Nỗ lực xử lý dứt điểm các tồn tại về IUU trước đợt thanh tra lần thứ 5 của EC
Đầu tháng 2/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã chủ trì cuộc họp lần thứ 9 của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU. Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, Ban ngành và 28 tỉnh, thành ven biển tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế mà Đoàn Thanh tra lần thứ 4 của Ủy ban châu Âu (EC) đã chỉ ra trong đợt kiểm tra vào tháng 10/2023.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Trước tiên, Phó Thủ tướng ghi nhận sự cố gắng của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU. Tuy nhiên, xét về tổng thể đến nay tại một số địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục, chưa bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, như: tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra, diễn biến phức tạp; việc kiểm soát, xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa hiệu quả; chưa quản lý, kiểm soát được tàu cá “3 không”. Ngoài ra, cơ quan, lực lượng chức năng tại địa phương chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong điều tra, xác minh, xử phạt các hành vi khai thác IUU như: khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, ngắt kết nối hoặc gửi, vận chuyển thiết bị VMS trái phép, vi phạm về nhật ký khai thác, tàu cá hoạt động khai thác sai vùng… dẫn đến kết quả còn rất hạn chế, chưa đồng bộ giữa các địa phương, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo thông tin từ Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu thủy sản năm 2023 của nước ta đạt khoảng 92% so với kế hoạch. Nguyên nhân được cho là do những ảnh hưởng của tình hình chính trị trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp. Đồng thời, việc Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “Thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam cũng tạo ra những ảnh hưởng khiến xuất khẩu thủy sản của nước ta không đạt được kế hoạch đề ra. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU đạt 869,54 triệu USD, giảm 28,91% so với năm 2022. Còn theo số liệu mới nhất thì tính đến thời điểm tháng 1/2024, Việt Nam đã xuất khẩu sang EU tổng 69,45 triệu USD mặt hàng thủy sản, tăng 32,02% so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến vào tháng 4/2024, EC sẽ sang kiểm tra lần 5. Đây là thời điểm quyết định để gỡ cảnh báo “thẻ vàng”. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế hiện nay; trong đó chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm từ nay đến ngày 30/04/2024.
Bên cạnh những nhiệm vụ trước mắt nêu trên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có các giải pháp căn cơ, lâu dài để phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm như hợp tác với các nước về nghề cá, mở ra hướng đi mới cho ngư dân; thu hút đầu tư nước ngoài vào nuôi trồng, chế biến hải sản.
Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp
-
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc tuần giao dịch vừa qua (19 - 23/2), thị trường hàng hóa biến động rất mạnh. Điều này thể hiện qua sự phân hóa, giằng co rõ rệt giữa các mặt hàng,
-
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch hôm qua (20/2), lực bán mạnh chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV-Index suy yếu 0,36% xuống 2.112 điểm. Dòng tiền đã trở lại thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới một cách mạnh mẽ
-
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (15/2), hầu hết các mặt hàng nhóm nông sản đều giảm giá. Trong đó, giá ngô hợp đồng tháng 3 chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 12/2021 khi nối dài đà suy yếu và giảm 1,53%.
-
Ngày 22 tháng 1 năm 2024, Ủy ban Châu Âu ban EU ban hành Quy định mới số (EU) 2024/331 sửa đổi Phụ lục II và V Quy định (EC) số 396/2005 của Nghị viện và của Hội đồng Châu Âu liên quan đến mức dư lượng tối đa (MRL) đối với hoạt chất Oxamyl áp dụng đối với một số nông sản.