góp vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, hỗ trợ mua máy móc, trang thiết bị phục vụ việc xét nghiệm, điều trị... và đã được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là đợt bùng phát dịch trong tháng 8, 9 đã làm cho hoạt động đầu tư, SX, KD của các DN trong tất cả các ngành nghề từ công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh du lịch, dịch vụ,… đều bị ngưng trệ. Nhiều DN có nguy cơ ngừng sản xuất, phá sản, nguồn dự trữ cạn kiệt, sức chống chịu suy giảm mạnh.
Chia sẻ những khó khăn cũng như nhằm duy trì hoạt động SX, KD, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được triển khai nhanh chóng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Tuy nhiên, trong thực tiễn cũng như qua khảo sát, đánh giá và lấy ý kiến của các DN, doanh nhân, vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn đang gây cản trở, trì hoãn việc quay trở lại hoạt động SX, KD của các DN mà trong đó, yếu tố chủ quan vẫn là cơ bản, là đa số.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng kiểm tra hoạt động của Dự án điện gió B&T tại huyện Quảng Ninh.
Do đó, bên cạnh sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hợp tác, tuân thủ của Nhân dân và sự ủng hộ của DN, từ ngày 23-9, Quảng Bình cơ bản đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, cần thiết phải xây dựng lộ trình phục hồi kinh tế xã hội, đưa các DN về trạng thái SX, KD với tinh thần phòng, chống dịch bảo đảm an toàn nhất.
Theo đó, cần thống nhất một số quan điểm cụ thể về bảo đảm SX, KD trong khi nâng cao cảnh giác phòng, chống dịch, cụ thể như sau: (1) Bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết, song song với đó là hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động SX, KD bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; (2) Luôn đồng hành, lấy DN là đối tượng phục vụ, khó khăn vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó kịp thời tháo gỡ, không để tồn đọng, không đùn đẩy công việc lên cấp trên; (3) Thực hiện chủ trương “DN là pháo đài chống dịch”, DN tự chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch, tạo điều kiện để phát huy, tôn trọng sự chủ động sáng tạo của DN trong áp dụng các mô hình SX, KD bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Những quan điểm này cần được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cụ thể hoá bằng những nhóm nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ trực tiếp cho các DN trong quá trình phục hồi SX, KD .
Dự án điện gió B&T góp phần tạo nên cảnh quan đẹp trong khu vực.
Thứ nhất, cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo cách tiếp cận mới, khoanh vùng nhỏ, xét nghiệm nhanh, không kéo dài thời gian giãn cách xã hội. Hạn chế việc đóng cửa cực đoan toàn nhà máy, khu công nghiệp khi xuất hiện các ca bệnh mà tổ chức cách ly để điều trị hợp lý, bảo đảm hoạt động SX, KD vẫn được duy trì.
Cùng với đó là việc tổ chức tiêm vắc-xin nhanh chóng nhất, để người lao động an tâm lao động tại các nhà máy, doanh nghiệp. Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động.
Thứ hai, để bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá, thực hiện thống nhất phân luồng vận tải đồng bộ với các địa phương khác trong cả nước, tạo điều kiện để vận chuyển hàng hoá an toàn, thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hoá thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi, không phát sinh các giấy phép con nhưng có các giải pháp kiểm soát phòng, chống dịch, đặc biệt là tại các khu cửa khẩu, cảng biển,…
Xây dựng quy chế kiểm soát người đi lại, khai báo y tế trong trạng thái bình thường mới. Nghiên cứu các phương án để tổ chức lại giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Tăng cường quản lý thị trường, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại để kết nối cung cầu hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Thứ ba, triển khai thực hiện đầy đủ và sớm nhất các chính sách miễn giảm về thuế, các chính sách tài chính, ngân hàng do Chính phủ ban hành. Có những giải pháp nhằm cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, vốn phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể, cần có phương án hỗ trợ một phần cho DN các chi phí liên quan đến dịch tễ, như: chi phí xét nghiệm, vệ sinh y tế…; giảm phí sử dụng các kết cấu hạ tầng, như: Phí tại khu vực cửa khẩu, cảng biển, phí ra vào các khu du lịch; giảm giá tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp trong năm…
Thứ tư, triển khai hỗ trợ người lao động bị mất việc, giãn việc, mất thu nhập trong thời gian thực hiện các quy định về giãn cách xã hội. Thực hiện việc đào tạo, đào tạo lại, nhất là các khoá học nghề ngắn hạn cho lực lượng lao động, đặc biệt là lao động về từ địa phương khác, để tăng cơ hội tìm việc làm, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội...
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới nền hành chính “phục vụ”, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp và triển khai nghiêm túc 10 nội dung cam kết của lãnh đạo tỉnh tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2021.
Trong công tác phòng, chống dịch, Quảng Bình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Hỗ trợ kịp thời cho bà con ở vùng dịch các tỉnh, thành phố phía Nam để vượt qua đại dịch; đón gần 400 phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ về quê tránh dịch; khống chế chuỗi dịch bùng phát từ 24-8 trong thời gian ngắn…
Bước sang trạng thái bình thường mới trong phòng chống dịch, cấp uỷ, chính quyền các cấp của Quảng Bình cam kết sẽ tập trung, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện tối đa để các DN nhanh chóng phục hồi và phát triển, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo.
Phòng dịch là thường xuyên, liên tục, chống dịch phải quyết liệt, triệt để để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân cũng như để hoạt động SX, KD sớm phục hồi và phát triển. Cùng với các giải pháp tích cực để đồng hành cùng DN, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặt niềm tin, kỳ vọng vào tiềm năng, sự bứt phá vươn lên của các DN, doanh nhân, nhà đầu tư.
Nguồn: Sở Công Thương Tỉnh Quảng Bình
Link nguồn
-
Năm 2018, giá trị giao dịch của các thương vụ tập trung kinh tế (TTKT) do doanh nghiệp Việt làm bên mua chỉ chiếm 11,8% tổng giá trị giao dịch được thực hiện tại Việt Nam. Tuy vậy, trong 2 năm sau đó (2019-2020), con số này đã tăng lên hơn 30%.
-
Về tổng thể, Canada cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
-
Nhằm đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP cho các địa phương nói chung và khu vực Tây nguyên nói riêng, ngày 25/9/2021 Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh thành phía nam trong điều kiện dịch Covid 19
-
Sáng ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.