VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Ngành da giày cần chủ động nguồn nguyên liệu trong sản xuất

07/04/2022 10:38

Vấn đề nguồn nguyên liệu đang là nút thắt lớn đối với ngành da giày Việt Nam. Do vậy, ngành da giày cần phải thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ tiến tới chủ động nguồn nguyên liệu.

 
Đầu ra của ngành da giầy tiếp tục gặp khó

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2022, chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng giầy, dép da ước đạt 24,3 triệu đôi, tăng 0,8% so với tháng trước; so cùng kỳ năm 2021 tăng 13,5%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 12,8%; sản lượng giầy, dép da ước đạt 90,7 triệu đôi, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Bảng 1: Tình hình sản xuất một số chủng loại giày dép
(ĐVT: 1000 đôi)

Tên sản phẩm

Tháng 4/2022

So với T3/2022 (%)

So với T4/2021 (%)

4T/2022

So với 4T/2021 (%)

Giày, dép có đế hoặc mũ bằng da

22.887

15,45

-7,63

83.411

-5,80

Giày, dép thể thao có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic

36.677

1,61

16,32

139.037

21,54

Giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài

45.744

3,12

-7,43

171.577

-8,65

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê

Ngành da giày tuy chỉ chiếm 0,4% tổng số doanh nghiệp, 0,8% vốn sản xuất- kinh doanh, 1% tổng giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn, nhưng chiếm tỷ trọng cao hơn về doanh thu (1,6%), lợi nhuận trước thuế (1,8%). Sự phát triển của ngành da giày đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành cũng tranh thủ mở rộng sang các thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 5,288 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng cao trong điều kiện đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở trong nước và nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu giày dép của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện chiếm tới 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành giày dép. Ngành giày dép thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài nhờ lợi thế nguồn lao động đông đảo, giá nhân công rẻ so với các nước trong khu vực.

Đến nay, nước ta đã tiêm phủ vắc-xin phòng Covid-19 ở mức cao (thuộc top đầu thế giới), nên hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu giày dép nói riêng có thêm trợ lực để tăng trưởng xuất khẩu. Ngành da giày đặt kỳ vọng cán mốc xuất khẩu 20 tỷ USD trong năm 2022, tăng 12,7% so với năm 2021.

Năm 2022, bên cạnh các lợi thế truyền thống về nhân công, môi trường chính trị, tham gia vào các FTA song phương và đa phương, thì việc kiểm soát tốt dịch bệnh được dự báo sẽ mang lại ưu thế lớn giúp doanh nghiệp da giày Việt Nam đón được đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia khác. Điển hình là việc Nike và Adidas đều bày tỏ mong muốn gia tăng sản lượng sản xuất tại Việt Nam ngay từ đầu năm nay.

Dù có cơ hội gia tăng xuất khẩu giúp cải thiện tăng trưởng, song hiện nay, điều khiến không ít doanh nghiệp da giày lo lắng là chi phí nguyên liệu đầu vào, logistics tăng quá cao, tạo rào cản lớn. Điều này có thể khiến nhà nhập khẩu dịch chuyển đơn hàng sản xuất về gần thị trường tiêu thụ nhằm giảm chi phí.

Hiện cả nước có khoảng 313 doanh nghiệp chuyên sản xuất các nguyên phụ liệu hỗ trợ cho ngành da giày.Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, con số này không nhỏ, nhưng các doanh nghiệp trong nước lại đang thiếu liên kết nên khó có thể phát triển mạnh được.

Trong chuỗi giá trị ngành da giày thế giới, Việt Nam hoạt động chủ yếu ở các khâu cắt, may, dán, đóng các loại vật liệu được cung cấp sẵn để hình thành chiếc giày; nguyên phụ liệu hầu hết được các công ty nước ngoài nhập về.Như vậy, vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất đang là nút thắt lớn đối với ngành da giày Việt. Do vậy, ngành da giày cần phải thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tiến tới chủ động nguồn nguyên liệu.

Các doanh nghiệp da giày cho biết, khi chủ động được 100% nguyên phụ liệu sẽ giúp tiết giảm chi phí vận tải, phí lưu kho, chi phí vốn nguyên phụ liệu, thủ tục hải quan và từ đó tổng chi phí cũng sẽ giảm khoảng 8%. Việc tiết giảm chi phí không chỉ làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, mà còn nâng cao tính cạnh tranh cho các sản phẩm da giày của Việt Nam.

Theo Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ đặt mục tiêu đến năm 2030,Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp ngành da giày đạt 75- 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Để nỗ lực thúc đẩy phát triển CNHT, cần xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển CNHT ưu tiên phát triển; tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp CNHT...Trên cơ sở đó, tập trung phát triển chuỗi giá trị trong nước, thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất trong nước và nước ngoài.

Hiệp hội Da giày kiếnnghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm đưa vào thực hiện gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế có quy mô 350.000 tỷ đồng, cải thiện các thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn. Rà soát các chính sách bất cập gây hạn chế hoạt động sản xuất, xuất khẩu như tỷ giá, thuế nguyên phụ liệu;nghiên cứu ban hành chính sách mới, tập trung vào chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng được các hiệp định thương mại tự do để gia tăng xuất khẩu;hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành, nhất là nhân lực ở các vị trí quản lý cấp cao. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics. Cần có chiến lược phát triển tốt hơn về đầu tư nguyên phụ liệu, thu hút tín dụng để phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp; đầu tư phát triển chiều sâu, nghiên cứu phát triển thiết kế mẫu mã và nguyên liệu mới...


 

Nguồn: Phòng TTCN

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.771.239