VITIC
Xuất nhập khẩu

Năm 2023, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam

22/01/2024 09:30

- Xem thêm xuất nhập khẩu Nông sản tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Rau quả tại đây;
- Xem thêm xuất nhập khẩu mặt hàng Gạo tại đây;

- Xem thêm thị trường logistics và quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam và thế giới năm 2023: diễn biến và dự báo tại đây;



Với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 171,84 tỷ USD, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023.
 
Chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước
 
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2022. Trong đó, có 12 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường Trung Quốc là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.
 


Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam

Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 110,64 tỷ USD, giảm hơn 7,3 tỷ USD so với năm 2022. Có tới 17 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.
 
Như vậy, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 171,84 tỷ USD đạt được trong năm 2023, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
 
Với nhóm hàng nông lâm thủy sản, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2023, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU, ASEAN tiếp tục duy trì là 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam.
 
Tuy nhiên, năm vừa qua, trừ thị trường Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng dương, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các thị trường chủ lực đều tăng trưởng âm.
 
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc tăng 17% so với năm 2022 và chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp của nước ta năm 2023.
 
Theo đó, Trung Quốc chính thức vượt Mỹ trở thành khách hàng lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thuỷ sản Việt Nam. Trong năm 2023, Trung Quốc chi tới 12,2 tỷ USD để nhập nông lâm thuỷ sản Việt Nam.
 
Dư địa lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản
 
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 79,63% về lượng và chiếm 78,52% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 1,7 triệu tấn, trị giá 2,27 tỷ USD, tăng 6,6% về lượng, nhưng giảm 4,8% về trị giá so với năm 2022.
 
Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng rau quả, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm 65% tổng trị giá xuất khẩu. Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao là nhờ một số Nghị định thư ký với Trung Quốc trong năm 2022. Do đó, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc năm 2023 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 138,7% so với năm 2022.
 

 
Sầu riêng là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc

Năm 2023, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,52% về lượng và chiếm 90,99% về trị giá trong tổng xuất khẩu của cả nước, đạt 2,7 triệu tấn, trị giá 1,18 tỷ USD, giảm 9,3% về lượng và giảm 7,7% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2023 ở mức 438,9 USD/tấn, tăng 1,7% so với năm 2022.
 
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho hay, Trung Quốc - thị trường 1,4 tỷ dân, với các Nghị định thư được ký kết, cùng với hạ tầng thương mại giúp trao đổi giao thương 2 chiều thuận lợi hơn; việc cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác kiểm dịch động vật, thực vật; nhiều mặt hàng nông sản sắp được ký Nghị định thư,… Việt Nam sẽ có nhưng lợi thế nhất định trong xuất khẩu nông lâm thủy sản trong sang thị trường này trong thời gian tới.
 
“Trung Quốc là thị trường khổng lồ cho nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản chất lượng cao của Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội tăng tốc xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, cần phải chứng minh cho người tiêu dùng quốc gia này thấy được chất lượng vượt trội của nông sản Việt, cùng với đó là độ tin cậy trong buôn bán”, ông Phùng Đức Tiến nói.
 
Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) – nhận định, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc đang điều chỉnh các chính sách nhập khẩu. Theo đó, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, hiện Trung Quốc đang siết chặt quản lý nông lâm thủy sản nhập khẩu. Theo đó, chỉ cho phép nhập khẩu tại cửa khẩu nhất định; đồng thời yêu cầu đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu; tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc; đặt ra các yêu cầu mới về nhãn mác.
 
Thị trường này cũng tăng cường thực thi pháp luật về nhập khẩu hàng hóa, theo đó, Trung Quốc có chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nề nếp. Đồng thời, tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định.
 
Cũng theo ông Tô Ngọc Sơn, Trung Quốc là thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe. Thị trường này đang giảm mức độ phụ thuộc, tiến tới dừng hình thức xuất khẩu tiểu ngạch và đang chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại chính quy; cập nhật những xu hướng thị hiếu mới của thị trường; và hướng tới sản xuất các mặt hàng chất lượng cao; tăng cường tiếp cận vùng. Việc tận dụng hình thức trao đổi cư dân biên giới để buôn bán lớn dẫn đến rủi ro như ùn tắc hàng hóa vào các thời điểm cao điểm.
 
Hiện, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Việc chuyển đổi hoạt động buôn bán tiểu ngạch sang chính ngạch cũng nhằm mục tiêu đưa hoạt động trao đổi cư dân biên giới về đúng bản chất.
 
Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nói chung, nông lâm thủy sản nói riêng sang thị trường Trung Quốc, ông Tô Ngọc Sơn cũng khuyến nghị các doanh nghiệp, cần chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu; nghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc; nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường. Đồng thời, tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc; xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ; khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.
 
 

Nguồn: Báo Công thương Điện tử

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.062.782