Nhiều thách thức với mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ
Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đặt ra rất nhiều mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này đây vẫn được coi là mục tiêu vô cùng thách thức với ngành CNHT trong nước.
Cụ thể, Nghị quyết 115/NQ-CP đặt mục tiêu, năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.
Tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam vẫn ở mức thấp
Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng đầy đủ 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Cụ thể hơn, lĩnh vực linh kiện phụ tùng: Phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa-cao su và linh kiện phụ tùng điện-điện tử, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 cung ứng được 45% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, cung ứng được 65% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Lĩnh vực CNHT ngành dệt may-da giày: Phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, da giày đạt 75-80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu.
Lĩnh vực CNHT cho công nghiệp công nghệ cao: Phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.
Mục tiêu thì như vậy, song cho đến nay nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam khó mà đạt được như kỳ vọng đã đặt ra. Điển hình như ngành dệt may, da giày, đây là những ngành có kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng nguyên, phụ liệu dùng để sản xuất vẫn chủ yếu nhập từ Trung Quốc với khoảng 80%. Cũng chính vì phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nên khi dịch bệnh xảy ra, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp trong nước không có nguyên, phụ liệu để sản xuất. Tương tự, các ngành công nghiệp chủ lực khác như: Điện tử, sản xuất, lắp ráp ôtô cũng phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu nên cũng rơi vào cảnh khó khăn về nguyên liệu sản xuất khi dịch Covid-19 bùng phát tại các quốc gia cung ứng nguyên, phụ liệu.
Trong đó, báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, tỷ lệ nội địa hóa của ngành điện tử hiện mới đạt 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2025, ngành điện tử phải nội địa hóa đến 45%, đây là mục tiêu đầy thách thức.
CNHT vẫn được xác định là lĩnh vực quan trọng, không chỉ tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước phát triển, mà còn thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, rất nhiều chính sách phát triển CNHT đã được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để các chính sách này thực sự mang lại hiệu quả, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu và sớm trình Quốc hội ban hành Luật CNHT để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, nhiều nhiều doanh nghiệp CNHT cũng kiến nghị, Chính phủ ban hành chỉ thị cụ thể, yêu cầu các tập đoàn nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa bằng cách đặt hàng của các doanh nghiệp trong nước, nhưng theo hướng sẽ hỗ trợ các tập đoàn nước ngoài về thuế và chính sách khác theo tỷ lệ đặt hàng nội địa.
Việt Nam đã thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như: Samsung, LG, Canon, Intel, Foxconn. Đây là cơ hội tuyệt vời cho ngành CNHT trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn
-
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg quy định Tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), DN có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.
-
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó lường, yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen. Trong nước, với những thời cơ, thuận lợi và được kế thừa những kết quả quan trọng đã đạt được của 35 năm đổi mới và của năm 2020,
-
Nhiều người mua hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã bị một số đối tượng lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, bị lừa đảo, hoặc giao cho hàng giả, hàng nhái.
-
So với kim ngạch xuất khẩu chúng ta đã đạt được cho tới thời điểm này, nhập siêu chỉ chiếm khoảng 1%. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận, con số nhập siêu 1,47 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021