Năm 2019: Xuất khẩu hoàn thành mục tiêu, thặng dư thương mại cao kỷ lục
NHỮNG THÔNG TIN ĐÁNG LƯU Ý TRONG TUẦN & DỰ BÁO
I. Kinh tế thế giới
Kinh tế toàn cầu sắp khép lại năm 2019 với hàng loạt những biến động khó lường. Mặc dù vẫn còn đối mặt với nhiều bất ổn, nhưng hai rủi ro lớn nhất của kinh tế toàn cầu trong năm qua là căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc và vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hiện đã xuất hiện những tín hiệu được giải quyết rõ ràng hơn.
Theo đó, thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” giữa Mỹ và Trung Quốc đã hoàn tất vào đầu tháng 12/2019 và đang trải qua khâu rà soát kỹ thuật, dự kiến chính thức được ký kết vào tháng 1/2020. Hiện Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu trở lại nông sản Mỹ với quy mô lớn. Đây được đánh giá là một phần của nỗ lực nhằm chấm dứt căng thẳng thương mại kéo dài nhiều tháng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Cùng với diễn biến tích cực trong quan hệ thương mại với Mỹ, trong tuần qua Trung Quốc thông báo sẽ chính thức giảm thuế nhập khẩu với hơn 850 sản phẩm từ ngày 1/1/2020, không chỉ từ Mỹ mà còn từ nhiều nước khác. Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, thuế nhập khẩu sẽ giảm cho một loạt các sản phẩm ngành chế biến thực phẩm, sản phẩm ngành công nghiệp khai thác và công nghiệp hóa chất, cũng như các sản phẩm liên quan đến dầu mỏ như dầu hỏa hàng không (từ 9% xuống 0%) và nhiên liệu diesel (từ 6% xuống 1%)... Đặc biệt, Trung Quốc sẽ giảm thuế cho thịt lợn đông lạnh nhằm giúp bù đắp thiếu hụt nguồn cung tại nước này do dịch tả lợn châu Phi gây ra. Động thái trên được công bố trong bối cảnh Trung Quốc cần đẩy mạnh nhập khẩu khi kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại và cuộc chiến thương mại với Mỹ chưa chấm dứt. Trung Quốc hiện tăng trưởng với tốc độ chậm nhất gần 30 năm qua và sẽ còn đối mặt với nhiều sức ép trong năm tới. Chính phủ nước này đã cam kết duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý trong năm 2020 và tiếp tục các chính sách thúc đẩy nền kinh tế.
Trong khi đó, kinh tế Mỹ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng vừa phải nhờ sự hỗ trợ của chi tiêu tiêu dùng và thị trường lao động mạnh mẽ. Số liệu điều chỉnh công bố tuần qua cho thấy, tăng trưởng GDP trong quý III/2019 của Mỹ đạt 2,1%, cao hơn so với mức 2% trong quý trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất ổn thương mại kéo dài và kinh tế toàn cầu giảm tốc đồng bộ, kinh tế Mỹ vẫn phải đối măt với hàng loạt rủi ro và nguy cơ suy thoái trong giai đoạn sắp tới. Trong tháng 11/2019, đơn đặt hàng hàng hàng hóa lâu bền của Mỹ đã giảm 2%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 0,2% và mức tăng 1,4% trong tháng trước, cho thấy đầu tư kinh doanh vẫn là lực cản lớn nhất lên tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2019.
Đối với vấn đề Brexit, trong tuần qua Hạ viện Anh đã thông qua Dự luật Thỏa thuận Rút khỏi Liên minh châu Âu (WAB) với 358 phiếu thuận/234 phiếu chống, mở đường để Anh rời EU theo đúng kế hoạch vào cuối tháng 1/2020. Đây được coi là bước tiến dài trong nỗ lực rời khỏi EU của Anh và là thắng lợi bước đầu của Thủ tướng Anh Boris Johnson, người giành được thế đa số nghị viện trong cuộc tổng tuyển cử vào tuần trước với lời hứa sẽ chấm dứt hơn ba năm bế tắc chính trị và đưa Anh ra khỏi EU vào ngày 31/1. Việc rời khỏi EU của Anh vào cuối tháng tới sẽ mở ra một giai đoạn mới của Brexit, khi Anh và EU bước vào quá trình thiết lập các mối quan hệ mới về thương mại, an ninh và một loạt các lĩnh vực khác đến trước cuối năm 2020.
II. Kinh tế trong nước
Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá diễn ra ngày 25/12/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã thông tin tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt trên 7%, cao gấp 2,5 lần mức tăng trưởng của lạm phát (ở mức 2,7- 2,8%) và theo tính toán của Bộ Tài chính, chỉ số lạm phát (CPI) của năm 2019 ước tăng 2,73%, đánh dấu năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng GDP ở mức trên 7% và lạm phát ở mức thấp nhất trong 3 năm gần đây khi năm 2018 là 3,54% và năm 2017 là 3,53%. Với kết quả này, Việt Nam đã có một năm 2019 tương đối thành công về mặt kinh tế, khi duy trì được tăng trưởng bền vững trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt gia tăng và hàng loạt rủi ro vĩ mô nảy sinh trong suốt năm 2019.
Về điều hành chính sách tiền tệ, năm 2019 cũng đánh dấu thêm một năm điều hành chính sách thành công của Ngân hàng Nhà nước khi góp phần kiểm soát lạm phát trong mục tiêu, giữ được tỷ giá ổn định, tín dụng ở mức vừa phải, lãi suất điều chỉnh linh hoạt với tình hình kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế và liên tiếp nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức kỷ lục mới, nhất là trong bối cảnh thị trường toàn cầu năm 2019 chứng kiến nhiều biến động, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có nhiều diễn biến khó lường khiến đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua.
Trong đó, năm 2019 được đánh giá là năm bình lặng nhất của tỷ giá USD/VND trong giai đoạn 2015-2019 và là năm thứ 2 (cùng với năm 2017) chứng kiến sự tăng giá của đồng nội tệ so với đồng USD tại các ngân hàng thương mại trong giai đoạn này nhờ được hỗ trợ nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào. So với các quốc gia trong khu vực thì đồng nội tệ của Việt Nam cũng thuộc nhóm ổn định nhất khi mức biến động thấp hơn rất nhiều so với diễn biến các cặp tỷ giá khác. Tính đến ngày 26/12/2019, tỷ giá USD/VND bán ra tại các ngân hàng thương mại đứng ở mức 23.230 đồng/USD, giảm 0,1% so với thời điểm đầu năm 2019, trong khi tỷ giá trung tâm do NHNN công bố là 23.162 đồng/USD, tăng 1,48% so với đầu năm 2019.
Mọi thông tin Quý độc giả vui lòng liên hệ;
Phòng Thông tin Xuất nhập khẩu
- Địa chỉ: Phòng 603 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
- Điện thoại: 024 3715 2584/ 371525 85/ 3715 2586 Fax: 024 3715 2574
Người liên hệ:
- Mrs Huyền; 0912 077 382 ( thuhuyenvitic@gmail.com)
- Mrs Nhuận; 0982 198 206 (hongnhuan82@gmail.com)
- Mrs Kiều Anh; 0912 253 188 (kieuanhvitic@gmail.com)
Để có thông tin đầy đủ Quý độc giả vui lòng tải mẫu phiếu đăng ký sử dụng bản tin tại đây;
Phòng TTXNK
-
Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, Malaysia vừa kết thúc điều tra và đưa ra quyết định áp thuế chống phá giá đối với thép cuộn cán nguội, thép không hợp kim nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam
-
Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2019 cả nước đã tiêu thụ khoảng 11 - 13 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao phát sinh trong quá trình sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất và phân bón, qua đó góp phần giảm thiểu tác động tới môi trường.
-
Về điều hành chính sách tiền tệ, năm 2019 cũng đánh dấu thêm một năm điều hành chính sách thành công của Ngân hàng Nhà nước khi góp phần kiểm soát lạm phát trong mục tiêu, giữ được tỷ giá ổn định
-
Trong tháng 12/2019, USDA đã đưa ra dự báo mới nhất về cung cầu khô hạt có dầu toàn cầu trong niên vụ 2019/2020. Lượng khô hạt có dầu tồn kho cuối kỳ toàn cầu niên vụ 2019/2020 dự kiến đạt 14,5 triệu tấn