VITIC
Xuất nhập khẩu

Nâng cao vai trò, năng lực của hiệp hội ngành hàng trong hoạt động xuất nhập khẩu

22/05/2024 11:11

Kể từ năm 1998, khi Hiệp hội ngành hàng đầu tiên được thành lập (Hiệp hội Chè Việt Nam), đến nay đã có hơn 30 Hiệp hội ngành hàng cấp quốc gia đang hoạt động trên cả nước. Trong gần 22 năm phát triển, các Hiệp hội ngành hàng có mặt ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, hoạt động có hiệu quả và tạo ra những động lực, thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới.

Thực tiễn cho thấy, các Hiệp hội ngành hàng là kênh trao đổi, đối thoại hiệu quả và thực chất giữa nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy sự liên kết, hợp tác vì lợi ích của hội viên, vì sự phát triển của ngành hàng và sự thịnh vượng chung của đất nước. Bên cạnh đó, với chức năng vận động chính sách và thúc đẩy tiến bộ ngành hàng, nhiều Hiệp hội ngành hàng cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh. Nhiều Hiệp hội ngành hàng đã chú trọng thúc đẩy tiến bộ khoa học kỹ thuật, chủ động đầu tư, nghiên cứu, áp dụng những giải pháp công nghệ, tư vấn, khuyến khích đổi mới thiết bị, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến để nâng cao sản lượng, hiệu quả sản xuất và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại của ngành hàng.


Ảnh minh họa - Nguồn: logistics.gov.vn

Ngoài ra, các Hiệp hội ngành hàng đã chủ động, phối hợp có hiệu quả với cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp trong quá trình giải quyết các vụ kiện chống bán phá giá/chống trợ cấp xuất khẩu đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam; đề xuất áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước; cảnh báo rủi ro pháp lý, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, dù có sự phát triển, chuyển biến mạnh mẽ như vậy, nhưng nhìn chung, hoạt động của các Hiệp hội ngành hàng Việt Nam vẫn còn nhiều mặt còn có thể đẩy mạnh, phát huy hơn nữa. Ví dụ như hoạt động tham gia với các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế ở một số Hiệp hội ngành hàng còn thụ động (tức là có văn bản góp ý khi được hỏi), rất ít Hiệp hội ngành hàng chủ động nghiên cứu, để đề xuất với các cơ quan, tổ chức có liên quan các vấn đề, nội dung trong quá trình xây dựng, ban hành, thực thi chính sách. Bên cạnh đó, nhiều Hiệp hội ngành hàng có năng lực quản trị còn yếu, nhất là quản trị nguồn nhân lực và tạo nguồn thu tài chính bền vững để đảm bảo cân đối ngân sách cho các hoạt động chức năng của Hiệp hội, trong khi nguồn hỗ trợ từ ngân sách có xu hướng ngày càng giảm.

Như vậy, việc cải thiện, nâng cao và phát huy vai trò, vị trí của Hiệp hội ngành hàng trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế - một trong những giải pháp được Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, ngày 19 tháng 4 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược), trong đó nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng là một trong những giải pháp căn cơ để nâng cao tính cạnh tranh, tạo “thế đứng” vững chắc cho hàng hóa xuất khẩu, hướng đến mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững. Theo đó, ngoài nhiệm vụ giao cho các cơ quan quản lý nhà nước về tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, tuyên truyền để nâng cao năng lực cho các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài … Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh đến sự chủ động của các Hiệp hội ngành hàng để nâng cao năng lực hoạt động của các Hiệp hội trong hoạt động xuất nhập khẩu. Để làm được điều đó, các Hiệp hội ngành hàng ngoài việc tạo lập môi trường, cơ chế để liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, còn phải đảm bảo bám sát các chức năng, vai trò cơ bản của Hiệp hội, cụ thể:

         Thứ nhất, về vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp hội viên, trước hết, cần phát huy vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, tăng cường tương tác, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, trước hết là bộ, ngành quản lý nhà nước về ngành hàng, “tích cực tham gia” và “chủ động đề xuất” nhằm góp phần hoàn thiện thể chế thuận lợi cho sự phát triển của ngành hàng; là chủ thể chính trong các hoạt động dự báo, chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại quốc tế, đặc biệt là các vụ kiện về chống bán phá giá để có biện pháp chủ động phòng chống từ xa; cần làm tốt công tác tổ chức thông tin thị trường, ngành hàng và xúc tiến thương mại, thể hiện vai trò trong các hoạt động nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về các FTA thế hệ mới cho cộng đồng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin thị trường xuất khẩu, xem hàng hóa của mình có đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng hay có nguy cơ bị từ chối nhập khẩu hoặc trả về hay không để kịp thời có những điều chỉnh thích hợp, tránh thiệt hại nhiều nhất có thể.

         Thứ hai, về vai trò tổ chức liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, các Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tuyên truyền, phổ biến và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, từ đó đảm bảo sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Việc tư duy theo chuỗi giá trị tạo cơ sở để các bên liên quan thảo luận, thương lượng về cơ chế lợi nhuận, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định, có chất lượng, giá trị gia tăng cao, giá thành giảm, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng của các thị trường nhập khẩu.

        Thứ ba, về phát triển hợp tác quốc tế, các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng trong nước cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế với các tổ chức, hiệp hội ngành nghề trong khu vực và trên thế giới nhằm tranh thủ hỗ trợ về tài chính, kỹ năng chuyên môn, công nghệ và kinh nghiệm hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xuất khẩu. Đồng thời, chủ động kết nối với các doanh nghiệp FDI cùng ngành, giúp doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị do doanh nghiệp FDI tạo ra và nâng nhanh tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước nói chung và Hiệp hội nói riêng.

        Thứ tư, về vai trò thúc đẩy tiến bộ ngành hàng, các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng trước hết cần tập trung huy động, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và tài chính, lấy đó làm cơ sở để xây dựng, triển khai kế hoạch nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng, gia tăng lợi ích cho các hội viên. Bên cạnh đó, các Hiệp hội cũng cần chủ động thúc đẩy việc nghiên cứu, hợp tác chuyển giao, ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao sản lượng, hiệu quả sản xuất - xuất khẩu; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp dịch vụ, hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký, bảo vệ thương hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ ... để phát triển và củng cố thương hiệu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.


 

Nhật Minh thực hiện

Tin cũ hơn
  • Mở rộng xuất khẩu cá ngừ sang Nga
    Sau một giai đoạn trì trệ do ảnh hưởng của cuộc xung đội Nga – Ukraine, XK cá ngừ của Việt Nam sang Nga đã phục hồi và có xu hướng ngày càng tăng. Kim ngạch XK cá ngừ sang thị trường này đã tăng gấp đôi chỉ sau 3 năm.
  • Dừa Việt Nam có tiềm năng để thâm nhập sâu vào thị trường Philippines.
    Vừa qua, đoàn công tác của Hiệp hội Dừa Việt Nam do ông Cao Bá Đăng Khoa - Tổng Thư ký Hiệp hội dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc với Cơ quan quản lý Dừa (PCA) - Bộ Nông nghiệp Philippines tại Philippines nhằm tìm hiểu, trao đổi thông tin và học hỏi kinh nghiệm trong công tác quản lý, trồng, thu hái cũng như sản xuất các sản phẩm từ dừa.
  • Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines
    Ngày 12/7/1976, Việt Nam và Philippines thiết lập quan hệ ngoại giao; năm 2015, hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược, mở ra một giai đoạn mới nhiều cơ hội hợp tác trên cả bình diện song phương lẫn đa phương. Năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 4 lần hội đàm, tiếp xúc với Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. bên lề các hội nghị cấp cao, cho thấy sự gần gũi và tin cậy chính trị cao giữa hai nước.
  • Nâng tầm logistic để hàng hóa Việt mở rộng thị phần tại Trung Quốc
    Việt Nam cần cấp bách chú trọng đầu tư logistics hơn nữa, khơi thông và mở rộng con đường cho hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.059.482