VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

16/06/2023 09:18

Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 08/6/2023 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2023 trực tuyến với địa phương nêu rõ, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.


Ảnh minh hoạ, nguồn internet

Trong điều hành không được hoang mang, dao động nhưng cũng không được chủ quan, mất bình tĩnh; phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tránh tâm lý trông chờ ỷ lại và sợ trách nhiệm, sợ sai; nắm chắc tình hình, tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi và hóa giải khó khăn, thách thức để đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan theo phân công tiếp tục tập trung chuẩn bị tốt các đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định và theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Các Thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ theo nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm tham dự đầy đủ các buổi họp, thảo luận tại hội trường Quốc hội theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; chủ động tham gia báo cáo, giải trình, làm rõ những vấn đề được đại biểu Quốc hội, cử tri, xã hội quan tâm; phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan liên quan để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.

Các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư để chủ động phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án điều hành, phản ứng chính sách nhanh hơn, kịp thời, hiệu quả hơn đối với những vấn đề phát sinh. Chỉ đạo xử lý kịp thời những vấn đề dư luận quan tâm, không để tạo thành điểm nóng, bức xúc.

Tích cực rà soát, nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của bộ, cơ quan, địa phương; tập trung xử lý, giải quyết kịp thời, dứt điểm, hiệu quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề còn vướng mắc, phát sinh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng của nền kinh tế bao gồm: tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.

Khẩn trương triển khai các chính sách đã ban hành, kiến nghị cho phép kéo dài, bổ sung, điều chỉnh kịp thời, phát huy cao nhất hiệu quả của chính sách và nguồn lực đã ban hành; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp mới theo hướng mạnh hơn, quyết liệt, hiệu quả, thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15/6/2023 để tổng hợp, báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng rà soát, kiên quyết cắt giảm những thủ tục hành chính chính, điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, được người dân, doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị. Tuyệt đối không ban hành quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian trái quy định hoặc không cần thiết cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, người dân; trường hợp đã ban hành thì phải rà soát, sửa đổi ngay, chậm nhất hoàn thành trong tháng 8/2023.

Các địa phương tập trung xử lý theo thẩm quyền, chủ động giải quyết, ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, tạo thêm việc làm, thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động. Theo dõi, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn... Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ưu tiên nguồn lực, sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.

Tập trung, quyết liệt tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/ 2023; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp đề xuất của các bộ, cơ quan theo quy định tại điểm c khoản 2 Mục I Nghị quyết này, khẩn trương trình Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 để xem xét, ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội trong tình hình mới; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế, không trái với quy định và cam kết quốc tế theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 58/TB-VPCP ngày 21/4/2023.

Tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng quý II và cả năm 2023; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp, kịp thời; phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi chức năng quản lý, kiến nghị cụ thể phương án sửa đổi, thay thế, bãi bỏ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023.

Nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trong tháng 8 năm 2023 việc xây dựng Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đề xuất thành lập, kiện toàn Hội đồng điều phối của 6 vùng kinh tế, xã hội, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6/2023; trường hợp có văn bản cần sửa đổi, bổ sung thì hoàn thành trước ngày 20/6/2023.

Về tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 4153/BC-BKHĐT ngày 01/6/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến hết tháng 5/2023, giải ngân các chính sách hỗ trợ ước đạt hơn 88,8 nghìn tỷ đồng. Trong tổng số vốn chi đầu tư phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã giao 161.848 tỷ đồng cho 223 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Đối với số còn lại, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội phân bổ 13.369,468 tỷ đồng cho 45 dự án đã đủ điều kiện giao vốn, cho phép tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để Thủ tướng Chính phủ giao vốn đối với số vốn 273 tỷ đồng, không thực hiện phân bổ 509,217 tỷ đồng còn lại, giảm bội chi tương ứng trong năm 2023.

Về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo số 4154/BC-BKHĐT ngày 01/6/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các bộ, cơ quan, địa phương đã quyết tâm, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đến hết tháng 5/2023, các bộ, cơ quan và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết 628.778,247 tỷ đồng, ước đạt 88,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; thanh toán ước đạt 22,22% kế hoạch kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2022 nhưng số tuyệt đối cao hơn 41.172,9 tỷ đồng. Năm 2023 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương phải xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023 của từng bộ, cơ quan, địa phương; tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Công điện số 123/CĐ-TTg ngày 10/2023 và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của 05 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; kịp thời báo cáo chi tiết khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết theo thẩm quyền để Tổ trưởng, Thành viên Tổ công tác xem xét, xử lý.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư định kỳ hằng tháng công khai danh sách các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công và Cổng thông tin điện tử; đề xuất phê bình, các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm; biểu dương các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân tốt. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều hòa nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong phạm vi tổng Kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã được Quốc hội quyết nghị, bảo đảm giải ngân toàn bộ nguồn vốn của Chương trình trong năm 2023 theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2023 về phương án giảm thủ tục, thời gian thực hiện và sử dụng vốn ODA, kể cả phương án sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan

Nghị quyết nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những ý kiến khác so với đề xuất của Chính phủ về việc giao vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia; phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về nội dung nêu trên.

Về tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ cơ bản thống nhất Báo cáo số 4123/BC-BKHĐT ngày 01/6/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đến nay, các Bộ, cơ quan trung ương đã ban hành 59 văn bản để trả lời, hướng dẫn, giải quyết 261/339 khó khăn, vướng mắc; tuy nhiên vẫn còn 01 nghị định, 02 thông tư cần được sửa đổi, bổ sung. Phân công Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Về triển khai công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Chính phủ cơ bản thống nhất Báo cáo số 4137/BC-BKHĐT ngày 01/6/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các Bộ, cơ quan, địa phương đã đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021- 2030, trong số 111 quy hoạch phải lập, có 19 quy hoạch đã phê duyệt; 08 quy hoạch đang trình phê duyệt; 38 quy hoạch thẩm định xong, đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 17 quy hoạch đang thẩm định; 19 quy hoạch đã lập, đang lấy ý kiến; 10 quy hoạch đang lập. Chất lượng công tác quy hoạch đã được nâng cao, phát huy kết quả tích cực, tạo ra cơ hội, không gian phát triển mới và giá trị mới cho quốc gia, vùng và địa phương. Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch còn chậm, chất lượng một số hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt chưa bảo đảm yêu cầu; năng lực, trình độ cán bộ chuyên môn còn hạn chế, việc xây dựng, tham gia thẩm định và rà soát phê duyệt quy hoạch của một số cơ quan, địa phương còn thiếu chủ động, chặt chẽ.

Để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và nâng cao chất lượng các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/8/2022 về thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 25/5/2023, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt các quy hoạch; khẩn trương tổ chức công bố và xây dựng kế hoạch thực hiện đối với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, sớm đưa các quy hoạch vào triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Các Bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 108/NQ-CP; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tham gia ý kiến thẩm định và rà soát phê duyệt quy hoạch, bảo đảm đúng tiến độ và các quy định pháp luật.

Về Báo cáo tổng hợp kết quả làm việc của đoàn công tác do các Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, Chính phủ cơ bản đồng ý với Báo cáo số 4159/BC-BKHĐT ngày 01/6/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổng hợp kết quả làm việc của các đoàn công tác theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phân công Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổng hợp, rà soát, phân loại các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, xác định rõ thẩm quyền, cơ quan chủ trì xử lý; khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo cụ thể từng Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý ngay theo thẩm quyền và có văn bản trả lời địa phương trong tháng 6/2023. Đồng thời, nghiên cứu, tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của các đoàn công tác trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội trong tình hình mới, theo nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/5/2023.

Đối với những vấn đề đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo cụ thể và quy định rõ thời hạn hoàn thành, yêu cầu các Bộ, cơ quan khẩn trương tổ chức thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đối với những đề xuất, kiến nghị cấp thiết khác đã xác định được thẩm quyền, cơ quan chủ trì xử lý thì các bộ, cơ quan khẩn trương xử lý theo thẩm quyền được giao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo đối với những vấn đề vượt thẩm quyền./.

 


 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.107.760