Nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022
Tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 11/9/2022 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục quán triệt phương châm điều hành “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm, 1 kiên quyết không”; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2022.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
Theo đó, các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 755/CĐ-TTg ngày 25/8/2022, nhất là đẩy mạnh tiêm vắc xin. Khẩn trương khắc phục có hiệu quả tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số cơ sở khám chữa bệnh.
Tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp.
Chủ động rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách sớm đưa Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/ 6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào thực tiễn, phát huy hiệu quả.
Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, trong nước, nhất là tình hình lạm phát, giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược để phân tích, dự báo, kịp thời có giải pháp phù hợp ứng phó với các vấn đề phát sinh. Các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả để kịp thời có giải pháp ổn định thị trường, bình ổn giá cả.
Các bộ, cơ quan ngang bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý trong tháng 9/2022. Giao Văn phòng Chính phủ xây dựng, trình Chính phủ trước ngày 30/9/2022 để ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Các bộ, cơ quan được phân công chủ trì chuẩn bị kỹ, sớm hoàn thiện để khẩn trương trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội khóa XV Kỳ họp thứ 4 các báo cáo, tài liệu theo quy định, bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các nghị quyết, chỉ thị, công điện và văn bản chỉ đạo đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/8/2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030; tổng hợp, xây dựng báo cáo tình hình triển khai công tác quy hoạch và kết quả thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội khóa XV Kỳ họp thứ 4.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất phương án xử lý vướng mắc trong việc điều chỉnh Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) và các dự án tương tự, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 15/9/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 244/TB-VPCP ngày 11/8/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Về tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình), Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 6199/BC-BKHĐT ngày 04/9/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến ngày 02/9/2022, đã giải ngân đạt trên 55,5 nghìn tỷ/301 nghìn tỷ đồng các chính sách của Chương trình; đã hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục và bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 2 văn bản cụ thể hóa chính sách chưa được ban hành; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình còn chậm; việc thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho vay còn gặp nhiều khó khăn...
Để kịp thời khắc phục các vướng mắc, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các chính sách thuộc Chương trình, Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành; Trong đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu, giải trình ý kiến của Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao danh mục và mức vốn cho các dự án thuộc Chương trình theo đúng kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện theo quy định; đồng thời xem xét, áp dụng các cơ chế đặc thù đã được Quốc hội cho phép để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng quy định.
Về tình hình đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2022 và kết quả kiểm tra của 06 Tổ công tác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 6200/BC-BKHĐT ngày 04/9/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến hết tháng 8, đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đạt 93,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tuy nhiên, kết quả giải ngân đạt 39,15% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (40,6%), trong đó, 42/51 cơ quan trung ương và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước. Chính phủ phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, trong đó nghiêm khắc phê bình 12 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10% kế hoạch; yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định, đồng thời khẩn trương có giải pháp khắc phục. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách cụ thể các bộ, cơ quan và địa phương có tỷ lệ giải ngân 8 tháng đầu năm dưới mức trung bình của cả nước.
Trên cơ sở ý kiến của các Thành viên Chính phủ, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay để triển khai thực hiện.
Các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ hằng tháng tiếp tục tổ chức họp, tập trung triển khai các hoạt động đôn đốc, kiểm tra để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan, địa phương.
Về tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ cơ bản thống nhất Báo cáo số 6090/BC-BKHĐT ngày 29/8/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết liệt đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phải kiểm điểm và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để chậm tiến độ triển khai, giải ngân vốn thực hiện các chương trình đã được giao trong năm 2022; đồng thời, ưu tiên phân bổ vốn kế hoạch năm 2023 cho những cơ quan, đơn vị, địa phương có kết quả giải ngân đến hết ngày 30/9/2022 đạt trên 30%. Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp các địa phương sau thời điểm ngày 15/9/2022 chưa hoàn thành phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện 3 Chương trình, đề xuất Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chuyển vốn cho các địa phương đã hoàn thành các thủ tục giao vốn, phê duyệt dự án, dự toán chi tiết và có khả năng giải ngân vốn ngay trong năm 2022; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ chủ Chương trình mục tiêu quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ dự kiến vốn sự nghiệp giai đoạn 2021-2025 thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Về Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại Phiên họp để hoàn thiện Báo cáo, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương theo quy định; trong đó, bổ sung nội dung báo cáo về số lượng dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đúng kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 14021/TB-TTKQH ngày 31/ 8/2022 của Tổng Thư ký Quốc hội; chủ trì tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, hoàn thiện Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ trước khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thống nhất số liệu trong các báo cáo liên quan.
Về Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại Phiên họp để hoàn thiện Báo cáo, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ cho ý kiến; trên cơ sở đó, tiếp thu ý kiến các thành viên Ban cán sự đảng Chính phủ, hoàn thiện Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ trước khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thống nhất số liệu trong các báo cáo liên quan.
Về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 6234/TTr-BKHĐT ngày 05/9/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp; khẩn trương hoàn thiện Báo cáo, hồ sơ liên quan để báo cáo Bộ Chính trị theo quy định, bảo đảm đúng tiến độ.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia để tổ chức phiên họp thẩm định theo quy định, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa XV Kỳ họp thứ 4, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Link nguồn
-
Ngày 21 tháng 09 năm 2022, Tổ chức tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới - Brand Finance (có trụ sở tại Luân-đôn, Anh và hàng năm tiến hành định giá 70.000 thương hiệu trên thế giới) đã công bố báo cáo định giá thương hiệu quốc gia Việt Nam và Top 50 doanh nghiệp có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam.
-
Diễn biến trên thị trường xuất nhập khẩu, thị trường xăng dầu, đang được góc nhìn báo chí tập trung phản ánh nhiều trong ngày hôm nay 20/9.
-
Ngày 17 tháng 9 năm 2022, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 54, Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và các Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Kinh tế giữa ASEAN và các nước đối tác Trung Quốc, Ca-na-đa, Đông Á, Cộng Ba và Hồng Công
-
Cơ chế hợp tác Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế 4 nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam (CLMV) được hình thành từ tháng 8/2010 theo sáng kiến của Việt Nam. Mục tiêu của Hội nghị nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế,