Phê duyệt Đề án phát triển ngành muối
Phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối.
Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030.
Mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích sản xuất muối duy trì 14.500 ha, sản lượng đạt 1.500.000 tấn/năm; đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối; máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến muối gắn với thị trường. Phát triển sản xuất các loại muối đáp ứng nhu cầu trong nước, chú trọng hỗ trợ đồng bộ phát triển sản xuất muối chứa nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCl thấp, có lợi cho sức khỏe.
Đến năm 2030, tổng diện tích sản xuất muối 14.244 ha, sản lượng đạt 2 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu trong nước.
Đầu tư phát triển muối gắn với thị trường
Một trong các nhiệm vụ của Đề án là đầu tư phát triển sản xuất muối gắn với chế biến và thị trường. Theo đó, đầu tư phát triển sản xuất muối đồng bộ gắn với chế biến, thị trường trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và thời kỳ tiếp theo.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối, Quyết định nêu rõ: Đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối quy mô công nghiệp đáp ứng nhu cầu ngành công nghiệp hóa chất, nguyên liệu cho chế biến muối tinh cao cấp tại các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Đối với sản xuất muối thủ công, đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối cho người dân sản xuất muối gắn với hỗ trợ xây dựng các mô hình chế biến, đa dạng hóa sản phẩm muối nhằm nâng cao giá trị gia tăng tại các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Hỗ trợ đầu tư hệ thống thiết bị chế biến, phân tích chất lượng muối, mẫu mã, bao bì cho các cơ sở sản xuất chế biến muối vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu thị trường; đầu tư, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất muối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; mô hình thí điểm sản xuất muối kết hợp du lịch nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng; mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối sạch; mô hình sản xuất muối chứa nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCl thấp, có lợi cho sức khỏe.
Khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống kho bảo quản muối, bảo đảm muối dự trữ phục vụ sản xuất kinh doanh, mua tạm trữ muối.
Nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm muối
Nhiệm vụ khác của Đề án là tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm muối. Trong đó, đối với sản xuất muối theo công nghệ phơi cát và phơi nước phân tán (sản xuất muối thủ công), nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất muối kết tinh trên nền vật liệu mới; xây dựng mô hình liên kết sản xuất muối theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, diêm dân; nghiên cứu ứng dụng công nghệ và xây dựng mô hình kết tinh muối ứng dụng hiệu ứng nhà kính nhằm giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu; nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng thí điểm mô hình sản xuất muối kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng tại các làng nghề muối để quảng bá và tiêu thụ muối tại đồng muối Thụy Hải (tỉnh Thái Bình); đồng muối Bạch Long (tỉnh Nam Định); đồng muối Hộ Độ, Kỳ Hà - Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh); đồng muối Sa Huỳnh (tỉnh Quảng Ngãi); đồng muối Hòn Khói (tỉnh Khánh Hòa); đồng muối Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh).
Đối với sản xuất muối theo quy mô công nghệ phơi nước tập trung, nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản suất muối theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, đồng bộ các khâu từ cung cấp nước biển đế thu hoạch, vận chuyển, làm sạch và đánh đống bảo quản muối; nghiên cứu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin trong việc đo và xử lý số liệu về nồng độ nước biển, bức xạ nhiệt, gió trong quá trình sản xuất muối.
Xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm muối phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế và thực tiễn sản xuất, chế biến tại Việt Nam; hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất muối trực tiếp từ nước biển cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất muối theo công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm muối tinh khiết, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng xuất khẩu muối có hàm lượng NaCl thấp, chứa nhiều khoáng chất; xúc tiến thương mại và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho mặt hàng muối xuất khẩu tại các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Nguồn: Báo Chính phủ điện tử
Link nguồn
-
Kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cạnh tranh giữa các nước lớn; nguy cơ suy thoái sâu tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
-
Theo thống kê, 8 tháng năm 2020, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tại Lào Cai đã cán mốc 2 tỷ USD.
-
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020
-
Giá Kali clorua tại Trung Quốc tăng nhẹ trong tuần từ 17-21/8/2020: Giá trung bình của kali clorua trong tuần tăng từ 1.850 NDT/tấn vào đầu tuần lên 1.855 NDT/tấn vào cuối tuần