Nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam - Morocco
Ngày 25/11/2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã dẫn đầu đoàn công tác Bộ Công Thương sang làm việc tại Morocco và tham dự Kỳ họp lần 2 Tiểu ban hợp tác về thương mại và công nghiệp Việt Nam – Morocco.
Ảnh: Tạp chí Công Thương
Cùng tham dự Kỳ họp, về phía Việt Nam có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Morocco Lê Kim Quy, đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Văn phòng Bộ) và Thương vụ Việt Nam tại Morocco.
Về phía Morocco có ông Omar Hejira, Quốc vụ khanh Bộ Công Thương cùng Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ (Tổng cục Thương mại, Vụ Quan hệ thương mại quốc tế, Vụ Truyền thông, Hợp tác quốc tế và Đối tác, Vụ Công nghiệp thực phẩm) và đại diện các cơ quan liên quan (Bộ Ngoại giao, Hợp tác châu Phi và người Morocco ở nước ngoài, Cơ quan Quốc gia về Xúc tiến Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Viện Tiêu chuẩn hóa Morocco, Văn phòng Sở hữu công nghiệp và thương mại Morocco).
Tại cuộc họp, hai Bên đã tích cực rà soát tình hình hợp tác thương mại và công nghiệp song phương kể từ Kỳ họp lần thứ nhất của Tiểu ban diễn ra vào tháng 6/2022, đánh giá những kết quả đạt được, giải đáp mối quan tâm của mỗi Bên, thảo luận về các cơ hội đang đặt ra và kế hoạch hoạt động cho giai đoạn tiếp theo.
Trong giai đoạn 2022-2023, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 235 triệu USD/năm. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng xuất nhập khẩu hai chiều đạt gần 240 triệu USD, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 218 triệu USD, tăng 25% và nhập khẩu đạt 21 triệu USD, tăng 40%. Mặc dù ghi nhận tăng trưởng nhưng trao đổi thương mại song phương chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, chưa đạt được mục tiêu 500 triệu USD như kỳ vọng đã trao đổi tại Kỳ họp lần thứ nhất của Tiểu ban. Trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng, mặc dù cơ quan quản lý của hai Bên có sự định hướng, thúc đẩy nhưng các doanh nghiệp chưa nắm bắt được cơ hội hợp tác cụ thể, chưa có dự án hợp tác nào được triển khai.
Quốc vụ khanh Omar Hejira cho biết, nhờ có sự quan tâm, định hướng của Quốc vương Morocco và trên cơ sở các lợi thế về tài nguyên, cơ sở hạ tầng phát triển, tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng, Morocco đang phát huy vị trí địa chính trị, vai trò cửa ngõ kinh tế, logistics quan trọng tại châu Phi nói chung và khu vực Bắc Phi nói riêng. Chính phủ Morocco khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài (trong đó có doanh nghiệp Việt Nam) quan tâm, đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng tại Morocco như hóa chất, phân bón, dệt may, da giày, năng lượng, công nghiệp ô tô, hàng không, luyện kim…
Thay mặt đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Phan Thị Thắng gửi lời cảm ơn đến Bộ trưởng Ryad Mezzour, Quốc vụ khanh Omar Hejira và Bộ Công Thương Morocco đã dành sự tiếp đón trọng thị, chu đáo cho đoàn Việt Nam sang tham dự Kỳ họp. Thứ trưởng nhấn mạnh Kỳ họp lần hai là dịp để hai Bên cùng phối hợp vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội hợp tác phát triển trong tình hình mới, cụ thể: (i) cơ hội gia tăng kim ngạch hai chiều lên 500 triệu USD vào năm 2026, (ii) cơ hội cụ thể hóa hợp tác công nghiệp thông qua các dự án tiềm năng mà hai Bên cùng quan tâm và có thế mạnh (như hóa chất, phân bón, nông sản, thực phẩm, dệt may, da giày...); (iii) cơ hội thúc đẩy hợp tác về sản xuất, phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ Halal; (iv) cơ hội tận dụng nguồn lực hỗ trợ từ bên thứ Ba trong khuôn khổ đa phương mà Việt Nam và Morocco là thành viên (như Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế…).
Để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại và công nghiệp giữa hai Bên trong thời gian tới, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã có một số ý kiến đề xuất như sau: (i) Tiếp tục khai thác tính bổ sung của hai nền kinh tế, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh sang thị trường của nhau; (ii) Đổi mới hình thức trao đổi thông tin về thị trường, ngành hàng, quy định xuất nhập khẩu thông qua giới thiệu các trang thông tin trực tuyến để tiện tra cứu và chủ động cập nhật; (iii) Tăng cường các hoạt động giao thương, sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư, nghiên cứu kết hợp với các chương trình quảng bá văn hóa, du lịch tại mỗi nước, hoan nghênh doanh nghiệp Morocco sang tham dự các sự kiện tổ chức thường niên tại Việt Nam như Triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa (Viet Nam International Sourcing), Hội chợ Thương mại quốc tế (VietnamExpo), Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm (Vietnam Foodexpo)...; (iv) Thúc đẩy hợp tác về logistics, ngân hàng để hỗ trợ cho việc đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu; (v) Trao đổi thông tin, kinh nghiệm về xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác đầu tư, liên doanh; (vi) Thúc đẩy khai thác các cơ hội hợp tác sản xuất, xuất khẩu sang nước thứ ba, là các thị trường mà mỗi Bên có lợi thế về tiếp cận thị trường theo các FTA mà mỗi Bên là thành viên.
Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp
-
Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam; đến năm 2013, Việt Nam và Singapore chính thức nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược. Hơn 50 năm xây dựng và phát triển, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ đi vào chiều sâu và thiết thực hơn.
-
Ngày 28/11, Hội nghị giao thương Việt Nam - Ba Lan, do VCCI-HCM cùng Cục Xúc tiến đầu tư và Thương mại Ba Lan, Cảng vụ Gdańsk (Ba Lan) tổ chức.
-
Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực (1/8/2020) đã đóng góp tích cực cho sự phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường EU nói chung và với Bulgaria nói riêng
-
Đài Loan (Trung Quốc) (sau đây gọi tắt là Đài Loan) hiện là đối tác đầu tư lớn thứ 4 và đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 9/2024, Đài Loan có 3.234 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 40,56 tỷ USD. Dù là các ngành truyền thống hay các ngành công nghệ cao, Việt Nam luôn được đánh giá là điểm đến hàng đầu của nguồn vốn đầu tư từ Đài Loan.