Nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cá tra Việt Nam tại thị trường Mexico
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cá tra nằm trong nhóm hàng thủy sản được hưởng ưu đãi của Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Dù đã liên tục giảm nhập khẩu trong tháng 2,3,4/2024, xuất khẩu cá tra sang Mexico tăng trưởng dương trở lại trong tháng 5 và tháng 6/2024. Trong đó, tháng 6/2024 là tháng thị trường này tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam với giá trị nhập khẩu hơn 8 triệu USD, tăng 50% so với tháng 6/2023.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Tính đến 15/7/2024, Mexico nhập hơn 39 triệu USD cá tra từ Việt Nam, tiếp tục duy trì là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của mặt hàng này…Với kim ngạch xuất khẩu trên, cá tra Việt Nam vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Mexico.
Mexico có quan hệ với nhiều khu vực nền kinh tế quan trọng trên thế giới, được coi là đầu mối để mở rộng đến các vùng kinh tế năng động như G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) hay Liên minh Kinh tế Thái Bình Dương (Pacific Alliance). Là nền kinh tế phát triển năng động, dân số lớn, cửa ngõ tiếp cận hơn 500 triệu người dùng, Mexico đang dần trở thành khu vực thị trường hấp dẫn đối với cả thế giới, trong đó có Việt Nam.
Dẫn số liệu từ Hải quan Việt Nam, VASEP thông tin chỉ trong nửa đầu tháng 7/2024, xuất khẩu cá tra sang Mexico đạt hơn 4 triệu USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 7/2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 39 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Mexico tiếp tục duy trì là thị trường đứng đầu trong khối CPTPP và là thị trường đơn lẻ thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Mỹ về tiêu thụ nhiều nhất cá tra từ Việt Nam.
Trong đó, Việt Nam xuất sang Mexico chủ yếu là sản phẩm cá tra phile đông lạnh và cá tra cắt khúc đông lạnh. Qúy 2/2024, xuất khẩu cá tra phile cắt khúc đông lạnh mã HS 0304 sang thị trường này đạt hơn 18 triệu USD, tăng 19% và trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 31 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong quý 2/2024, Mexico hầu như không nhập khẩu các sản phẩm cá tra chế biến giá trị gia tăng từ Việt Nam. Nửa đầu năm nay, thị trường này tiêu thụ gần 300 nghìn USD cá tra giá trị gia tăng, tăng 262% so với cùng kỳ, chiếm 1% tỷ trọng và chủ yếu là do lượng nhấp khẩu từ quý đầu năm.
"Bất chấp khoảng cách địa lý, cá tra Việt Nam vẫn được người tiêu dùng tại Mexico ưa chuộng. Cá tra của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về độ chắc thịt và mùi vị so với các loài cá thịt trắng khác như cá tuyết (cod), cá lưỡi trâu, cá tuyết (haddock) và cá minh thái”, VASEP nhận định.
Ngoài ra, với lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với các loại cá thịt trắng khác, cá tra Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một sản phẩm thay thế có tính cạnh tranh cao không chỉ với khẩu vị người Châu Á mà còn ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp
-
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa chính thức ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
-
Ngày 19/8/2024, sau khi các Nghị định thư được ký kết, các mặt hàng gồm: dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu của nước ta chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
-
Chiều ngày 16/8, đại diện tổ chức BUREAU VERITAS tại Việt Nam đã trao giấy chứng nhận BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất của Tổ chức Liên minh thủy sản toàn cầu) cho Công ty TNHH Xã Hội Tôm chứng nhận Minh Phú, đơn vị đồng hành thực hiện “Dự án tôm-lúa xã Biển Bạch Đông”.
-
Sau 4 năm thực thi EVFTA, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt gần 170 tỷ USD, tăng gần 50%. Trong đó, nông sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng góp vào kết quả xuất khẩu chung của cả nước