Nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có thiết kế riêng trong xuất khẩu gỗ, nội thất
Chuyển đổi từ sản xuất gia công sang phát triển sản phẩm có thiết kế riêng để nâng cao giá trị sản phẩm gỗ, nội thất “Made in Viet Nam” là một trong những mục tiêu được đặt ra tại Hội chợ Xuất khẩu đồ gỗ và nội thất TP.HCM – Hawa Expo 2024 đang diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn.
Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất Hawa Expo 2024 - Nguồn: Báo Công thương
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP, HCM, Trưởng Ban tổ chức Hawa Expo cho biết: Hội chợ Hawa Expo 2024 là nơi giới thiệu các thiết kế đột phá từ các thương hiệu nội thất, phụ kiện, vật liệu; xây dựng cộng đồng các nhà thiết kế tài năng. Bên cạnh hàng trăm phiên kết nối giao thương, hội chợ cũng đưa ra nhiều điểm mạnh mới của ngành để bạn hàng hiểu đúng năng lực quốc gia, mở rộng danh mục hợp tác.
Trải qua năm 2023 khó khăn do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU suy yếu, cùng với chi phí nguyên liệu tăng cao đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh toàn ngành gỗ. Sang đến năm 2024, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024, Việt Nam đã xuất khẩu tổng 1,47 tỷ USD mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tăng 9,71% so với tháng trước và tăng 82,16% so với cùng tháng năm trước. Sự tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu gỗ và nội thất trong tháng đầu năm đã cho thấy tín hiệu tích cực về khả năng hồi phục của thị trường. Để gia tăng hoạt động xuất khẩu gỗ, nội thất trong thời gian tới, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết: Các doanh nghiệp cần chuẩn bị về tài chính, nguồn nguyên liệu. Đặc biệt, vấn đề giá cả luôn là bài toán đau đầu cho các doanh nghiệp trong cuộc chiến cạnh tranh với đối thủ từ các nước khác cũng như các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp cần phát triển các thiết kế riêng, đặc sắc để tạo thêm giá trị gia tăng cho mình. Cũng theo ông Phương, trong năm 2023 đã nổi lên một số doanh nghiệp gặt hái được thành công nhờ đầu tư vào hội chợ và thiết kế, cá biệt có doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng trên 300%. Việc đầu tư cho công tác thiết kế đã giúp nhiều doanh nghiệp đạt được doanh thu vượt trội. Đây cũng là một bài học cho nhiều doanh nghiệp khác có thể học hỏi.
Còn theo ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Sadaco: Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trong ngành gỗ, nội thất, nhiều nhà mua hàng quốc tế đang tìm kiếm những nhà cung cấp mới tại Việt Nam và một số nước khu vực châu Á. Theo đó, thời gian gần đây có khá nhiều đơn đặt hàng làm sản phẩm mẫu của các khách hàng mới. Nếu tạo được sự khác biệt, vượt trội về thiết kế cũng như có giá cả cạnh tranh, doanh nghiệp có thể sẽ ký được những đơn hàng lớn hơn từ lượng khách hàng này.
Qua quan sát các gian hàng tại Hawa Expo 2024, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương đánh giá, hội chợ năm nay có sự vượt trội về mức độ đầu tư cho các gian hàng với rất nhiều mẫu mã mới, chất lượng được nâng cao hơn đáng kể. Điển hình như gian hàng của Công ty CP Lâm Việt, toàn bộ đều là các mẫu mã mới. Ông Nguyễn Thanh Lam, Tổng giám đốc Công ty CP Lâm Việt cho biết, hiện tỷ trọng hàng ODM trong tổng xuất khẩu của Lâm Việt đã chiếm tới 50%. Đặc biệt, các thiết kế của Lâm Việt luôn được khách hàng quốc tế đánh giá rất cao với khoảng 70-80% số mẫu thiết kế được khách hàng chấp nhận.
Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN
Từ góc độ một chuyên gia về lĩnh vực nội thất, ông Zilahi Imre, Chủ tịch liên minh các ấn phẩm viết về ngành gỗ nội thất lại nhìn nhận thiết kế nội thất luôn là con dao hai lưỡi, bởi các thiết kế đẹp có thể dễ dàng bị sao chép. Do đó, các DN cần tạo được các thiết kế mang bản sắc riêng. “Các DN cần tạo ra sản phẩm mà khách hàng sẵn sàng bỏ tiền ra mua thay vì làm những sản phẩm mà khách chỉ muốn mua với giá rẻ hơn” – ông Zilahi Imre nhấn mạnh.
Chia sẻ từ việc kết nối được với khách hàng thông qua hội chợ, một doanh nghiệp về gỗ nội thất cho biết sau hội chợ Hawa Expo năm ngoái, công ty đã ký kết được đơn hàng từ một khách hàng lớn ở Nhật Bản, cũng như nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng cho các sản phẩm gỗ do nhà thiết kế Việt Nam thực hiện…Do đó, thời gian tới, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ, nội thất định hướng sẽ đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động thiết kế, giúp nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có thiết kế riêng trong xuất khẩu, qua đó khẳng định năng lực của ngành gỗ Việt Nam ở những phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn.
Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp
-
Cà phê, cao su, chanh dây, chuối … là những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Gia Lai, hứa hẹn tạo ra sự đột phá về xuất khẩu trong năm 2024. Trong các tháng đầu năm, đơn hàng xuất khẩu của những loại nông sản này ngày càng nhiều, thị trường xuất khẩu cũng ngày càng được mở rộng.
-
Năm 2023 được xem là một năm thành công của nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk khi tốc độ tăng trưởng đạt mức 4,88%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế của tỉnh.
-
Dự kiến trong năm 2024, tiêu thụ thép sẽ tăng khoảng 6,4%, sản lượng xuất khẩu tăng lên gần 13 triệu tấn. Nhu cầu thép của thế giới được dự báo hồi phục mạnh trở lại trong năm 2024, tăng 1,9%, đạt 1,8 tỷ tấn trong năm 2024, do đó sản xuất thép của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, dự kiến tăng khoảng 10% trong năm 2024.
-
Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Do vậy, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trong 02 tháng đầu năm 2024 đã tạo ra bước khởi đầu tích cực.