Tham dự Hội nghị trực tiếp tại điểm cầu Bộ Công Thương có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc Hội; ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương… Cùng đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành trung ương, Lãnh đạo các địa phương và đơn vị liên quan.
Về phía Bộ Công Thương, có Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các Thứ trưởng: Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long.
Cùng dự có lãnh đạo các Cục Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, các Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài; đại diện lãnh đạo Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường 63 tỉnh, thành phố; lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty, các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp …
“Về đích” với nhiều kết quả tích cực, toàn diện
Báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh: Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
Ở trong nước, năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, đây cũng là năm nước ta cũng phải đối mặt với diễn biến thiên tai bất lợi, đặc biệt, siêu bão số 3 và cơn bão số 4 đã tàn phá, gây thiệt hại nặng nề, trên diện rộng tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Trong bối cảnh đó, với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, nên kinh tế nước ta tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công Thương
Các tổ chức quốc tế đánh giá cao và liên tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng nước ta theo hướng ngày càng tích cực hơn; doanh nghiệp khôi phục niềm tin vào triển vọng kinh tế… Các cân đối lớn được đảm bảo. Dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2024 có thể đạt và vượt 7%, thuộc nhóm ít quốc gia tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Lạm phát được kiểm soát dưới 4%, là kết quả rất tích cực trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 01/7/2024 và điều chỉnh giá một số mặt hàng hóa, dịch vụ vào cuối năm….
“Đóng góp vào các thành tích chung đó, ngành Công Thương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương, đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện các nhiệm vụ được giao và đã đạt được các kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triến kinh tế của đất nước. Đến nay, ngành Công Thương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2024”- Thứ trưởng Phan Thị Thắng khẳng định.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, trọng tâm là việc chủ trì, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), thông qua chủ trương tái khởi động các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và nhiều chính sách mới, tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các cân đối lớn được bảo đảm, nhất là an ninh năng lượng và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất... Đặc biệt là kỳ tích hoàn thành Đường dây 500 kV mạch 3 với nhiều kỷ lục và các dự án trọng điểm ngành năng lượng.
Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới (gần 800 tỷ USD), tăng 15% so với năm trước và vượt 2,5 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4% trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô.
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả; khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi với việc đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục (16 tháng), góp phần mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.
Phòng vệ thương mại cũng đạt kết quả tích cực, vững chắc, xử lý thành công hàng trăm vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại, góp phần quan trọng bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới.
Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc (gần 9%), ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; là trụ đỡ đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô. Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam. Xúc tiến thương mại đổi mới mạnh mẽ với chuỗi sự kiện lớn nhất từ trước tới nay, giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, xếp hạng 32 thế giới.
Chủ động, quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, Bộ Công Thương đã đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong…
Các mặt công tác khác như quản lý cụm công nghiệp và khuyến công quốc gia; quản lý, bảo đảm an toàn môi trường công nghiệp; thanh tra; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cải cách hành chính... đều được thực hiện một cách quyết liệt, thực chất và đồng bộ.... Các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương và của Chính phủ đều được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động để thống nhất chỉ đạo và tổ chức triển khai hiệu quả trong toàn ngành.
Đóng góp quan trọng vào thành tích chung của cả nước
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành đều đánh giá cao những kết quả, thành tích mà ngành Công Thương đã đạt được.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Văn Hưng đánh giá với sự vào cuộc đồng bộ của Ngành Công Thương trong năm 2024, đã tạo ra bứt phá trong sản xuất và xuất khẩu nông lâm sản thủy sản. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, lần đầu tiên xuất khẩu nông sản vượt mức 60 tỷ USD (ước đạt 62,7 tỷ USD năm 2024), tăng trên 18% so năm 2023, với 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 01 tỷ USD.
“Sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị hai Bộ cũng như sự ủng hộ, đồng hành của các Bộ, ngành, cơ quan địa phương đang góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045”- Thứ trưởng Võ Văn Hưng nhận định.
Đối với công tác hội nhập kinh tế quốc tế, ông Nguyễn Minh Vũ - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – cũng cho hay, công tác này ngày càng sâu rộng, thực chất, hiệu quả, góp phần nâng tầm đối ngoại đa phương, tạo mạng lưới liên kết kinh tế rộng khác. Ngành Công Thương và cả nước đã tích cực thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA thế hệ mới, nâng tổng số FTA Việt Nam ký kết và tham gia lên 17 FTA, trong đó nổi bật Hiệp định CEPA với kỷ lục về thời gian đàm phán đã mở ra nhiều cơ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với cả khu vực Trung Đông.
Ở góc độ địa phương, ông Huỳnh Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – đã chia sẻ những kết quả đạt được của tỉnh. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,3%, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm, đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 21 cả nước. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp tăng 11,26%. Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của địa phương cũng đạt gần 13 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 7,5 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu đạt 5,4 tỷ, tăng 25,58%... Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, đóng góp vào thành tích chung của Long An có vai trò to lớn của Bộ Công Thương. Cùng với đó, bộ cũng tích cực hỗ trợ tỉnh tổ chức nhiều hoạt động kết nối cộng đồng doanh nghiệp tỉnh với các nhà đầu tư, nhà nhập khẩu nước ngoài để kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu.
Cũng tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng, các đơn vị thuộc Bộ, Tập đoàn doanh nghiệp đã trao đổi, tham luận, đánh giá tình hình và kết quả phát triển ngành Công Thương trong năm 2024; đề xuất các giải pháp trọng tâm năm 2025.
Ngành Công Thương cần khẳng định vai trò tiên phong
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực và kết quả quan trọng mà ngành Công Thương đạt được trong năm 2024. Theo đó, ngành Công Thương đã ghi dấu ấn trên cả 2 nhiệm vụ chính là hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời kiến tạo, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cho rằng năm 2025 cần tập trung bứt tốc để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhận định đây là năm củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo
Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu năm 2025 phấn đấu tăng trưởng từ 8% trở lên để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026 – 2030 tăng trưởng ở mức 2 con số là yêu cầu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của người dân và các doanh nghiệp. Trong đó, đòi hỏi ngành Công Thương cần khẳng định vai trò tiên phong trong tiến trình này.
Phó Thủ tướng nêu một số vấn đề để ngành Công Thương nghiên cứu, triển khai trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm 2025 và các năm tiếp theo.
Một là, muốn giải phóng các nguồn lực, thu hút đầu tư, việc đầu tiên là phải tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính cho phát triển sản xuất công nghiệp và thúc đẩy thương mại. Theo đó, cần tiếp tục xác định công tác xây dựng thể chế, chính sách là một trong ba đột phá chiến lược.
Hai là, cần sớm rà soát, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm, nhằm nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, của nền sản xuất Việt Nam. Phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ trong nước, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải carbon thấp, ban hành cơ chế khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp trọng điểm như luyện kim, cơ khí chế tạo, công nghiệp điện tử, bán dẫn và phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng, công nghiệp phụ trợ.
Để làm được điều này, Phó Thủ tướng cho rằng, cùng với sự nỗ lực của Bộ Công Thương thì rất cần sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông,… để các chiến lược có tính khả thi cùng với các cơ chế thúc đẩy, mời gọi đầu tư, đặc biệt là phát triển các Trung tâm R&D.
Ba là, triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Không để thiếu điện là yêu cầu bắt buộc và là một bài toán khó trong bối cảnh những năm vừa qua chưa có nhiều dự án nguồn điện mới, lưới điện được triển khai.
Do đó, bên cạnh việc chủ động điều độ, vận hành hệ thống, nhất là sau khi Bộ đã tiếp nhận và thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện (NSMO), cần tập trung triển khai và tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các cơ chế, chính sách về phát triển năng lượng, thị trường điện, trong đó có rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, phù hợp với xu thế chung của thế giới và tiềm năng, lợi thế, điều kiện của đất nước.
Bốn là, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng; chỉ đạo các cơ quan Thương vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngoại giao thực hiện tốt vai trò cầu nối cho doanh nghiệp 'bám rễ' thị trường.
Năm là, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển thị trường trong nước. Theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là trong các dịp cao điểm, Lễ, Tết, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác chống gian lận xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, phòng vệ thương mại để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước và phù hợp với các cam kết quốc tế.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ triển khai khẩn trương công tác sắp xếp tổ chức sau khi được Chính phủ phê duyệt để nhanh chóng ổn định tổ chức, đảm bảo không gián đoạn trong triển khai nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức mới phải hiệu quả, hiệu lực hơn tổ chức cũ.
“Hơn lúc nào hết, tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động ngành Công Thương cần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để dẫn dắt, thúc đẩy, ngành Công Thương phát triển”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
6 giải pháp trọng tâm cho năm 2025
Tiếp thu những phát biểu, chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, người đứng đầu ngành Công Thương - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã cảm ơn những chỉ đạo sâu sắc của Phó Thủ tướng và cho biết, ngành Công Thương sẽ nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ, nhân dân giao phó.
Bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đánh giá, khái quát lại những kết quả nổi bật của ngành Công Thương trong năm 2024, cũng như chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong hoạt động công tác của Bộ năm 2024. Bộ trưởng nhận định những tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong Hội nghị hôm nay chính là những điểm nghẽn đối với sự phát triển của Ngành trong nhiều năm qua; vì vậy, cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, nghiêm túc khắc phục, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Về triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị trong toàn Ngành quán triệt, tiếp thu và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị này; đồng thời, tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp, thương mại thành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, tạo dư địa, động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.
Trước mắt, khẩn trương xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 (khóa XIII) và Nghị quyết của Chính phủ về phát triển KTXH, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 để quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
Hai là, quyết liệt đổi mới công tác quản lý Ngành, theo đuổi hệ mục tiêu thay vì hệ giải pháp như hiện nay. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao công tác xây dựng tham mưu cơ chế chính sách, xác định đây là nhiệm vụ đột phá của đột phá, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, khả thi, thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, năng lượng và thương mại.
Trước mắt, tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Điện lực (sửa đổi), các Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp (nhất là các ngành Công nghiệp nền tảng) và các loại hình năng lượng mới; xây dựng quy định về khung giá các loại hình điện năng, giá điện 2 thành phần, giá điện theo giờ và các dự thảo Nghị định về cơ chế phát triển các dự án điện khí thiên nhiên, điện gió ngoài khơi, phát triển điện hạt nhân góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển thị trường điện cạnh tranh; khẩn trương triển khai rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và các nhiệm vụ liên quan đến Chương trình phát triển điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời, hoàn thiện dự thảo Luật Hóa chất, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Luật Sản xuất công nghiệp trọng điểm và Luật Quản lý thương mại điện tử để trình Quốc hội thông qua tại các kỳ họp tới. Chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền cho áp dụng đại trà sau thí điểm ở một số địa phương về một số cơ chế, chính sách có tính đột phá phù hợp để khơi thông và giải phóng các nguồn lực cho phát triển của Ngành.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng của KHCN, đổi mới sáng tạo, góp phần làm mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đồng thời khai thác có hiệu quả các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và các ngành công nghệ cao như chíp, bán dẫn, công nghệ AI…). Tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển công nghiệp, năng lượng, thương mại trọng điểm để sớm đưa vào hoạt động, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Bốn là, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham mưu khai thác có hiệu quả các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là trong lĩnh vực mà nước ta đang có nhu cầu; đồng thời, chú trọng thực thi hiệu quả các giải pháp kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đáp ứng yêu cầu tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở ngoài nước trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, triển kahi và khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các FTA với các đối tác tiềm năng, tạo động lực tăng trưởng, tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư; đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Năm là, chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân, còn nhiều tiềm năng. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh tế số để khai thác hiệu quả sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả; tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường nội địa và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng, phù hợp với các cam kết quốc tế và lợi ích quốc gia dân tộc.
Sáu là, về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tư lệnh ngành Công Thương thông tin: Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo hoàn thành xây dựng Đề án về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ, báo cáo Bộ Nội vụ thẩm định, trình Chính phủ; theo đó, tổ chức bộ máy của Bộ giảm từ 28 đơn vị xuống còn 23 đơn vị, giảm 05 đơn vị, tương ứng gần 18%; trong đó, đặc biệt là việc đề xuất kết thúc mô hình tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường và chuyển các Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố quản lý theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo Chính phủ.
Đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm và không thể làm chậm trễ hơn, do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, Bộ trưởng đề nghị cấp uỷ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Chính phủ và của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phát huy cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Chú trọng làm thật tốt công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ (nhất là việc bố trí, sắp xếp và thực hiện chính sách cán bộ), tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động của CBCC, viên chức, người lao động trong toàn Ngành và trong từng cơ quan, đơn vị; xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc cần làm và phải làm ngay nhưng phải làm khách quan, dân chủ, khoa học, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả (chứ không phải là sự sắp xếp cơ học) nhằm giảm thiểu sự chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị; tuyệt đối không để phát sinh tư tưởng, mất đoàn kết nội bộ; không để xảy ra tình trạng so bì, bê trễ, lơ là trong thực thi công vụ.
Bộ trưởng lưu ý, trong quá trình tổ chức thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy bên trong, các đơn vị phải bám sát yêu cầu, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Bộ để bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai và chỉ tiêu sắp xếp tối thiểu được giao; đồng thời, cần lưu ý các vấn đề liên quan đến xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công và chuyển tiếp quản lý các dự án đầu tư trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, cần chủ động rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung các quy định, cơ chế chính sách phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới để bảo đảm mô hình bộ máy mới phải tốt hơn mô hình cũ và phải đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về trách nhiệm và địa bàn phụ trách.
Bộ trưởng cũng đề nghị Lãnh đạo UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo và khẩn trương hoàn thành việc xây dựng đề án, sẵn sàng tiếp nhận nguyên trạng (gồm cả nhân lực, tài sản, các dự án đầu tư chuyển tiếp) của các Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố quản lý sau khi có quyết định chính thức của cấp có thẩm quyền. Việc này cần thực hiện rất khẩn trương theo đúng tiến để mô hình mới của lực lượng QLTT sớm đi vào hoạt động ổn định, bảo đảm duy trì thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn quản lý, nhất là trong bối cảnh năm mới và Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, thị trường hàng hoá sẽ rất sôi động, dễ phát sinh những sai phạm trong sản xuất, kinh doanh nếu công tác kiểm tra, giám sát thị trường bị buông lỏng. Đặc biệt, cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đã được Bộ Công Thương ban hành, bảo đảm ổn định thị trường, phục vụ tốt nhu cầu nhân dân vui Xuân đón Tết.
Thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tại Hội nghị hôm nay; đồng thời giao Vụ Kế hoạch – Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ tổng hợp, tham mưu báo cáo Lãnh đạo Bộ chỉ đạo giải quyết kịp thời theo thẩm quyền (hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết). Riêng kiến nghị của đại diện Cục QLTT địa phương về mô hình tổ chức bộ máy và chế độ chính sách đối với cán bộ QLTT (sau chuyển giao từ Bộ về địa phương), kính đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, phản ánh với Ban Chỉ đạo Chính phủ để xem xét, giải quyết, bảo đảm phù hợp với tình hình mới.
Bộ trưởng thông tin, ngay sau Hội nghị tổng kết hôm nay, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch hành động của Ngành trong năm tới và tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra với nỗ lực cao nhất ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, các Tổ chức quốc tế và nhân dân cả nước đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, chia sẻ, đồng hành và ủng hộ, giúp đỡ ngành Công Thương trong những năm qua; Bộ Công thương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để ngành Công Thương có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Nguồn: Moit,gov
Link nguồn