VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Năm 2019, nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá

17/02/2020 11:01

NHỮNG THÔNG TIN ĐÁNG LƯU Ý TRONG TUẦN & DỰ BÁO

TRONG NƯỚC:
Năm 2019, ngành nông nghiệp Việt Nam đã chủ động rà soát, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, cơ cấu sản xuất phù hợp, dựa trên lợi thế, thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với ngành Công Thương, công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản được chú trọng, kịp thời giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm đối với các thị trường tiềm năng. Tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, doanh nghiệp phát triển mạnh, trở thành động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu lại ngành nông nghiệp; hình thành các chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ba trục sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm.  Chủ động, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đã đạt hiệu quả tích cực rõ rệt. Hạ tầng nông nghiệp được củng cố; công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước chủ động ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm trước 1,5 năm.

Năm 2019, nông nghiệp nước ta hội nhập sâu hơn, đồng thời đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xâm nhiễm và lan rộng trên cả nước, gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi; tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, sạt lở, xâm nhập mặn mức độ nghiêm trọng hơn; tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, làm cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản chủ lực luôn đứng trước những rủi ro, nhiều quy định mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn...

Đối với chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do bệnh DTLCP làm giảm đáng kể số đầu con và sản lượng so với 2018; sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018 (bao gồm giảm khoảng 9% do thiệt hại bị bệnh DTLCP và gián tiếp do chưa tái đàn). Hiện nay, theo số liệu của Cục Thú y, tổng đầu lợn còn khoảng 25 triệu con, trong đó đàn nái là 2,7 triệu con; các doanh nghiệp tập trung nhiều nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện còn khoảng 109.000 con (90%) chưa bị dịch bệnh; do đó cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn. Nhiều địa phương đã chỉ đạo nuôi tái đàn lợn có kết quả tốt như Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai,... Cả nước đã có 860 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh và hàng chục doanh nghiệp chăn nuôi lớn bảo đảm an toàn sinh học nên lợn không mắc bệnh DTLCP.

Năm 2019, nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, theo đó ước tính tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,2%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 54%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 41,85%.   
Trong năm 2020, mục tiêu của ngành là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Chỉ tiêu cơ bản của ngành nông nghiệp là: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8 - 3%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9 - 3,05%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng 42%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%...

Đúng như dự báo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, trong năm 2019, lượng nhập khẩu TACN&NL về Việt Nam tăng nhẹ, đạt 9,9 triệu tấn, trị giá 3,6 tỷ USD, tăng 1,9% về lượng nhưng giảm 7,7% về trị giá so với năm 2018. Lượng nhập khẩu TACN&NL về Việt Nam trong năm 2020 dự báo tăng nhẹ so với năm 2019 do nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi cho lợn và thức ăn thủy sản trong nước tăng.

  • Giá nhập khẩu trung bình nhiều mặt hàng TACN&NL trong năm 2019 giảm so với năm 2018 như giá nhập khẩu khô đậu tương, khô dầu cọ, khô hạt cải, DDGS, bột cá, bột thịt xương, bột gia cầm, bột gluten ngô... Bên cạnh đó, giá nhập khẩu một số chủng loại TACN&NL trong năm 2019 tăng so với năm 2018 như giá nhập khẩu mặt hàng cám mỳ, cám gạo, cám ngô, khô dầu dừa, khô dầu lạc...

  • Trong năm 2019, lượng nhập khẩu một số khô hạt có dầu chính trong năm 2019 tăng so với năm 2018 như nhập khẩu khô đậu tương đạt 4,93 triệu tấn, tăng 0,7% so với năm 2018. Lượng nhập khẩu khô dầu cọ đạt 527,1 nghìn tấn, tăng 34% so với năm 2018.

  • Trong năm 2019, lượng nhập khẩu một số mặt hàng chính trong nhóm bột protein thực vật tăng so với năm 2018 như như nhập khẩu DDGS đạt 1,34 triệu tấn, tăng 14,1% so với năm 2018. Lượng nhập khẩu mặt hàng cám mỳ trong năm 2019 tăng nhẹ so với năm 2018, đạt 570,7 nghìn tấn.

  • Trong tháng 12/2019, lượng nhập khẩu đậu tương về Việt Nam đạt 177,6 nghìn tấn, trị giá 73,2 triệu USD, tăng 54,7% về lượng và tăng 57,4% về trị giá so với tháng trước, tăng 50,3% về lượng và 52,4% về trị giá so với tháng 12/2018. Trong năm 2019, lượng nhập khẩu đậu tương đạt trên 1,7 triệu tấn, trị giá 681,2 triệu USD, giảm 6,5% về lượng và giảm 12% về trị giá so với năm 2018. Lượng nhập khẩu đậu tương về Việt Nam trong năm 2020 dự kiến tăng so với năm 2020 do nhu cầu tiêu thụ trong nước cho ngành chăn nuôi tăng.

  • Trong tháng 12/2019, nhập khẩu phân bón về Việt Nam đạt 363,3 nghìn tấn với trị giá đạt 107,7 triệu USD, tăng 25,2% về lượng và tăng 50,5% về trị giá so với tháng 11/2019, giảm 22,3% về lượng và giảm 20,7% về trị giá so với tháng 12/2018. Tổng lượng phân bón nhập khẩu trong năm 2019, đạt 3,74 triệu tấn với trị giá đạt 1,03 tỷ USD, giảm 11,6% về lượng và giảm 13,9% về trị giá so với năm 2018.

Thế giới:
Giá đậu tương thời điểm giữa tháng 01/2020 tại thị trường Mỹ tăng nhưng giảm nhẹ tại Nam Mỹ so với với giữa tháng 12/2019. Trong tháng 01/2020, USDA đã đưa ra dự báo mới nhất về cung cầu đậu tương toàn cầu trong niên vụ 2019/2020. Lượng đậu tương tồn kho cuối kỳ toàn cầu niên vụ 2019/2020 dự kiến đạt 96,7 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn so với dự báo trước và giảm 13,6 triệu tấn so với niên vụ 2018/2019. Lượng xuất khẩu đậu tương của Braxin vụ 2019/2020 dự kiến đạt 76 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với niên vụ trước. Braxin là nước xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới trong những năm gần đây.

Theo số liệu của Hiệp hội ép dầu Ấn Độ, lượng bã hạt có dầu xuất khẩu của nước này trong tháng 12/2019 giảm 8% so với tháng trước và giảm 79% so với tháng 12/2018, đạt 324,9 nghìn tấn. Lượng xuất khẩu khô hạt có dầu từ tháng 04- 12/2019 của niên vụ 2019/2020 đạt 2,41 triệu tấn, tăng 25% so với niên vụ trước.

Tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại Thái Lan trong năm 2020 được dự báo sẽ làm tổn hại đến sản xuất nông nghiệp ở quốc gia Đông Nam Á này và khiến cho giá các sản phẩm nông nghiệp tăng cao.

Mọi thông tin Quý độc giả vui lòng liên hệ;
Phòng Thông tin Xuất nhập khẩu
- Địa chỉ:               Phòng 603 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
- Điện thoại:          024 3715 2584/ 371525 85/ 3715 2586            Fax: 024 3715 2574
Người liên hệ:      
- Mrs Huyền;         0912 077 382    ( thuhuyenvitic@gmail.com)
- Mrs Nhuận;         0982 198 206    (hongnhuan82@gmail.com)
- Mrs Kiều Anh;     0912 253 188    (kieuanhvitic@gmail.com)

Để có thông tin đầy đủ Quý độc giả vui lòng tải mẫu phiếu đăng ký sử dụng bản tin tại đây; 

Phòng TTXNK

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.112.510