VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Nhập siêu tăng: Bước chạy đà cho sự phục hồi

06/07/2021 08:27

So với kim ngạch xuất khẩu chúng ta đã đạt được cho tới thời điểm này, nhập siêu chỉ chiếm khoảng 1%. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận, con số nhập siêu 1,47 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021 là con số là bình thường, chưa phải là yếu tố đáng ngại, đặc biệt khi nhìn vào các yếu tố để tạo nên mức nhập siêu này.


Các ngành như dệt may, da giày, đồ gỗ hiện đang nhập nguyên liệu về để phục vụ cho kế hoạch sản xuất, trả hàng theo đơn đã đặt của các đối tác. Ảnh minh họa

Nhập siêu không đáng lo

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tác động đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp thì tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về xuất khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tính chung 6 tháng đầu năm ước đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%. Về nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tính chung 6 tháng đầu năm ước đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa năm nay đã "đảo chiều" so với thời điểm này của năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,47 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỷ USD).

Mặc dù cán cân thương mại có sự "đảo chiều" nhưng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, có đến 93,9% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng tư liệu sản xuất. Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng nhập khẩu 72 tỷ USD, tăng 33% và chiếm 45,2%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 77,35 tỷ USD, tăng 40,2% và chiếm 48,6%. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 9,78 tỷ USD, tăng 28% và chiếm 6,1%.

Nhận định về con số xuất siêu trong nửa đầu năm, ông Trần Thanh Hải cho rằng, có 3 yếu tố chính tạo tạo nên mức nhập siêu này.

Thứ nhất, ảnh hưởng của dịch bệnh trong thời gian vừa qua đã tác động rất lớn lên nhóm hàng điện tử - nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, làm sụt giảm sản xuất của nhóm này và làm cho xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Thứ hai, các ngành như dệt may, da giày, đồ gỗ hiện đang nhập nguyên liệu về để phục vụ cho kế hoạch sản xuất, trả hàng theo đơn đã đặt của các đối tác nước ngoài từ nay đến cuối năm, dẫn đến khối lượng nguyên liệu nhập khẩu có sự gia tăng.

Thứ ba, giá cả nhiều mặt hàng nguyên liệu trên thị trường thế giới trong thời gian vừa qua đã có những biến động rất mạnh như mặt hàng thép, xơ sợi, phân bón… đẩy giá trị nhập khẩu tăng lên, mặc dù khối lượng nhập khẩu có thể giữ nguyên.

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải cũng nhìn nhận, trên thực tế, chúng ta vẫn duy trì được năng lực sản xuất và xuất khẩu rất tốt. Những yếu tố về giá hay về tăng nhập khẩu nguyên liệu chỉ là yếu tố tạm thời. Qua giai đoạn này thì chúng ta có thể duy trì được cân bằng cán cân thương mại và có thể trở lại xuất siêu.

“Đáng mừng nhất là qua đợt dịch vừa rồi là mặc dù chúng ta có bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng hiện nay, các nhà máy ở khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang đã khôi phục trở lại sản xuất bình thường và cố gắng để đẩy mạnh sản xuất, bù đắp lại phần thiếu hụt của 2 tháng vừa qua”, ông Trần Thanh Hải nói.


Cán cân thương mại hàng hóa được dự báo sẽ cân bằng trở lại vào cuối năm. Ảnh: VGP

Bước chạy đà cho sự phục hồi

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lý giải, các mặt hàng nhập khẩu nhiều trong thời gian vừa qua chủ yếu là linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may... bởi đây là các lĩnh vực sản xuất đang có sự phục hồi và sự phục hồi này cần tương xứng ngay khi các thị trường nhập khẩu phục hồi, các đơn hàng quay trở lại với doanh nghiệp.

“Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày hiện đã có đơn hàng tới hết quý III, thậm chí quý IV năm nay... nên nhập khẩu nguyên liệu tăng là tất yếu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Thêm vào đó, Thứ trưởng cũng phân tích, năm 2021, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5% so với 2020, trong khi có đến 93,9% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng tư liệu sản xuất, do vậy, cán cân thương mại nếu có nghiêng về nhập siêu không phải do gia tăng nhập khẩu các mặt hàng không được khuyến khích mà hoàn toàn là nguyên liệu sản xuất.

"Thường những tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng, nên cán cân thương mại hàng hóa sẽ cân bằng lại vào những tháng tới", Thứ trưởng nhận định.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi thị trường nhập khẩu, nhất là nhóm hàng không khuyến khích, hạn chế nhập khẩu để có biện pháp kiểm soát kịp thời, cân bằng trở lại cán cân thương mại.

Mặt khác, để thúc đẩy xuất khẩu 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ triển khai hàng loạt các giải pháp, trong đó tập trung tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để mở rộng các thị trường mới.

Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời; củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA); đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

Hơn nữa, theo đánh giá của Bộ Công Thương, những tháng tiếp theo của năm, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vaccine, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại. "Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh, tiến tới cân bằng và có thặng dư thương mại", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin.

Được biết, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới.

Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030 đang được Bộ Công Thương xây dựng nêu ra các quan điểm, định hướng về xuất khẩu bền vững.

Cụ thể: Quy hoạch sản xuất, xuất khẩu theo hướng giảm bớt các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Rà soát các văn bản pháp lý, tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại, thực hiện các giải pháp về thuế, lao động, tín dụng, cải cách thủ tục hành chính… Tiếp theo là tập trung vào đổi mới công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Đẩy mạnh các giải pháp xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; làm tốt việc điều hành nhập khẩu thông qua các vấn đề như quy tắc xuất xứ, chống các biện pháp lẩn tránh, phát triển công nghiệp hỗ trợ thay thế hàng nhập khẩu…

Trước đó, Báo cáo đánh giá tình hình thực Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 72,24 tỷ USD năm 2010 lên 282,6 tỷ USD tỷ USD trong năm 2020.

Năm 2020, xuất khẩu đạt 282,6 tỷ USD, tăng tăng 7% so với năm 2019. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu vẫn duy trì mức tăng 7% so với năm trước, bằng đúng chỉ tiêu được Quốc hội giao cho Chính phủ trong năm 2020. Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt trung bình khoảng 11,7%/năm, cao hơn mục tiêu 10% đề ra tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII
.

 

Nguồn: Báo Chính phủ điện tử
Link nguồn

Tin cũ hơn
  • Hội nghị lần thứ ba, BCHTW Đảng khóa XIII thảo luận 4 nội dung quan trọng
    Sáng 5/7, tại Trụ sở Trung ương Đảng đã diễn ra phiên khai mạc Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên khai mạc.
  • FTA - Động lực cho thực phẩm sạch và phát triển bền vững
    EVFTA được coi là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với mức độ cam kết sâu rộng và tiêu chuẩn cao. Để xuất khẩu sang thị trường các nước liên minh châu Âu, thực phẩm cần đảm bảo các loại tiêu chuẩn khác nhau về thực phẩm sạch, không có dư lượng thuốc trừ sâu cũng như đáp ứng các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường.
  • Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Anh
    Giá trị xuất khẩu sản phẩm điện tử của Việt Nam tăng hơn gấp đôi từ hơn 47 tỷ USD trong năm 2015 lên gần 97 tỷ USD năm 2019 và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp điện tử tăng nhanh.
  • Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm tiếp tục ổn định
    Mặc dù dịch bệnh COVID-19 còn khó lường, phức tạp nhưng vượt lên trên khó khăn chung, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn ở gam màu sáng là chủ đạo với việc tiếp tục duy trì ổn định và đạt được một số kết quả tích cực đáng lạc quan.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.119.087