VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ năm 2023 đã đạt những kết quả tích cực

06/05/2024 11:20

Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ diễn ra ngày 05/5/2024 tại tỉnh Tây Ninh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các cơ quan trung ương và địa phương đã quán triệt các nội dung, ban hành các kế hoạch hành động, phối hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động. Các đề án, nhiệm vụ đang triển khai có kết quả cụ thể, đóng góp chung vào sự phát triển của Vùng.


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Ngay sau khi Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành (Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022), các bộ, ngành và địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đã khẩn trương quán triệt các nội dung, ban hành các kế hoạch hành động, tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết và Chương trình hành động.

Qua hơn 1 năm triển khai, vùng Đông Nam Bộ đã đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ. Tại Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 19 chỉ tiêu phát triển, 35 nhiệm vụ và 29 dự án quan trọng, liên kết vùng cần thực hiện đến năm 2030. Về 35 nhiệm vụ: đến nay đã hoàn thành 2 nhiệm vụ; phê duyệt quy hoạch 3 tỉnh: Tây Ninh; Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Phước. Các nhiệm vụ còn lại là các đề án lớn đang được các Bộ, địa phương chủ trì phối hợp với các cơ quan triển khai theo tiến độ. Về 29 dự án quan trọng, liên kết vùng: đã khởi công 04 dự án; đang triển khai các thủ tục đầu tư 05 dự án  và đang nghiên cứu, triển khai 20 dự án.

Với sự vào cuộc tích cực của bộ máy các cấp, các ngành, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ năm 2023 đã đạt những kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung cả nước như tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng ước đạt 5,06% so với mức tăng 5,05% của cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của các địa phương trong vùng; một số chỉ tiêu dẫn đầu cả nước như: quy mô GRDP của vùng đóng góp vào GDP cả nước lớn nhất (chiếm 30,2% GDP), GRDP bình quân đầu người (đạt 166 triệu đồng), thu ngân sách nhà nước (675 nghìn tỷ đồng), thu hút đầu tư nước ngoài có 4/6 địa phương trong Vùng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế GRDP của Vùng chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ.

Các địa phương trong Vùng đã đề ra kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp theo định hướng có chiều sâu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Các địa phương tham gia tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa; kết nối chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp thương mại, logistic nhằm mở rộng mạng lưới, chuỗi sản xuất kinh doanh, góp phần gia tăng giá trị, khối lượng hàng hóa sản xuất tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Về hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh gồm nhiều cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá, vượt trội, lần đầu tiên được áp dụng tạo điều kiện để Thành phố phát triển mạnh mẽ.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó gồm các công trình đường bộ quan trọng của Vùng được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện như Dự án nâng cấp, mở rộng đường QL.14 đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) và Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP; Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành…

Về các hoạt động hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là đòi hỏi của thực tế khách quan và đã trở thành xu thế tất yếu của các ngành, các cấp kể cả cấp quốc gia, vùng, lãnh thổ. Chỉ khi đó, chúng ta mới cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng xây dựng các chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, hợp tác, chia sẻ, bổ sung lẫn nhau nhằm phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh của nhau, cùng phát triển mang lại những giá trị cao hơn, khắc phục tình trạng chia cắt, phân tán, kém cạnh tranh, cát cứ, cục bộ, mạnh ai nấy làm.

Khắc phục tình trạng trên, tại Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ mới được ban hành đã nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của liên kết, phát triển vùng.

Thực hiện các chỉ đạo, định hướng của trung ương, các bộ và địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đã tích cực triển khai các hoạt động liên kết nội vùng và liên vùng  nhằm cụ thể hóa chủ trương về hợp tác, liên kết vùng tại Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.

Trong quá trình triển khai các hoạt động liên kết vùng có sự đồng thuận cao của Lãnh đạo các Bộ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ và các vùng khác, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, cũng như tầm quan trọng của hợp tác, liên kết vùng, thay đổi rõ nét từ tư duy cho đến hành động cụ thể với phương châm “không thể đi xa nếu không đi cùng nhau”.

Tính từ tháng 11 năm 2023 khi Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ được giao các nhiệm vụ cụ thể đến nay, Hội đồng vùng đã hoàn thành được 20/38 nhiệm vụ , chiếm 53% số nhiệm vụ được giao. Đối với 18 nhiệm vụ còn lại: các Bộ, địa phương đang khẩn trương triển khai do đây là các nhiệm vụ cần sự nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan, có thời gian triển khai trong năm tiếp theo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được còn một số khó khăn, thách thức là: Hệ thống giao thông kết nối chưa đồng bộ; Ngập úng và ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn là điểm nghẽn của sự phát triển; Các nội dung liên kết vùng quan trọng như liên kết trong hạ tầng giao thông, liên kết đầu tư phát triển đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng cần tăng cường hơn nữa.

Bên cạnh đó, khoa học công nghệ chưa thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp lớn, làm chủ công nghệ ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, sản xuất chip, chất bán dẫn;  Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy có nhiều cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; An sinh, phúc lợi xã hội có nhiều tiến bộ nhưng chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ; Chất lượng nguồn nhân lực cải thiện chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Nguyên nhân của những khó khăn trên là do thời gian thực hiện mới được hơn 1 năm, trong khi các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ có tính dài hạn, thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chưa bảo đảm do Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao từ năm 2021, trước khi Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành.

Đánh giá chung về các kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, các cơ quan trung ương và địa phương đã quán triệt các nội dung, ban hành các kế hoạch hành động, phối hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết và Chương trình hành động. Các đề án, nhiệm vụ đang triển khai hoặc đã có kết quả cụ thể, đóng góp chung vào sự phát triển của Vùng.

Theo đó, đã khởi công các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, có tính liên kết vùng; Đã thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết nội vùng và với các vùng khác trong cả nước; Đã hoàn thành Quy hoạch vùng; Đang thực hiện rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù vùng; Nghiên cứu từng bước hình thành các trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của các địa phương trong vùng được giữ vững ổn định; Công tác đối ngoại được quan tâm, mở rộng cả về đối tác và nội dung hợp tác, trong đó chú trọng đối ngoại kinh tế, xúc tiến thu hút đầu tư; Kinh tế - xã hội từng bước phát triển ổn định đã chứng minh tính đúng đắn của Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ./.

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.100.347