Nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh cho doanh nghiệp
Ngày 16/8/2024, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Chương trình đào tạo, nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh. Chương trình nhằm hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam kịp thời cập nhật, hiểu rõ về các thông tin về phát triển xuất khẩu xanh, nắm bắt và hiểu biết rõ về các đạo luật, quy định mới của Liên minh châu Âu (EU).
Tại Chương trình, diễn giả Hoàng Thành (Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam) đã giới thiệu tổng quan về Quy định của Liên minh châu Âu về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng (EUDR); các đạo luật, quy định mới của EU như cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM). Từ đó, giúp các tổ chức, doanh nghiệp có kế hoạch, biện pháp và lộ trình điều chỉnh các hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh mới.
TS. Nguyễn Trung Kiên chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Phương Cúc - Báo Công Thương
Các diễn giả cũng chỉ ra những tác động của EUDR tới xuất khẩu, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam; tình hình triển khai EUDR tại các quốc gia khác và kinh nghiệm về triển khai EUDR, bao gồm những vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp phải để tuân thủ EUDR; hướng dẫn áp dụng EUDR đối với các doanh nghiệp Việt Nam theo ngành hàng (tính minh bạch trong thu thập thông tin địa lý, truy xuất nguồn gốc vùng trồng trong chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu, sản xuất bền vững, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và hợp tác với các đối tác mua hàng…); hướng dẫn huy động và tìm kiếm nguồn lực, sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan nhằm đáp ứng các yêu cầu EUDR.
Tại Chương trình, đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) Đinh Sỹ Minh Lăng chỉ ra những cơ hội, thách thức của EUDR đối với các doanh nghiệp Việt, nếu sản phẩm tuân thủ yêu cầu về EUDR và có chứng nhận (FSC...) làm tăng tính cạnh tranh và uy tín của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế. Ông Đinh Sỹ Minh Lăng cũng đã chỉ ra 3 thách thức do tác động của EUDR đến doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể:
Thứ nhất, chi phí xuất khẩu sang EU tăng, có khả năng gây rủi ro cho các công ty vừa và nhỏ: Thủ tục truy xuất nguồn gốc và chứng nhận của EUDR vì họ sẽ yêu cầu các công nghệ, quy trình và chi phí hành chính cho việc tuân thủ.
Thứ hai, hàng hoá của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh xuất khẩu và mất thị phần tại EU bởi đối thủ cạnh tranh đã sẵn sàng cho việc tuân thủ đầy đủ EUDR.
Thứ ba, là hạn chế năng lực truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng. Trong đó, việc khó xác định vùng trồng hợp pháp ảnh hưởng đến kết quả đánh giá và phân loại rủi ro vùng trồng của EU theo quốc gia. Vùng sản xuất, mặc dù diện tích canh tác đối với cà phê, gỗ, cao su không lớn và canh tác ổn định.
Các diễn giả cho ra rằng, EUDR cũng mang đến những thách thức cho doanh nghiệp Việt như chi phí xuất khẩu sang EU tăng, có khả năng gây rủi ro cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thủ tục truy xuất nguồn gốc và chứng nhận của EUDR vì họ sẽ yêu cầu các công nghệ, quy trình và chi phí hành chính cho việc tuân thủ các quy định. Các doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải chịu sự cạnh tranh xuất khẩu khốc liệt hơn, dễ dẫn đến việc mất thị phần tại châu Âu.
Vì vậy, các diễn giả cũng chỉ ra, để thúc đẩy, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt trong việc phát triển xuất khẩu xanh vẫn cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ. Trong đó, cần nhanh chóng ngăn chặn sự gián đoạn xuất khẩu và bảo đảm rằng sẽ có ngày càng nhiều mặt hàng Việt đáp ứng các tiêu chuẩn EUDR. Thêm vào đó, cần xác định các doanh nghiệp chủ chốt có mặt hàng xuất khẩu quan trọng vào EU để hỗ trợ họ nâng cao khả năng tuân thủ các quy định của thị trường EU.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược, lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh. Trong ngắn hạn, cần giúp các doanh nghiệp Việt sớm tìm thị trường thay thế nếu phải đáp ứng ngay lập tức EUDR. Trong trung hạn, cần đưa nhiều nhà sản xuất và xuất khẩu hơn vào chuỗi cung ứng, giúp họ thích ứng với điều kiện thị trường mới. Và dài hạn là tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt bằng cách nâng cấp tiêu chuẩn môi trường cho các sản phẩm xuất khẩu.
Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp
-
Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-BCT ngày 13/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc đảm bảo cung cấp điện trong các dịp Lễ, Tết và các sự kiện chính trị, văn hóa lớn trong năm 2024,
-
Sáng ngày 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên, nhằm đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 7 tháng đầu năm
-
Sáng 14/8, tại Hà Nội, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024 cho 28 tác phẩm xuất sắc.
-
Chiều ngày 13/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An về tình hình thực hiện dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn từ Quảng Trạch đến Phố Nối, với mục tiêu hoàn thành các công việc còn lại, quyết tâm khánh thành toàn dự án vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay.