VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Ngành điện tử đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia

04/02/2022 10:20

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)nhận định, Việt Nam đang đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng trong năm 2022, khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới.

 

Tại Việt Nam, công nghiệp điện tử hiện chiếm 17,8% tỷ trọng toàn ngành công nghiệp và tác động lan toả mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Ngành này chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học, xuất khẩu đến nhiều quốc gia và tham gia ngày một sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cơ cấu xuất khẩu sản phẩm điện tử của Việt Nam cải thiện theo hướng tích cực theo hướng tăng tỷ trọng nhóm hàng nguyên chiếc và bán thành phẩm. Trong Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu xây dựng công nghiệp điện tử là ngành chủ lực, tạo cơ sở cho các ngành khác phát triển.

Tháng 01/2022, sản xuất máy tính, điện tử và sản phẩm quang học của Việt Nam giảm 5,0% so cùng kỳ năm trước, theo lý giải của Ngân hàng Thế giới, chủ yếu là bởi nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu giảm, dẫn đến sản xuất chững lại. Mặt khác, tại thời điểm đầu tháng 01/2022, số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất máy tính, điện tử và sản phẩm quang học giảm 1,7% so cùng kỳ năm trước cũng là nguyên nhân khiến sản xuất trong lĩnh vực này giảm. Tuy nhiên, đây vẫn là ngành chiếm vị trí cực kỳ quan trọng trong toàn ngành công nghiệp của Việt Nam.

 

Bảng: Sản lượng sản xuất một số sản phẩm CNHT và thành phẩm của ngành điện tử tháng 01 năm 2022

Tên sản phẩm

ĐVT

T01/2022

T01/2022 so với T12/2021 (%)

T01/2022 so với T01/2021 (%)

Các sản phẩm CNHT ngành điện tử

Bộ phận của các linh kiện điện tử khác chưa
được phân vào đâu

Kg

1.148.998,78

1,66

10,78

Bộ phận của máy in sử dụng các bộ phận in
như khuôn in, trục lăn và các bộ phận in khác,
trừ máy in offset loại sử dụng trong văn phòng

Tấn

1.183,53

2,41

-23,62

Bộ phận của máy tính, máy tính tiền, máy
đóng dấu miễn cước bưu phí, máy bán vé và
các máy tương tự, có gắn với bộ phận tính toán
(trừ máy bán hàng, máy ATM và các máy
tương tự)

Tấn

145,64

-2,05

-0,84

Cáp đồng trục và dây dẫn điện đồng trục khác

Tấn

14.120,84

2,54

-19,28

Dây cách điện đơn dạng cuộn bằng đồng

Tấn

24.710,70

0,95

-16,69

Dây dẫn điện khác dùng cho hiệu điện thế ≤
1000V

Tấn

19.780,77

0,12

10,69

Loa đã hoặc chưa lắp vào hộp loa

Cái

49.579.678,20

-6,73

119,97

Mạch điện tử tích hợp

1000 chiếc

691.005,38

-12,93

-31,43

Ống camera truyền hình; bộ chuyển đổi hình
ảnh và bộ tăng cường hình ảnh; ống đèn âm
cực quang điện khác

Chiếc

41.531.231,84

-2,69

39,40

Tai nghe không nối với micro

Cái

2.546.000,00

-0,43

-32,23

Thiết bị bảo vệ mạch điện khác dùng cho điện
áp ≤ 1000 V chưa được phân vào đâu

Cái

436.762,99

-10,31

-40,79

Các sản phẩm điện tử

Màn hình khác (trừ loại sử dụng với máy xử lý
dữ liệu tự động)

Cái

1.682.346,00

11,72

56,45

Máy in offset, in theo tờ, loại sử dụng trong
văn phòng

Chiếc

171.299,00

39,38

27,46

Máy thu hình (Tivi,...)

Cái

1.109.283,51

11,70

-33,51

Máy tính bảng có giá dưới 3 triệu

Cái

3.500,00

-52,19

-98,24

Máy tính bảng có giá từ 3 đến dưới 6 triệu

Cái

351.401,00

-29,62

-11,50

Máy tính bảng có giá từ 6 - dưới 10 triệu

Cái

89.211,00

28,24

-0,13

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Năm 2022, dự báo làn sóng các doanh nghiệp có vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam sẽ tăng mạnh khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, giúp ngành điện tử gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Trên thực tế ngành điện tử của Việt Nam đang thu hút nhiều tập đoàn, hãng điện tử lớn trên thế giới vào đầu tư như Canon, Foxconn, Petragon, Samsung, Meiko, LG…. Dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn liên tục thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp điện tử, từ đó thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Trong thời gian qua, Việt Nam cũng liên tục cấp phép cho các dự án mới và điều chỉnh tăng vốn trong lĩnh vực này, đồng thời khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới.

Trong 2 tháng đầu năm nay, một số dự án điện tử của Hàn Quốc và Trung Quốc điều chỉnh tăng vốn đã được cấp phép tại nhiều địa phương, cụ thể:

Ngày 7/01/2022, UBND tỉnh Phú Thọ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (JNTC - Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 163 triệu USD.

 Ngày 11/01/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp giấy chứng nhận đăng ký (điều chỉnh) đầu tư Dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 – Nghệ An cho Tập đoàn Goertek (Hồng Kông, Trung Quốc). Đây là một trong những dự án trọng điểm mà tỉnh Nghệ An thu hút đầu tư với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 100 triệu USD, được thực hiện trên diện tích 40,47 ha, công suất thiết kế của dự án hơn 381,5 triệu sản phẩm/năm. Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 21/01/2021, chỉ sau 3 tháng được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Dự kiến đến tháng 6/2022, dự án sẽ hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 và đi vào hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động. Giai đoạn 2, dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào giữa năm 2023, tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động. Sau hơn 1 năm triển khai, Tập đoàn Goertek đã quyết định đầu tư tăng thêm 400 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của Dự án lên 500 triệu USD, trở thành dự án FDI có quy mô vốn đầu tư lớn nhất tỉnh Nghệ An hiện nay.

Ngày 24/01/2022, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Trung tâm sản xuất điện tử Chilisin tại Việt Nam của Công ty TNHH Điện tử Chilisin (Hồng Kông, Trung Quốc) tại khu công nghiệp VSIP Hải Phòng. Dự án nhà máy sản xuất và gia công linh kiện điện tử cung cấp cho các đối tác Samsung, Apple điều chỉnh tăng vốn đầu tư từ 96,5 triệu USD lên 170,2 triệu USD (tăng 73,7 triệu USD).

Ngày 16/02/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Công ty SEMV) với số vốn tăng thêm 920 triệu USD. Theo đó, vốn đầu tư nhà máy Samsung Electro - Mechanics tại Thái Nguyên tăng từ 1,35 tỷ USD lên 2,27 tỷ USD, với mục tiêu chính là: Sản xuất mảng lưới bóng chíp bán dẫn và các linh kiện, phụ tùng (Camera Module, Thấu kính, Actuator, Bộ nắn điện, Touch sensor module, Linear motor, WPT...) cho các loại thiết bị viễn thông và thiết bị di động công nghệ cao và các loại sản phẩm điện và điện tử khác...

Ngày 18/02/2022, tại tỉnh Thái Bình đã diễn ra lễ khởi công Nhà máy Lotes Thái Thụy Việt Nam do Công ty TNHH Lotes Việt Nam đầu tư có tổng vốn cả hai giai đoạn là 120 triệu USD (tương đương 2.760 tỷ đồng). Trong giai đoạn 1, Nhà máy có năng lực sản xuất gần 79 nghìn sản phẩm chân kết nối Ram máy tính (tương đương hơn 552 tấn/năm); 12 nghìn sản phẩm cáp nối dùng cho máy tính và thiết bị điện tử (tương đương 840 tấn/năm) và 432 nghìn sản phẩm linh kiện, cấu kiện kim loại dùng cho máy móc công nghiệp (tương đương 324 tấn/năm).

Việc các nhà đầu tư tiếp tục mở rộng các dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện tử và thu hút thêm các nhà đầu tư mới. Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, Việt Nam đang đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng trong năm 2022, khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới.

Đánh giá về xuất khẩu điện thoại và linh kiện, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) dự báo, năm 2022, xuất khẩu nói chung và xuất khẩu điện thoại và linh kiện sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh khi kinh tế thế giới phục hồi. Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng của GDP thế giới, ước tính nếu GDP thế giới tăng 1% thì xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 5%. Do vậy nếu GDP các nền kinh tế lớn tăng trưởng trung bình 4% trong năm 2022 thì xuất khẩu của Việt Nam cũng có thể dễ dàng đạt được khoảng 16-20%.

Đáng chú ý, xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng mạnh các nước thành viên khác có tiềm năng của EU như: Hungary, Ba Lan, Cộng hoà Séc và Slovakia. Đặc biệt, tập trung và tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng tại các khu vực châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và Ấn Độ…

Đây là những tín hiệu đáng mừng, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ của ngành điện tử và đem lại nhiều đóng góp lớn cho quá trình khôi phục và đạt mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022.

 

Nguồn: Phòng TTCN

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.774.471