VITIC
Xuất nhập khẩu

Nhập khẩu điện thoại và linh kiện đạt 19,71 tỷ USD

05/12/2022 10:37

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan,trong tháng 11/2022, nhập khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam đạt 1,94 tỷ USD, giảm 2,59% so với tháng trước và giảm 17,24% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 11 tháng năm 2022 đạt 19,71 tỷ USD, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm trên 5,95% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.


Nhập khẩu điện thoại và linh kiện tiếp tục tăng trong những năm gần đây (Ảnh minh hoạ, nguồn internet)

Nhập khẩu điện thoại và linh kiện từ Hàn Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất

Trong tháng 11/2022, nhập khẩu điện thoại và linh kiện từ thị trường Hàn Quốc đạt kim ngạch trên 1,19 tỷ USD, giảm 1,26% so với tháng 10/2022 và giảm 4,68%so với tháng 11/2021. Tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này 11 tháng năm 2022 đạt 10,75 triệu USD, tăng 12,51% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 54,51% tỷ trọng nhập khẩu điện thoại và linh kiện của cả nước.

Nhập khẩu điện thoại và linh kiện từ thị trường Trung Quốc xếp vị trí thứ hai với kim ngạch đạt 649,94 triệu USD, giảm 7,62% so với tháng 10/2022 và giảm mạnh (32,64%) so với tháng 11/2021.Nhập khẩu điện thoại và linh kiện 11 tháng năm 2022 từ thị trường này đạt 7,5 tỷ USD, giảm 9,17% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 38,05% tỷ trọng nhập khẩu điện thoại và linh kiện của cả nước.

Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện từ 2 thị trường trên chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam (chiếm 92,56%).

Kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện tiếp tục tăng trong những năm gần đây cho thấy công nghiệp hỗ trợ ngành này tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với nhu cầu của các nhà máy. Với những nỗ lực không ngừng của Samsung nhằm tăng cường năng lực cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, hy vọng trong trung và dài hạn, kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện sẽ giảm dần.

Thị trường nhập khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện

Thị trường

Tháng 11/2022
(Triệu USD)

So với
tháng 10/2022 (%)

So với
tháng 11/2021 (%)

11T/2022  (Triệu USD)

So với
11T/2021 (%)

Tỷ trọng
11T/2022 (%)

Hàn Quốc

1.188,47

-1,26

-4,68

10.746,75

12,51

54,51

Trung Quốc

649,94

-7,62

-32,64

7.500,39

-9,17

38,05

Đài Loan

28,54

762,26

-36,63

375,14

15,19

1,90

Hồng Kông (Trung Quốc)

15,32

-9,47

57,48

305,91

164,54

1,55

Nhật Bản

3,62

94,54

-49,19

57,86

-63,20

0,29

Anh

0,61

75,63

292,72

2,60

-14,24

0,01

Hoa Kỳ

0,10

281,14

-22,31

1,28

-75,69

0,01

Tổng kim ngạch

1.937,28

-2,59

-17,24

19.714,32

2,68

100,00

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Việt Nam dẫn đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao

Mới đây, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022. Việt Nam được đánh giá là cải thiện đáng kể thứ hạng (tăng 20 bậc) và giữ kỷ lục nhờ đổi mới sáng tạo trong suốt thập kỷ qua. Ngoài ra, Việt Nam cũng được ghi nhận dẫn đầu về nhập khẩu công nghệ cao...

Theo đó, Việt Nam xếp vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế. Mặc dù giảm 4 bậc so với 2021 (xếp thứ 44), Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7) và Thái Lan (thứ 43).

Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022 (GII) là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia. Để xếp hạng các quốc gia sẽ dựa vào 81 chỉ số, tính bằng giá trị trung bình thuộc hai bảng chỉ số phụ đầu vào và đầu ra đổi mới sáng tạo gồm 7 trụ cột: Thể chế vĩ mô; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; thị trường và môi trường kinh doanh; trình độ phát triển của thị trường; tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo.

GII 2022 cho thấy hai làn sóng đổi mới. Thứ nhất là làn sóng kỹ thuật số được xây dựng trên siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa đang tạo ra nhiều tác động các ngành và lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Làn sóng đổi mới thứ hai dựa trên những đột phá trong công nghệ sinh học, công nghệ nano, vật liệu mới và các ngành khoa học khác. Tuy nhiên, những tác động tích cực của 2 làn sóng mới này sẽ cần thời gian để hiện thực hóa, vượt trở ngại nhất là trong áp dụng và phổ biến công nghệ. Năm nay, Thụy Sĩ tiếp tục khẳng định vị thế nền kinh tế đổi mới nhất trên thế giới bằng việc dẫn đầu bảng xếp hạng năm thứ 12 liên tiếp, kế đó là Hoa Kỳ, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Hà Lan.

Đáng chú ý, tại khu vực Đông Á, Hàn Quốc đã tiến lên vị trí thứ 6 thế giới, còn Trung Quốc và Nhật Bản cũng không hề thua kém khi ngày càng tiến gần top 10. Ấn Độ vượt qua Việt Nam để giành vị trí dẫn đầu nhóm ba quốc gia về đổi mới theo nhóm thu nhập (Iran vượt qua Ukraine để vào nhóm xếp hạng này). Tuy nhiên, báo cáo ghi nhận Việt Nam thuộc nhóm quốc gia cùng với Philippines (59), Indonesia (75), Campuchia (97) và Lào (112), đã đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng hơn 20 bậc), đồng thời dẫn đầu trong các đổi mới quan trọng về chỉ số.

Đặc biệt, báo cáo chỉ rõ, Việt Nam dẫn đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao; đồng thời có sự cải thiện vị trí xếp hạng về đầu ra (thứ hạng 35, năm 2021 là 38). Đặc biệt, Việt Nam cùng với Iran (hạng 53) và Philippines (hạng 59) là 3 nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất cho đến nay. Tại Đông Nam Á, Indonesia (thứ 75) có một bước nhảy vọt khi đạt được vị trí cao nhất kể từ năm 2012 (thứ 100) nhờ dẫn đầu thế giới về chính sách khởi nghiệp, đồng thời cải thiện các tiểu chỉ số tài chính đầu tư khởi nghiệp và mở rộng quy mô, hợp tác nghiên cứu và phát triển trường đại học-ngành...

Ở Trung và Nam Á, Ấn Độ (thứ 40) dẫn đầu khu vực, theo sau là Iran (53) và Uzbekistan (82). Năm nay, Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu về đổi mới trong nhóm thu nhập trung bình thấp. Quốc gia này tiếp tục dẫn đầu thế giới về xuất khẩu ICT và giữ thứ hạng hàng đầu trong nhiều chỉ số khác như vốn mạo hiểm, quỹ khởi nghiệp, mở rộng quy mô đào tạo sinh viên ngành khoa học và kỹ thuật, tăng trưởng năng suất lao động và đa dạng hóa ngành công nghiệp. Một số quốc gia đang phát triển cũng cho thấy sự đổi mới như Indonesia, Uzbekistan và Pakistan. 8 quốc gia thể hiện sự vượt trội về đổi mới đến từ khu vực Châu Phi cận Sahara, trong đó Kenya (88), Rwanda (105) và Mozambique (123) dẫn đầu. Khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Chile là quốc gia duy nhất trong top 50, dẫn đầu khu vực, tiếp theo là Brazil, Peru và Jamaica.


 

Nguồn: Phòng TTCN

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.002.940