VITIC
Thị trường trong nước

Năm 2024, doanh nghiệp xuất khẩu gạo tích cực khai thác dư địa từ các thị trường mới

14/05/2024 15:59

Trong năm 2024, ngành gạo Việt Nam đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 5 tỷ USD, bảo đảm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đồng thời tập trung khai thác tiềm năng từ các thị trường mới cho xuất khẩu gạo bởi đây là yêu cầu cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu ngày càng gay gắt.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong ba tháng đầu năm 2024, Việt Nam lần đầu tiên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore, với kim ngạch đạt 30,55 triệu USD, tăng rất mạnh 100,25% so với cùng kỳ năm 2023.


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Điểm đáng chú ý là bên cạnh mặt hàng thế mạnh truyền thống của Việt Nam là gạo tẻ trắng, hai nhóm hàng khác là gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ cũng vươn lên chiếm lĩnh phần lớn thị phần tại Singapore, lần lượt đạt 80,08% và 73,33%. Đây là nhân tố chính đưa Việt Nam vượt qua Thái Lan và Ấn Độ trở thành quốc gia chiếm thị phần gạo lớn nhất tại Singapore với 32,03% thị phần, kim ngạch cao hơn so với Ấn Độ 6,96% và cao hơn Thái Lan 8,28%.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong quý I/2024, Singapore là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 8 của Việt Nam. Trong bối cảnh các thị trường truyền thống lớn của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Malaysia đang tăng sản lượng sản xuất trong nước để giảm nhập khẩu từ các quốc gia khác, thì nỗ lực đa dạng chủng loại gạo vào thị trường Singapore là một tín hiệu đáng mừng trong khâu mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Bên cạnh các quốc gia mới trong khu vực châu Á, thì Âu Mỹ cũng là khối thị trường đang được các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn tập trung khai thác. Khu vực Âu Mỹ mặc dù không phải là thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm của Việt Nam, nhưng nhóm thị trường này này hứa hẹn mang đến nhiều tiềm năng trong tương lai bởi nhu cầu của người tiêu dùng tương đối ổn định, trong khi đó thị phần của Việt Nam mới chỉ chiếm một phần nhỏ và còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Ngoài ra, với những ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký như EVFTA, UKVFTA và CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng lợi thế cạnh tranh so với nhiều đối thủ lớn khác không được hưởng ưu đãi này như Ấn Độ hay Thái Lan. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có khả năng xuất khẩu qua các kênh thương mại điện tử. Điều này góp phần giúp gạo Việt Nam phát triển một cách năng động và hiệu quả hơn tại nhiều thị trường trong khu vực châu Âu và châu Mỹ.

 

Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.739.455