Ngành Công Thương kết nối cung cầu, mở rộng thị trường cho hàng Việt
25/06/2019 12:47
(DNTM) Trong 10 năm qua, các đơn vị ngành Công Thương đã bám sát chủ trương của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng CVĐ với nhiều nỗ lực, sáng tạo trong việc triển khai, thực hiện, đặc biệt là hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường cho hàng Việt.

Nguồn: Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động của ngành Công Thương
Từ năm 2010, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với Bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng 02 mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh bao gồm mô hình Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung và mô hình Doanh nghiệp - Hộ kinh doanh - Hộ nông dân áp dụng ở vùng sản xuất phân tán.
Một ví dụ tiêu biểu là tại An Giang, trong nhiều mặt hàng nông sản có sản lượng, giá trị cao, tỉnh đã chọn ra 02 sản phẩm chiến lược là lúa và cá tra để đưa vào xây dựng mô hình thí điểm. Với sản phẩm lúa, một doanh nghiệp đủ tiềm lực đã ký hợp đồng với 26 hộ nông dân, tổng diện tích bao tiêu là 75 ha. Với mặt hàng cá tra, một doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với 08 hộ, có tổng diện tích mặt nước nuôi cá là 83 ha. Kết quả, các hộ trồng lúa đạt năng suất trung bình là 6,1 tấn/ha, trong khi các hộ ngoài mô hình chỉ đạt năng suất trung bình 5,7 tấn/ha, các hộ nuôi cá tra đạt lợi nhuận 3.190 đồng/kg, cao hơn lợi nhuận của các hộ ngoài mô hình (3.150 đồng/kg). Tại tỉnh Bắc Giang, 430 hộ nông dân và một số hộ kinh doanh tham gia trồng dưa chuột bao tử cho doanh thu tăng 38%, lợi nhuận tăng gấp 02 lần; trồng cà chua, doanh thu tăng 34% và lợi nhuận đạt gấp đôi so với trồng các loại rau màu khác...
Không dừng lại ở việc triển khai mô hình, Bộ Công Thương đã tổ chức kết nối doanh nghiệp tham gia mô hình với các siêu thị (CoopMart, Hapro, Intimex...), để tạo cầu nối tiêu thụ trực tiếp nông sản cho nông dân và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân, cho đến nay một số doanh nghiệp đã ký thêm được những hợp đồng mới ngoài những hợp đồng đã có từ trước.
Quá trình triển khai cũng cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước đã đồng hành cùng Bộ Công Thương và Sở Công Thương một số địa phương tổ chức các tuần hàng, giúp nông sản Việt có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và từng bước xây dựng thương hiệu. Có thể kể đến như Hội chợ đặc sản vùng miền Hà Nội tổ chức định kỳ hàng năm từ năm 2014 đến nay; Tuần lễ Cá sông Đà - Đặc sản tỉnh Hòa Bình, Sơn La được giới thiệu quảng bá tại 15 siêu thị Big C khu vực miền Bắc, góp phần tăng độ nhận diện thương hiệu cá Sông Đà có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có chứng nhận về chất lượng an toàn thực phẩm đến đông đảo người tiêu dùng, từ đó hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ mặt hàng cá sông Đà; Tuần lễ Nhãn và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La với các sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh Sơn La đạt chứng nhận VietGAP, GobalGAP được bày bán cả trong và ngoài siêu thị. Chương trình đã góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần xây dựng thương hiệu cho nông sản an toàn của tỉnh Sơn La; Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang không chỉ tiêu thụ số lượng lớn trong siêu thị Big C Việt Nam, mà còn góp phần quảng bá, đưa thương hiệu trái vải thiều Lục Ngạn –- Bắc Giang đến với người tiêu dùng Việt Nam trên khắp cả nước; Tuần lễ đặc sản Tây Bắc và các tỉnh miền núi phía Bắc: người dân Thành phố Hồ Chí Minh được tiếp cận với đặc sản an toàn vùng Tây Bắc như măng Kim Bôi, thịt trâu gác bếp Yên Bái, thịt chua Phú Thọ, tương ớt Điện Biên… Mục đích chung của chương trình là hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ một số mặt hàng đặc sản tại các vùng, miền, địa phương có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cấp Giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP)… tới người tiêu dùng, các nhà phân phối, nhà hàng, khách sạn… góp phần khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn của các địa phương.
Tại các địa phương, hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường được các Sở Công Thương tập trung đẩy mạnh triển khai. Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp triển khai bán hàng thông qua các hệ thống bán lẻ, cửa hàng tiện ích, tổ chức các chuyến hàng bình ổn giá, đẩy mạnh việc lồng ghép bán hàng Việt trong các điểm bán hàng bình ổn, tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và nhà kinh doanh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng vào chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…
Theo báo cáo của 56 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 10 năm qua, các Sở Công Thương đã tổ chức được hơn 1.000 hội nghị kết nối cung cầu các cấp, từ đó kết nối hàng hóa từ các vùng miền tại tỉnh, thành này đến các địa phương khác, tăng cường sự lưu thông hàng hóa xuyên suốt cả nước.
Điển hình là thành phố Hà Nội, đã phối hợp tổ chức thực hiện trên 80 cuộc giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố; hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức 20 tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm các địa phương tại Hà Nội quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng; kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản thực phẩm khi xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa nhất thời; Hỗ trợ doanh nghiệp 46 tỉnh, thành phố đưa hàng hóa địa phương vào các hệ thống phân phối nước ngoài như Aeon - Nhật, Central Group - Thái Lan, Lotte - Hàn Quốc, chợ đầu mối Rungis - Pháp... Triển khai hiệu quả biên bản ghi nhớ, hợp tác lĩnh vực Công Thương giữa Thành phố Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Tây Ninh, Lào Cai, Hải Dương, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Phú Thọ, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, qua đó hỗ trợ các đơn vị tham gia ký kết trên 3.000 biên bản ghi nhớ, hỗ trợ trên 800 sản phẩm mới của các địa phương tiêu thụ tại các kênh phân phối Hà Nội; đã hỗ trợ 105 doanh nghiệp của 24 tỉnh, thành phố tham gia trưng bày, giới thiệu trên 3.000 mã sản phẩm giới thiệu kết nối nông sản tại sàn giao dịch, trung tâm giới thiệu sản phẩm an toàn, trang tin nông sản tại Hà Nội...
Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công nhiều hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, trở thành cầu nối để các doanh nghiệp giữa các tỉnh, thành tiếp xúc, trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ, hỗ trợ các địa phương phương thức đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, mở rộng thị trường các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar... Lũy kế đến nay, có 1.761 hợp đồng đã được ký kết; riêng hội nghị năm 2016 đã kết nối thành công 412 biên bản ghi nhớ, hợp đồng thu mua giữa bên cung ứng và bên thu mua; sản phẩm kết nối chủ yếu tại hội nghị là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền của các tỉnh, thành.
P.V
Tin cũ hơn
-
(DNTM) Ngày 24/6, tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 và bàn giải pháp điều hành xuất khẩu gạo những tháng cuối năm, với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh.
-
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có chỉ đạo tất cả các đơn vị có liên quan trong Bộ rà soát đánh giá cụ thể về vụ việc Asanzo đang gây xôn xao dư luận trong những ngày qua.
-
Ngày 18/6/2019, Tổng thống tạm quyền Algeria, ông Abdelkader Bensalah đã cắt băng khai mạc Hội chợ quốc tế Alger lần thứ 52 (FIA-2019). Sự kiện có sự tham gia của trên 500 nhà trưng bày trong và ngoài nước đến từ 15 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
-
Hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt vào chuỗi cung ứng AEON nói riêng và thị trường Nhật Bản nói chung là cơ hội để doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực kinh doanh một cách bài bản, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các doanh nghiệp phải nỗ lực để có thể tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu này.