VITIC
Xuất nhập khẩu

Ngành gỗ tăng tốc hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 14,2 tỷ USD

16/10/2024 15:25

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ từ đầu năm đến nay luôn ghi nhận mức tăng trưởng trên 20%. Với đà tăng trưởng này cộng thêm những tín hiệu phục hồi tích cực từ thị trường, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong những tháng cuối năm 2024 và mục tiêu xuất khẩu đạt 14,2 tỷ USD là rất khả quan.


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, trong giai đoạn 2010-2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ luôn có tốc độ tăng trưởng cao, mỗi năm tăng 25-45%. Đến năm 2023, xuất khẩu ngành hàng này đã bị suy giảm. Tuy nhiên, sang năm 2024, ngành gỗ đã đón những tín hiệu tích cực và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng như thời kỳ hoàng kim.

Hiện, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc) về nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao là đồ mộc trong nhà và ngoài trời.
Với vị thế thuộc nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã và đang mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ... Đến nay, các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường thế giới, trong đó 5 thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ.

Nhờ đẩy mạnh tăng trưởng về xuất khẩu, đồ gỗ Việt Nam đang tiếp tục chiếm thị phần lớn tại nhiều thị trường tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, tiêu dùng tại các thị trường lớn bắt đầu phục hồi, kỳ vọng cho ngành hàng này có cơ hội tăng tốc xuất khẩu trước mắt trong quý 4 và cả năm 2024.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, các thị trường nhập khẩu chính tiếp tục duy trì tăng trưởng khá mạnh. Trong đó, Hoa Kỳ đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 54,4%, tăng 24,7% so với cùng kỳ 2023; tiếp đến là Trung Quốc đạt 1,3 tỷ USD, châu Âu đạt 630 triệu USD và đều tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, thị trường Hoa Kỳ đang có những động thái về cắt giảm lãi suất, qua đó kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Nhờ đó đã giúp nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ tại thị trường này đang tăng mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam còn đón nhận tin vui từ thị trường Mỹ, đó là Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, đã hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Động thái này sẽ khiến xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam rộng đường vào Hoa Kỳ và đạt được mức tăng trưởng cao từ nay đến cuối năm.

Khu vực EU cũng đã vượt qua giai đoạn suy thoái, lượng tồn kho sản phẩm gỗ đã cạn nên các thương nhân bắt đầu tăng nhập khẩu trở lại. Đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam chiếm 14,8% tổng giá trị nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Canada và 22% của Nhật Bản. Tại thị trường Úc, đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam chiếm 10% tổng giá trị nhập khẩu.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, do nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có dấu hiệu hồi phục ở nhiều thị trường, do đó đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp đã có sự phục hồi đáng kể, bằng 80 - 90% so với năm 2022. Thời điểm giữa năm, nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2024. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao.



 

Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp

Tin cũ hơn
  • Tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại
    Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 8/2024, đã có 257 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, các vụ điều tra chống bán phá giá là 141 vụ việc; các vụ việc tự vệ là 52 vụ việc; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là 37 vụ việc và chống trợ cấp là 27 vụ việc.
  • Doanh nghiệp cần theo dõi thông tin cảnh báo khi xuất khẩu hàng hóa sang Canada
    Theo Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, Canada là quốc gia điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều thứ 4 đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỹ) và nhiều nhất trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
  • Nông sản chế biến Tuyên Quang lần đầu tiên xuất khẩu sang Anh
    Mới đây, tại huyện Yên Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND huyện Yên Sơn và Công ty cổ phần R.Y.B đã hồ hởi tổ chức Lễ xuất khẩu sản phẩm nông sản sang thị trường Vương quốc Anh (đợt 1) năm 2024.
  • Hòa Bình lần đầu xuất khẩu mật ong rừng và hành tăm muối sang Anh
    Mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Công ty Cổ phần R.Y.B (Hà Nội) đã tổ chức sự kiện đóng hàng lên container lần đầu xuất khẩu chuyến hành tăm muối Yên Thủy và mật ong rừng Kim Bôi sang thị trường Vương quốc Anh.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.994.486