VITIC
Xuất nhập khẩu

Nắm bắt tiêu chuẩn, thị hiếu để đẩy mạnh xuất khẩu sang Phần Lan

26/09/2023 11:26

- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Cá tra tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Thịt lợn tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Rau quả tại đây;

- Xem thêm Thị trường logistics và quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam và thế giới tháng 8 và 8 tháng năm 2023: diễn biến và dự báo tại đây;

Thời gian gần đây xu hướng tiêu dùng trên thị trường Phần Lan có sự thay đổi, người dân chú ý hơn tới sản phẩm giảm giá, cùng đó là xu hướng muốn trải nghiệm món ăn mới, trách nhiệm về tính bền vững... Đây là những thông tin mà doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững khi xuất khẩu hàng hóa sang Phần Lan.

Tại Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam – Phần Lan do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các bên có liên quan tổ chức ngày 22/9 vừa qua, ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết – từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào thực thi thương mại hai bên tăng ấn tượng. Tuy nhiên, sau mức tăng 54,2% năm 2021, từ năm 2022 kim ngạch thương mại hai chiều đã có sự sụt giảm, năm 2022 giảm 15,6% so với năm 2021. Năm 2023 đánh dấu mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong bối cảnh kim ngạch thương mại giảm. Việc tổ chức hội nghị giao thương doanh nghiệp hai bên hết sức thiết thực để kết nối thương mại hai chiều, phục hồi xuất nhập khẩu.

Đây là hoạt động thuộc dự án Thúc đẩy đối tác doanh nghiệp Phần Lan, mục tiêu nhằm chia sẻ nhu cầu thị trường Phần Lan đối với các sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ và tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Tại hội nghị, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Keijo Norvato cũng nhấn mạnh, Việt Nam - Phần Lan có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và có nhiều cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ này.

Đặc biệt, nhờ Hiệp định EVFTA, quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai bên tăng lên bậc cao hơn. “Chúng tôi nhìn thấy lượng hàng hoá từ Việt Nam nhập khẩu vào Phần Lan ngày một lớn. Đây là điều rất đáng mừng”- Đại sứ Keijo Norvato cho hay.

Thực tế, việc giảm thuế theo cam kết của EVFTA đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp hai nước. Theo ông Lê Hoàng Tài, dự báo, nhu cầu với mặt hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ tăng cao tại EU. Do vậy, hội nghị giao thương lần này là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai bên hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực và tiến tới hợp tác. “Cục Xúc tiến thương mại cam kết hỗ trợ doanh nghiệp hai nước thuận lợi trong hợp tác đầu tư, thương mại và phát triển lâu dài”, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho hay.

Mặc dù có nhiều cơ hội, song Phần Lan là thành viên khối EU, do đó các tiêu chuẩn về chất lượng đòi hỏi rất cao. Bà Hentriikka Kontio, Cố vấn, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan thông tin, 99% điều kiện tiêu chuẩn với hàng nhập khẩu của Phần Lan đã hài hoà hoá với EU. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá vào Phần Lan phải tuân thủ theo quy định chung của EU.

Đơn cử, sản phẩm có nguồn gốc động vật như nhuyễn thể 2 mảnh sống phải nhập khẩu qua 17 cơ sở tại EU đã được cấp phép. Hay ớt, mỳ ăn liền… đã bị phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu sẽ bị kiểm tra ngay tại biên giới.

Đặc biệt, Phần Lan còn áp dụng thêm quy định riêng với thực phẩm nhập khẩu như cần dán nhãn đối với sản phẩm thêm muối…

Thời gian gần đây xu hướng tiêu dùng trên thị trường Phần Lan có sự thay đổi, người dân chú ý hơn tới sản phẩm giảm giá- đây là hệ quả của lạm phát và lãi suất tăng thời gian qua. Cùng đó là xu hướng muốn trải nghiệm món ăn mới, trách nhiệm về tính bền vững thể hiện từ khâu sản xuất tới đóng gói sản phẩm. Với những đặc điểm đó, thâm nhập thị trường thông qua nhà môi giới tới nhà bán lẻ hoặc bán nguyên liệu thô cho doanh nghiệp Phần Lan là cách thức ban đầu được khuyến cáo với doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ cũng là sản phẩm có tiềm năng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Theo bà Anna Suheimo, Giám đốc Công ty Sera, tạo ra câu chuyện và tạo dựng hình ảnh rất quan trọng để bán được hàng tại EU. Chúng ta cần kể câu chuyện minh bạch và chia sẻ cho người tiêu dùng biết đâu là nhà cung ứng và chuỗi sản xuất ra sản phẩm bán cho khách.

Sản phẩm bền vững giá trị cao luôn được đề cao hơn và là xu hướng ngày một phổ biến. Thiết kế sản phẩm rất quan trọng có thể không cần hiện đại nhưng cần tồn tại lâu dài với thời gian. Hình ảnh sản phẩm phải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhìn.

Cũng tại hội nghị, ông Lê Hoàng Tài cho hay, Phần Lan có công nghệ phát triển, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải. Nhiều công ty Phần Lan trong lĩnh vực này đã bày tỏ quan tâm về thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Phần Lan cũng có thế mạnh về chế biến nông sản, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ.

 

Nguồn: Moit.gov

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.079.165