VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

NHNN sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí đầu vào

03/04/2020 10:16

NHỮNG THÔNG TIN ĐÁNG LƯU Ý TRONG TUẦN & DỰ BÁO

I. Kinh tế thế giới
Tuần qua, diễn biến phức tạp của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, làm gia tăng lo ngại về nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm 2020, nhất là trong bối cảnh châu Âu đã trở thành tâm điểm bùng phát mới và dịch bệnh đang tăng nhanh ở nhiều nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia... Hàng loạt biện pháp đã được áp dụng mạnh nhằm kiểm soát và kiềm chế dịch bệnh lây lan. Trong đó đáng chú ý nhất là lệnh cấm nhập cảnh trong 30 ngày đối với tất cả các nước châu Âu của Mỹ và lệnh cấm nhập cảnh trong 30 ngày của Liên minh châu Âu (EU) đối với tất cả các nước, ngoại trừ Anh và các nước thuộc EFTA.

Covid-19 đã khiến giá nhiều loại hàng hóa giảm mạnh trong khi các thị trường chứng khoán toàn cầu cũng liên tục lao dốc. Tính đến ngày 19/3/2020, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI sụt giảm mạnh xuống 20,37 USD/thùng, trong khi dầu Brent đứng ở mức 24,88 USD/thùng – những mức giá thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. Trong khi đó, nhà đầu tư đang dần chuyển sang các tài sản an toàn hơn như vàng và trái phiếu. Xu hướng này đã đẩy giá vàng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua và khiến hệ số giữa giá vàng và giá dầu đẩy lên mức cao kỷ lục kể từ đầu năm 2016.

Trước diễn biến này, trong tuần qua Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi chính phủ các nước hợp tác cùng nhau nhằm ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Trong đó, ông nhấn mạnh cần tập trung vào các vấn đề hợp tác để hồi sinh các nền kinh tế, mở rộng đầu tư công, thúc đẩy thương mại và đảm bảo sự hỗ trợ cho người dân cũng như cộng đồng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Để đối phó với tác động tiêu cực của Covid-19 và hỗ trợ kinh tế, trong tuần qua chính phủ và ngân hàng trung ương các nước tiếp tục đưa ra nhiều hành động cụ thể, cho thấy sự phối hợp chính sách giữa các Ngân hàng trung ương lớn trên thế giới nhằm hỗ trợ cho thị trường tài chính toàn cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực tới đà tăng trưởng kinh tế ở khắp nơi trên thế giới và gây gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng.

Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống mức 0 - 0,25%, đánh dấu lần thứ hai trong tháng 3/2020 FED buộc phải cắt giảm lãi suất khẩn cấp, đồng thời cho biết sẽ mua 700 tỷ USD trái phiếu và các cổ phiếu được bảo đảm bằng bất động sản nhằm ngăn chặn khả năng thị trường bị ngưng trệ hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng đã khiến các hoạt động kinh tế gần như tê liệt. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đề xuất Thượng viện và Hạ viện Mỹ chấp thuận kế hoạch cung cấp gói cứu trợ 850 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau khi thị trường chứng khoán nước này giảm kỷ lục.

Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mặc dù quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức -0,5% nhằm kích thích vay đầu tư thay vì giữ tiền trong ngân hàng, nhưng đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá lên tới 120 tỷ Euro (135 tỷ USD), tăng từ mức 20 tỷ Euro/tháng như hiện nay nhằm hỗ trợ nền kinh tế khu vực. Riêng tại Đức, chính phủ nước này đã quyết định hỗ trợ 550 tỷ Euro (khoảng 614 tỷ USD) – ghi nhận gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử hậu chiến của nước này, đồng thời đề xuất hỗ trợ không giới hạn chương trình tín dụng cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch. Tại Italia, chính phủ đã thông qua sắc lệnh chi 25 tỷ Euro (tương đương 27,8 tỷ USD). Sắc lệnh này được kỳ vọng giúp kinh tế Italia giảm nhẹ tác động từ dịch bệnh Covid-19, bao gồm việc hoãn thanh toán nợ đối với các công ty nhờ có nhà nước bảo lãnh với các ngân hàng, tăng ngân sách giúp các doanh nghiệp chi trả lương cho những nhân viên phải tạm nghỉ do lệnh phong tỏa.

Trước tình trạng dịch bệnh đã làm đình trệ tất cả hoạt động kinh tế, Cộng đồng châu Âu (EC) vừa qua đã dự đoán EU nói chung và Eurozone nói riêng sẽ có thể rơi vào suy thoái kinh tế trong năm 2020, thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo kinh tế Eurozone tăng trưởng 1,2% trong hai năm 2020 và 2021 trong báo cáo tháng 2 vừa qua.

Tại Nhật Bản, trong tuần qua Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định mở rộng chương trình mua tài sản, đồng thời tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp gặp vấn đề về thanh khoản. Cụ thể, BoJ sẽ tăng gấp đôi khối lượng chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) mua vào mỗi năm lên mức 112 tỷ USD và khối lượng chứng chỉ quỹ tín thác đầu tư bất động sản lên mức gần 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, BoJ vẫn duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất dài hạn ở mức khoảng 0%.

Tại Trung Quốc - nơi bùng phát của đại dịch Covid-19, tốc độ lây nhiễm được đánh giá là đã qua giai đoạn đỉnh và đang có những tiến triển tích cực, hầu hết các khu vực trên cả nước đang trên đà khôi phục lại sản xuất và phục hồi các chuỗi cung ứng. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã chịu ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch trong những tháng đầu năm 2020. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước này hai tháng đầu năm 2020 đạt 4.120 tỷ nhân dân tệ (NDT), giảm 9,6%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.040 tỷ NDT, giảm 15,9% và giá trị nhập khẩu ở mức 2.080 tỷ NDT, giảm 2,4%. Trong thời gian tới, hoạt động ngoại thương của Trung Quốc tiếp tục chịu tác động tiêu cực trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng lan rộng ra nhiều nước và đến nay đã có ít nhất 24 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng biện pháp kiểm soát thương mại hàng hóa đối với Trung Quốc.

II. Kinh tế trong nước
Kinh tế trong nước tuần qua tiếp tục chịu ảnh hưởng trên hàng loạt lĩnh vực trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp với số ca nhiễm virus liên tục tăng. Tương tự như các nước, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều hành động cụ thể nhằm ứng phó với dịch bệnh. Từ ngày 18/3/2020, Việt Nam cũng chính thức tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày. Trong khi đó, sau khi ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 12/3 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong ngày 16/3, NHNN đã ban hành 04 quyết định số 418, 419, 420 và 421/QĐ-NHNN giảm đồng loạt các mức lãi suất điều hành từ ngày 17/3 nhằm giúp tổ chức tín dụng có thanh khoản dồi dào, có thêm điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp. Sau thông báo hạ trần lãi suất của NHNN, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất. Nhiều ngân hàng còn áp dụng lãi suất thấp hơn mức trần quy định. Trong đó, lãi suất cao nhất của các ngân hàng đối với các khoản tiền gửi 1 tháng đến dưới 6 tháng chỉ còn 4,75%/năm, ở các kỳ hạn trung và dài hạn cũng được điều chỉnh giảm.

Động thái điều chỉnh hạ lãi suất của NHNN sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là với một số lĩnh vực ưu tiên.

Để có thông tin chi tiết của bản tin Quý độc giả vui lòng liên hệ;
Phòng Thông tin Xuất nhập khẩu
- Địa chỉ:               Phòng 603 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
- Điện thoại:          024 3715 2584/ 371525 85/ 3715 2586            Fax: 024 3715 2574
Người liên hệ:      
- Mrs Huyền;         0912 077 382    ( thuhuyenvitic@gmail.com)
- Mrs Nhuận;         0982 198 206    (hongnhuan82@gmail.com)
- Mrs Kiều Anh;     0912 253 188    (kieuanhvitic@gmail.com)

Để có thông tin đầy đủ Quý độc giả vui lòng tải mẫu phiếu đăng ký sử dụng bản tin tại đây; 

Phòng TTXNK

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.101.692