VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao

06/06/2019 09:22
(DNTM) 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,4%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao với mức tăng 10,9%.
 
Tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp qua các tháng so với cùng kỳ. Nguồn: Bộ Công Thương
 
Theo Bộ Công Thương, nền kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát nhưng cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức với mức tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, khơi thông thị trường, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, huy động nguồn lực cho sản xuất và đầu tư phát triển…
 
Trong tình hình đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 4,6% so với tháng 4 và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 1,5%; ngành chế biến, chế tạo tăng 11,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 11%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 8,4%.
 
Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,4%, thấp hơn mức tăng 10,3% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,4% và 6,6% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao với mức tăng 10,9% (cùng kỳ năm trước tăng 12,1%); Ngành sản xuất, phân phối điện tăng 10,3%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,9%; riêng ngành khai khoáng giảm 0,1%.
 
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 84%; sản xuất kim loại tăng 40,5%; khai thác quặng kim loại tăng 14,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 14,1%; khai thác than cứng và than non tăng 12,9%; dệt tăng 11,3%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 3,1% (cùng kỳ năm trước tăng 18,3%); sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 2,6%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 2,3%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 4%.
 
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Xăng, dầu tăng 74,7%; sắt, thép thô tăng 66,2%; ti vi tăng 34,2%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 26,2%; ô tô tăng 17,1%; than sạch tăng 12,7%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Thuốc lá điếu tăng 2,6%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 0,2%; phân hỗn hợp NPK giảm 2,9%; dầu thô khai thác giảm 5,8%; quặng apatit giảm 21,5%.
 
Đánh giá chung cho thấy, qua 5 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng khá nhờ kết quả sản xuất tích cực trong tháng 5 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất, phân phối điện, qua đó tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Trong đó chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng đầu năm tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp tục duy trì được đà tăng qua các tháng từ đầu năm 2019 tới nay (4T/2019 tăng 9,2%; 3T/2019 tăng 9,2%; 2T/2019 tăng 9,2%; 1T/2019 tăng 7,9%). Mặc dù đây là mức tăng thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016, 2017. (Chỉ số IIP 5T/2016 tăng 7,4%; 5T/2017 tăng 6,6%; 5T/2018 tăng 10,3%.).
 
Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo trong tháng 5 đã tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. (Chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5 các năm 2015-2019 lần lượt như sau: 10,2%; 11,5%; 9,1%; 9,1%; 11,6%). Đáng chú ý là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học tháng 5 bắt đầu phục hồi sau 2 tháng liên tiếp tăng trưởng âm (tháng 5 tăng 6,5%; tháng 4 giảm 3%; tháng 3 giảm 3,3% so với cùng kỳ).
 
Chỉ số sản xuất và phân phối điện tăng trưởng 10,3%, cao nhất từ đầu năm đến nay, một mặt do đây là thời điểm bắt đầu vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện gia tăng nhưng một mặt cũng là dấu hiệu tốt về sự gia tăng trong sản xuất. Trong đó, tính chung 5 tháng đầu năm 2019, sản lượng điện sản xuất ước đạt 89.865,7 triệu kWh, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018. Điện thương phẩm ước đạt 82.096,7 triệu kWh, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Ngành điện đã chủ động triển khai các phương án để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân.
 
Nhóm ngành khai khoáng giảm 0,1% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm thấp, chủ yếu do khai thác dầu thô và khí thiên nhiên giảm 4% (cùng kỳ năm trước ngành khai khoáng giảm 2,2%).
 
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam - một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất - đã tăng từ mức 51,2 điểm trong tháng 2/2019 lên 51,9 điểm trong tháng 3 và tiếp tục tăng lên 52,5 điểm trong tháng 4 (mức cao nhất của 4 tháng đầu năm 2019). Điều này cho thấy sự cải thiện tốt của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Trong khi đó, khu vực ASEAN ghi nhận chỉ số PMI toàn phần ở mức thấp so với PMI của Việt Nam (tháng 2/2019 đạt 49,6 điểm, tháng 3/2019 đạt 50,3 điểm, tháng 4/2019 đạt 50,4 điểm).
 
Thời gian tới, bên cạnh việc kiên trì thực hiện các giải pháp căn cơ, dài hạn nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Từng bước thực hiện các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp. Tiếp tục tổ chức các đoàn đi làm việc trực tiếp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu…


 
P.V
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại
Tin cũ hơn
  • Tìm kiếm cơ hội từ Kết nối giao thương Dệt may Việt Nam – Hàn Quốc 2019
    (DNTM) Trong hai ngày 21/5/2019 (tại Khách sạn Melia, Hà Nội) và 23/5/2019 (tại Khách sạn Lotte Legend Sai Gòn, TP.Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Công nghệ & Tư vấn Hàn (HAN Tech) phối hợp cùng Hiệp hội Dệt may Hàn Quốc (KOFOTI) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tổ chức các buổi gặp mặt B2B “Kết nối giao thương Dệt may Việt Nam – Hàn Quốc 2019”.
  • Từng bước số hóa công tác quản lý thị trường
    Để tạo sự đột phá trong quản lý, điều hành, một trong những giải pháp quan trọng được Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) triển khai là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước số hoá công tác quản lý thị trường.
  • Tăng cường áp dụng các hàng rào kỹ thuật trong xuất nhập khẩu
    Trong quá trình hội nhập, bên cạnh các cam kết của các thành viên về thuế quan thì nội dung rất quan trọng là tuân thủ thực thi các cam kết về các hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đây cũng là hoạt động Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai thời gian qua.
  • Tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh
    Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016 - 2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện đưa vào vận hành (chưa bao gồm các nguồn năng lượng tái tạo chưa ghi rõ tên hoặc chưa lập dự án), trong đó có 43 dự án thủy điện, 57 dự án nhiệt điện, 11 dự án năng lượng tái tạo, 3 dự án thủy điện tích năng và 2 dự án điện cá nhân.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.946.800