Nhiều dấu hiệu tích cực trong quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản
Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc). Trong đó, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc) đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc) của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 44,95 tỷ USD, giảm 5,62% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 23,31 tỷ USD, giảm 3,84% so với năm 2022, kim ngạch nhập khẩu đạt 21,64 tỷ USD, giảm 7,47% so với năm 2022.
Biểu đồ 1: Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 2020-2023
Đơn vị tính: Tỷ USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Thống kê cho thấy kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng đều qua các năm. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 40 tỷ USD; năm 2021 đạt 42,7 tỷ USD, năm 2022 đạt 47,6 tỷ USD, năm 2023 đạt 44,95 tỷ USD. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam chủ yếu sản xuất và xuất khẩu sang Nhật Bản các loại thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại...Nhiều mặt hàng mà Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu chính là những mặt hàng Việt Nam thế mạnh và tiềm năng để trở thành nguồn cung ứng chính cho Nhật Bản.
Biểu đồ 2: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản trong giai đoạn 2013 – 2023
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Bước sang năm 2024, hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản tiếp tục ghi nhận tín hiệu khả quan. Trong tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 2,23 tỷ USD, tăng 11,4% so với tháng trước và tăng 44,93% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, mặt hàng dệt, may tỷ trọng cao nhất với kim ngạch đạt 386,69 triệu USD, tăng 11,92% so với tháng trước và tăng 55,39% so với cùng tháng năm trước, chiếm tỷ trọng 17,34% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.
Biểu đồ 3: 10 thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Nhật Bản trong năm 2023 (Việt Nam xếp thứ 8)
Đơn vị tính: %
Nguồn: Trademap.org
Năm 2023, Việt Nam nằm trong danh sách 10 thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Nhật Bản (Việt Nam xếp thứ 8 trong danh sách), chiếm tỷ trọng 3,28% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Nhật Bản. Đứng đầu trong danh sách này là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Úc. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Nhật Bản từ 3 thị trường này đã chiếm tới 41,11% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Nhật Bản trong năm 2023.
Với 126 triệu dân Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với nhiều hàng hóa sản xuất từ Việt Nam, bao gồm nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo (hàng dệt may, giày dép, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại...) tới các mặt hàng nông thủy sản, đặc biệt là cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt, sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê… Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản đang được hỗ trợ bởi nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đang thực thi, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác Chiến lược và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nhờ các FTA hiện hành, hàng hóa xuất nhập khẩu đều có thể tận dụng được ưu đãi thuế quan tốt nhất.
Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Nhật Bản trong tháng 01/2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản các mặt hàng phục vụ sản xuất công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, kim loại…
Bảng 2: Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Nhật Bản trong tháng 01/2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Nhật Bản hiện là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 (Nhóm Các nước Công nghiệp Hàng đầu Thế giới) đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Do đó, hai nước có rất nhiều cơ hội tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, nhất là trong tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Nhật Bản cũng hiện đang là đối tác đã ký kết nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương và đa phương nhất với Việt Nam. Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, đối với Chính phủ, Bộ ngành, địa phương cần thực hiện một số nhóm giải pháp dưới đây để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản: Thứ nhất, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các chuỗi cung ứng lạnh như hệ thống kho, logistic để bảo quản và vận chuyển các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại sang nước ngoài tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế theo các chuyên ngành.
Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp, để tăng cường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh sang thị trường Nhật Bản cần: Đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo sự ổn định về giá bán và sản lượng cung ứng vì thị trường Nhật có tiêu chuẩn cao, khó vào nhưng nếu đã vào được thì sẽ ổn định và lâu dài; Hợp tác với đối tác Nhật Bản để cải tiến thiết kế, mẫu mã cho phù hợp thị hiếu người Nhật, chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, xây dựng website, làm catalogue có cả tiếng Anh, tiếng Nhật; Tìm hiểu, tận dụng tốt các ưu đãi thuế, xuất xứ trong các FTA; tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ ngành, cơ quan, tổ chức liên quan; Tích cực tham gia các chương trình hội thảo kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến; tham gia các đoàn xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn tại nước ngoài trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, hàng gia dụng, vật liệu xây dựng, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ...Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi kinh doanh với đối tác Nhật Bản không nên chỉ dừng ở việc mua đứt – bán đoạn, mà còn nên tiếp tục theo dõi, kiểm soát xem sản phẩm của mình được thị trường đón nhận như thế nào, khách hàng phản hồi ra sao, nhằm tránh những rủi ro không đáng có.
Đáng lưu ý Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thương mại do hai nền kinh tế có sự bổ sung lẫn nhau. Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nền kinh tế có độ mở cao, đang duy trì tốc độ phát triển nhanh, nguồn nhân lực trẻ dồi dào, nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp. Hai nền kinh tế có tính bổ sung cao và có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng. Với những dấu hiệu tích cực kể trên, thời gian tới, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều tiềm năng để phát triển quan triển quan hệ thương mại, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam sang quốc gia này.
Thông tin chi tiết xem tại đây;
Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp
-
Ngày 15/02/2024, ba container chuối với khối lượng 6 tấn của Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm (Công ty BBF), huyện M'đrắk, Đắk Lắk được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.
-
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 14,36 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2022, trong đó, xuất khẩu sang Ấn Độ đạt kim ngạch 8,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2022, là một trong số ít thị trường đạt mức tăng trưởng dương.
-
Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng đạt 44,52 tỷ USD, tăng 9,4% so với tháng trước và tăng 32,9% so với cùng kỳ năm trước.
-
Xuất khẩu tôm Việt Nam tháng 1/2024 đạt 242 triệu USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoại trừ việc năm 2023 Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, nếu so sánh với cùng kỳ những năm trước đó, doanh số XK tôm tháng 1/2024 vẫn là một tín hiệu tích cực