Các buổi làm việc trong ngày 21/7 của Tổ Công tác viễn ra nhanh, gọn, chất lượng, như thể chạy đua cùng thời gian, với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường.
Kiểm tra thực tế tại 3 chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh gồm: Chợ An Đông (quận 5), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ Bình Thới (quận 11) và siêu thị Bách Hóa Xanh trước cửa chợ Bình Thới sáng 21/7, Tổ Công tác đã lắng nghe những khó khăn của bà con tiểu thương, trực tiếp ghi nhận số lượng cũng như chất lượng hàng hóa thiết yếu cung ứng về chợ.
Theo ghi nhận của Tổ Công tác nguồn cung hàng hóa về các chợ dồi dào, đầy đủ, sức mua giảm hơn so một vài ngày trước đó. Hầu hết các mặt hàng được bán như thịt, trứng, cá, rau xanh, đã niêm yết công khai giá bán.
Nhận định tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, Thứ trưởng đề nghị Ban quản lý chợ cần ưu tiên vấn đề an toàn cho cả người mua lẫn người bán. Việc mở cửa các chợ truyền thống cần tuân thủ quy định của Bộ Y tế và chính quyền địa phương các cấp”, Thứ trưởng lưu ý Ban quản lý chợ cần bố trí luân phiên cho tiểu thương kinh doanh bán hàng, giãn cách các quầy sạp hoặc bố trí cho tiểu thương bán xen kẽ... Dịch bệnh, khó khăn chung, ngoài việc cố gắng đảm bảo cung cấp đủ nguồn hàng, các tiểu thương cần bán đúng giá và tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch.
Kết thúc chuyến thị sát tại 3 chợ truyền thống, Tổ Công tác tiếp tục lịch làm việc với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh. Vẫn câu chuyện cũ nhưng chưa hết nóng, ấy là việc thị trường hàng hóa đang diễn biến thế nào, các vướng mắc của ngày hôm qua đã được giải quyết đến đâu, còn những nút thắt nào phải được tháo gỡ?
Sau khi lắng nghe báo cáo cũng như kiến nghị của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã lần lượt có ý kiến và xử lý từng vấn đề cụ thể. Trong đó, đối với công tác truyền thông, Thứ trưởng thống nhất với quan điểm của Sở là cần thông tin kịp thời, chính xác và nhất quán để dư luận có cái nhìn đúng về tình hình.
Với đề xuất mở cửa lại các chợ, Thứ trưởng đề nghị Sở Công Thương nghiên cứu thận trọng, trên cơ sở ưu tiên phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn phải lưu thông, đảm bảo cung ứng đủ hóa thiết yếu và tính đền việc mở thêm các chợ truyền thống như một số chợ đã triển khai hiện nay. Tinh thần chung: Chợ nào không bảo đảm điều kiện thì kiên quyết không cho hoạt động.
Về kiến nghị tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa, Thứ trưởng đánh giá tình hình hiện nay, việc vận chuyển giữa các tỉnh về TP. Hồ Chí Minh vẫn gặp khó khăn do phải thực hiện quy định giữa các địa phương chưa thống nhất. Do vậy, ngày mai, 22/7/2021, Tổ Công tác của Bộ Công Thương sẽ có cuộc làm việc trực tuyến với Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Giao thông vận tải về lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Liên quan đến việc kết nối cung ứng nguồn hàng hóa cho TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng cho rằng, trước hết, Sở Công Thương vẫn thực hiện công tác kết nối nguồn hàng với các tỉnh, thành khác để tăng nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thành phố. Tuy nhiên, việc mở cửa lại các chợ truyền thống vẫn cần được ưu tiên xem xét, nhằm tạo nguồn cung hàng hóa cho người đân.
Về vấn đề quản lý thị trường, Tổ Công tác nhấn trí với đề xuất của Sở Công Thương. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục tăng cường chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý theo quy định. Tuy nhiên, sẽ tiến hành một cách linh hoạt, phù hợp trong điều kiện thực tiễn hiện nay để vừa bảo đảm nguồn cung hàng hóa đồng thời vẫn thực hiện đúng các quy định pháp luật về quản lý thị trường.
Liên quan đến cơ chế chính sách tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp có nguồn vốn mua dự trữ hàng hóa, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch, đây là trách nhiệm của Thành phố, tuy nhiên, Tổ Công tác vẫn ghi nhận để có báo cáo, đề xuất với Bộ Tài chính, Chính phủ. Thứ trưởng đề nghị Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh chủ động chuẩn bị các kịch bản ứng phó trong các tình huống xấu nhất.
Tạo luồng xanh cho doanh nghiệp đưa hàng vào tâm dịch
Cũng trong ngày 21/7, Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương đã làm việc với Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh để nắm thông tin về tình hình vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu.
Theo ghi nhận của Tổ Công tác, sau khi Bộ Giao thông Vận tải có Văn bản số 5017/TCDBVN-VT ngày 19/7/2021, phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu và hàng hoá phục vụ sản xuất kinh doanh tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 đã lưu thông thuận lợi hơn.
Các phương tiện vận chuyển hàng hóa đã được dán nhãn là các loại hàng mau hỏng (hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh), các loại hàng thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh khi lưu thông giữa các địa phương trong khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg nên không cần đăng ký, không cần dán Thẻ nhận diện phương tiện (có mã QRCode) trên xe. Thay vào đó các xe chỉ cần dán Logo nhận diện phương tiện vận chuyển các hàng thiết yếu, đồng thời tài xế vẫn phải tuân thủ theo quy định Bộ Y tế về giấy xét nghiệm.
Tổ Công tác đã đề nghị Sở Giao thông vận tải cung cấp mẫu Logo nhận diện để gửi các Sở Công Thương hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo quy định; đồng thời cung cấp đấu mối liên lạc của Sở Giao thông vận tải để các doanh nghiệp có thể liên hệ khi gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về TP. Hồ Chí Minh.
Hiện tại, Sở Công Thương Thành phố đã hoàn thiện hồ sơ theo quy định của ngành giao thông, chuyển Sở Giao thông Vận tải cấp Phiếu nhận diện được ưu tiên lưu thông khi qua các khu vực kiểm soát phòng chống dịch Covid -19 (có mã QR Code) cho 529 đầu mối doanh nghiệp (cùng các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng) với 16.076 đầu xe, trong đó: Vận chuyển hàng thiết yếu là 519 doanh nghiệp và 16.066 xe vận tải các loại; Vận chuyển xăng dầu gồm 10 doanh nghiệp và 91 xe bồn (xe xitec). Hai bên cũng thống nhất đảm bảo cho các doanh nghiệp lưu thông xuyên suốt trên địa bàn Thành phố và ưu tiên (theo luồng xanh) khi qua các trạm kiểm dịch trên địa bàn các tỉnh Miền Đông, Miền Tây Nam bộ.
Trước đó, tại buổi làm việc ngày 20/7, Tổ Công tác cũng đã tiếp nhận Danh mục các đơn vị cung ứng hàng nông sản phục vụ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam do Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cung cấp và chuyển đến Sở Công Thương 19 tỉnh, thành miền Nam để có thể kết nối nguồn hàng cho địa phương.
Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh, Tổ Công tác tiếp tục làm việc trực tiếp với hệ thống phân phối Aeon, Lotte Mart tại TP. Hồ Chí Minh để nắm bắt tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa và các khó khăn, vướng mắc của hệ thống phân phối.
Theo ghi nhận, hiện nay, các hệ thống phân phối của Aeon và Lotte cũng đang gặp những vấn đề khó khăn tương tự giống như các hệ thống phân phối khác (Saigon Co.op, MM Mega Market, Vinmart), cụ thể như chi phí phát sinh tăng do doanh nghiệp phải chịu thêm các chi phí trong tình hình dịch bệnh (chi phí xét nghiệm, chi phí cách lý cho nhân viên, chi phí vệ sinh, khử trùng…), đồng thời các nhà cung cấp cung tăng giá bán; Một số nhà cung cấp mặt hàng rau quả, trứng gà chưa đáp ứng đủ nhu cầu đặt hàng của siêu thị; Thiếu nhân công bán hàng tại các siêu thị do các lao động mắc Covid-19.
Thị trường ổn định, hàng hóa dồi dào, giá tăng nhẹ
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, sáng ngày 21/7, lượng khách mua sắm tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi giảm nhẹ so với sáng ngày 20/7. Cơ cấu giỏ hàng cân đối giữa các mặt hàng, không còn tình trạng mua tập trung một số mặt hàng để tích trữ.
Tại hệ thống chợ, mãi lực ổn định so với ngày 20/7. Tại hệ thống siêu thị, mãi lực ngày 20/7 tăng 5% so với ngày 19/7 và tăng gần 25% so với ngày thường; nhìn chung tình hình mãi lực có tăng nhưng không biến động mạnh, người dân không còn tâm lý mua sắm để tích trữ mà chỉ mua vừa đủ để phục vụ nhu cầu hàng ngày. Hàng hóa tại các hệ thống phân phối được cung ứng đầy đủ, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả ổn định. Các hệ thống phân phối cũng tăng thời gian bán hàng để phục vụ người dân, tăng cường nhận đặt hàng qua điện thoại, qua online và giao tận nhà; áp dụng việc mua giới hạn một số loại hàng hóa được bình ổn giá để ngăn tình trạng người mua số lượng lớn để ra ngoài bán lại.
Tại tỉnh Đồng Nai, theo ghi nhận của Tổ Công tác do các chợ truyền thống vẫn đang tạm ngừng hoạt động, lượng người đến mua tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích vẫn còn đông nhưng sức mua đã giảm so với những ngày trước. Hàng hóa đa dạng, giá các loại lương thực, thực phẩm tại các siêu thị ổn định, không tăng (riêng các cửa hàng Bách Hóa Xanh giá cả có điều chỉnh tăng một số mặt hàng như thịt, trứng, rau củ...). Thị trường không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng.
Tại tỉnh An Giang, trong ngày 21/7, nhìn chung tình hình mua bán hàng hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định với sức mua không tăng so với ngày 20/7. Hiện tại một số nơi trên địa bàn áp dụng phát phiếu đi chợ cho các hộ gia đình, vì vậy lượng người tập trung tại chợ cũng rất hạn chế. Hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19 có nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá các loại thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, trứng, thịt, cá, các loại thực phẩm thiết yếu khác trong ngày nhìn chung có tăng nhẹ ở một số mặt hàng.
Tại một số địa phương phía Nam khác, theo ghi nhận của Tổ Công tác, tình hình nguồn cung hàng hóa tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các chợ truyền thống dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Người đi mua hàng giảm do đã mua dự trữ trước đó và tâm lý lo ngại dịch bệnh. Một số địa phương phát phiếu đi chợ để hạn chế người dân ra đường. Giá hàng rau củ quả, thịt, cá không tăng hoặc giảm nhẹ. Nhiều mặt hàng giảm giá so với những ngày trước. Các địa phương cùng lực lượng quản lý thị trường tang cường kiểm tra hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đối với mặt hàng trứng gà, trứng vịt, một số địa phương vẫn còn có nơi, có chỗ thiếu hàng, giá tăng.
Nguồn: Moit.gov
Link nguồn