VITIC
Tự hào hàng Việt

Người Việt dùng hàng Việt: Góp phần giúp doanh nghiệp vượt khó

07/04/2023 08:42

Trải qua đại dịch COVID-19, xu hướng người Việt dùng hàng Việt càng rõ hơn, góp phần rất lớn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Qua đó, doanh nghiệp cũng nhìn nhận thị trường trong nước một cách thấu đáo, thấy được tiềm năng rất lớn không thể bỏ qua.


Người tiêu dùng mua trái cây Việt tại siêu thị. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Hàng hóa Việt ngày càng được cải thiện

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành phố Hà Nội, thời gian qua, Ban Chỉ đạo các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể đã tập trung chỉ đạo toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Thông qua đó, tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng.

Các hoạt động tuyên truyền Cuộc vận động đã tích cực quảng bá các sản phẩm hàng Việt Nam, góp phần thay đổi nhận thức và thói quen của người tiêu dùng. Các ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng; góp phần tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy Thủ đô phát triển.

Theo chia sẻ của người tiêu dùng, hàng hóa sản xuất trong nước hiện nay có nhiều mẫu mã phong phú, chất lượng được cải thiện nhiều hơn, không thua gì hàng ngoại nhập mà giá cả lại rẻ hơn. "Trong những năm COVID-19 vừa qua, tôi đã lựa chọn những sản phẩm hàng Việt giá cả vừa túi tiền để sử dụng", chị Đỗ Thị Hòa (phường Khâm Thiên, Đống Đa) chia sẻ.

Còn theo bà Bùi Thị Mận, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, cửa hàng bà nhập trên 90% hàng hóa sản xuất trong nước để phục vụ người tiêu dùng. Bà Mận nói: "Hiện nay, hàng Việt được các doanh nghiệp sản xuất trong nước không ngừng cải thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng; cùng với đó là có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, do đó sản phẩm Việt tại cửa hàng tôi bán "chạy" hơn so với hàng nhập khẩu".


Người tiêu dùng mua hàng Việt tại siêu thị. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Người tiêu dùng nội địa là "phép thử" tốt nhất cho doanh nghiệp

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, thời gian qua, Sở đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, để hàng Việt tiếp cận nhiều hơn đến người tiêu dùng. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ngày càng có sự lan tỏa, được người tiêu dùng cả nước biết đến và hưởng ứng tích cực.

"Trải qua đại dịch COVID-19, xu hướng người Việt dùng hàng Việt càng rõ hơn, góp phần rất lớn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Qua đó, doanh nghiệp cũng nhìn nhận thị trường trong nước một cách thấu đáo, thấy được tiềm năng rất lớn không thể bỏ qua", bà Lan nhấn mạnh.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng, hằng năm, thành phố Hà Nội tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, phiên chợ để giới thiệu, kết nối, đưa sản phẩm sản xuất trong nước đến với người tiêu dùng. Qua đó, không chỉ giúp người dân tiếp cận hàng Việt, mà còn giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh sân nhà…

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, cách tốt nhất để cả xã hội đồng lòng tham gia cuộc vận động là chính doanh nghiệp phải nâng chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm của mình lên ngang chuẩn quốc tế. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, hàng bán ra nước ngoài thế nào, thì bán trong nước phải y như vậy, thậm chí phải tốt hơn. Mặt khác, phải liên tục đổi mới, thích ứng với thói quen của người tiêu dùng. Chính người tiêu dùng nội địa là "phép thử" tốt nhất cho các nhà sản xuất muốn lớn mạnh và đưa hàng ra nhiều thị trường lớn khác.

Để hàng Việt có sức lan tỏa và lớn mạnh, ngoài kênh bán lẻ trực tiếp, việc áp dụng số hóa sẽ cung cấp thêm cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm mới, hiện đại, tiện lợi hơn…, tạo nên sức mạnh cộng hưởng trong phát triển chuỗi cung ứng, gia tăng nội lực cạnh tranh cho các thương hiệu Việt.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ , Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, trong năm 2023, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích". Hà Nội cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, chuyển đổi số, bình ổn thị trường, tổ chức các chương trình đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng; gắn Cuộc vận động với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, tăng cường giới thiệu, kết nối để sản phẩm đi sâu vào đời sống, tạo thói quen tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, kích cầu tiêu dùng và thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, bảo vệ hàng hóa trong nước.

 

Nguồn: thanglong.chinhphu.vn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.089.056