Những tháng đầu năm 2023, Sơn La đã tiêu thụ tương đối tốt sản phẩm mận và xoài, đồng thời hiện đang bắt đầu bước vào vụ nhãn. Nhãn Sông Mã đã dần được công nhận, trở thành nông sản chủ lực của tỉnh Sơn La, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và doanh nghiệp, HTX theo hướng phát triển bền vững. Đối với tiêu thụ quả nhãn, một trong những giải pháp quan trọng chính là xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, hiện nay, Sơn La đã vươn lên đứng thứ 2 cả nước về diện tích cây ăn quả và lớn nhất khu vực miền Bắc. Các sản phẩm nông sản, thực phẩm của tỉnh đang từng bước được sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường, sản xuất nông nghiệp đã bước đầu gắn với công nghiệp chế biến để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhiều năm về trước, khi nhãn Sông Mã chín rộ cho sản lượng cao, người dân thường chỉ bán số lượng nhỏ quanh vùng và chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm. Nhãn Sông Mã được tiêu thụ qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch ở mức hạn chế.
Để nhãn Sông Mã tiêu thụ được số lượng lớn và giá cao, chính quyền địa phương đã hỗ trợ nhiều chính sách và chuyển giao khoa học kĩ thuật để các HTX, người dân áp dụng, thay đổi hoàn toàn phương pháp canh tác để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng kỳ vọng và nhu cầu của người tiêu dùng.
Một trong những hướng phát triển là tập trung xuất khẩu nhãn sang các thị trường quen thuộc như Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu.
Để có được kết quả này, ngay sau khi thu hoạch xong vụ nhãn 2022, các HTX trên địa bàn đã lên kế hoạch chuẩn bị cho hơn 20ha vùng sản xuất nhãn xuất khẩu. Để đáp ứng xuất khẩu sang các nước châu Âu rất nghiêm ngặt nhất là nguồn gốc phân bón, và thuốc bảo vệ thực vật… đảm bảo các tiêu chuẩn các đối tác đề ra.
Chuẩn bị các lô nhãn xuất khẩu, các vùng trồng đã nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng vùng quả an toàn, phát triển chuỗi liên kết. Hiện nay, huyện có 48 mã số vùng trồng nhãn, với hơn 481 ha, sản lượng 4.817 tấn; 47 HTX và 1 công ty sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGAP, với 50 chuỗi liên kết, với trên 900 ha nhãn, sản lượng quả ước đạt trên 9.778 tấn. Với những thị trường tiềm năng trên, sản phẩm cần phải đáp ứng được các yêu cầu mang tính quốc tế. Để vượt qua rào cản kỹ thuật, các HTX, hộ dân đã chú trọng đến việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm như VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP, ISO 22000…
Trong đó có 12 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ; 23 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 13 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand. Tập trung nhiều các xã như: Chiềng Khương, Mường Hung, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Nà Nghịu.
Nhãn Sông Mã đã vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm và chất lượng, được công nhận và chấp nhận bởi các đối tác xuất khẩu. Kết quả này là nhờ sự phối hợp và tập trung nguồn lực từ các cấp chính quyền cùng sự tận tụy và nỗ lực không ngừng của người nông dân Sông Mã trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định vị thế của Nhãn Sông Mã trên thị trường quốc tế.
Nhãn Sông Mã đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính
Theo kế hoạch, niên vụ nhãn 2023 huyện Sông Mã dự kiến sẽ tiêu thụ, xuất khẩu sản lượng nhãn quả tươi khoảng 70.000 tấn; trong đó tiêu thụ trong nước 45.000 tấn, xuất khẩu 900 tấn. Đưa vào chế biến long nhãn khoảng 25.000 tấn, chiếm khoảng 35,72% sản lượng; Long nhãn chế biến xuất khẩu khoảng 2.000 tấn.
Dự kiến thời gian tới, các đơn vị tiếp tục phối hợp với huyện xuất khẩu 60 tấn nhãn sang thị trường các nước.
Trước đó, ngày 21/6/2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký “Nhãn hiệu chứng nhận Nhãn Sông Mã”, đánh dấu quan trọng trong hành trình thực hiện khát vọng vươn tầm của huyện Sông Mã, giúp loại nông sản chất lượng này khẳng định được vị thế, nâng cao giá trị để phân phối ra các thị trường trong và ngoài nước.
Hàng năm, huyện tổ chức “Ngày hội Nhãn Sông Mã” nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu “Nhãn Sông Mã” tới đông đảo người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước. Nhiều hoạt động giới thiệu sản phẩm, hội thi đã được tổ chức; tiến hành ký kết tiêu thụ sản phẩm nhãn giữa hộ dân và doanh nghiệp, HTX; cắt băng khởi thành lô hàng nhãn xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thành Công nhấn mạnh, để đẩy mạnh xuất khẩu nhãn nói riêng và nông sản nói chung, UBND tỉnh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, UBND các huyện, thành phố tập trung hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp, HTX, nông dân duy trì, chăm sóc tốt các diện tích vùng nguyên liệu đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu. Tiếp tục rà soát các vùng nguyên liệu, hướng dẫn các HTX đủ điều kiện làm hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng phục vụ công tác xuất khẩu. Hỗ trợ các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản thực hiện tốt kế hoạch sản xuất trong năm 2023.
Nguồn: Moit.gov