Mỹ cấp “visa” cho quả dừa Việt Nam
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Mỹ đã chính thức mở cửa thị trường đối với quả dừa của Việt Nam. Các DN xuất khẩu dừa của Việt Nam có thể tiến hành xuất khẩu ngay lập tức.
Việt Nam có thể xuất khẩu dừa sọ sang Mỹ "ngay lập tức". (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết vừa nhận được thông báo của Cục Kiểm dịch thực vật Mỹ (APHIS).
APHIS thông tin, ngày 7/8/2023, cơ quan này đã hoàn tất việc cập nhật cơ sở dữ liệu trực tuyến "Yêu cầu nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp (ACIR)" để phê duyệt việc nhập khẩu dừa non Việt Nam, đã tách ít nhất 75% (3/4) phần xơ dừa và loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ xanh bên ngoài.
APHIS khẳng định, các nhà sản xuất Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sọ sang Mỹ ngay lập tức. Vì APHIS đã phân loại dừa đã tách một phần vỏ là sản phẩm đã qua chế biến nên yêu cầu kiểm dịch thực vật duy nhất đối với các lô hàng sẽ chỉ diễn ra tại các cảng nhập cảnh của Mỹ.
“Chúng tôi đã thông báo nội dung cập nhật này cho các quan chức của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ để tránh bất kỳ sự chậm trễ nào của lô hàng tại các cảng nhập cảnh Mỹ”, thư của APHIS thông tin.
Theo Cục Kiểm dịch thực vật Mỹ, cơ quan này cũng đã tiến hành song song việc lên kế hoạch cho những bước tiếp theo trong tiến trình tiếp cận thị trường và công tác phân tích nội bộ để đánh giá mặt hàng này. Kết quả đánh giá cho thấy, quả dừa sọ Việt Nam đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ về sản phẩm chế biến và có rủi ro lây lan dịch hại thực vật không đáng kể.
Trước đó, phía Mỹ đã gửi kết quả phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi của Việt Nam. Theo đó, 43 loài dịch hại trên cây dừa được xác định, nhưng không loài nào có khả năng đi theo dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ.
Vì vậy, yêu cầu kiểm dịch thực vật duy nhất đối với các lô hàng sẽ chỉ diễn ra tại các cảng nhập khẩu của Mỹ. Phía Mỹ cũng không yêu cầu các điều kiện khắt khe khác như mã số vùng trồng hay chứng nhận quy trình sản xuất...
Việt Nam thuộc top 10 nước trồng dừa lớn nhất thế giới, hiện có khoảng 200.000 ha dừa, với sản lượng khoảng 2 triệu tấn, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Bến Tre. Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 7 thế giới về sản xuất dừa.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam đạt 900 triệu USD, đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu các sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bên cạnh Mỹ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan xuất khẩu các sản phẩm từ dừa chính ngạch sang Trung Quốc. Việc mở cửa thêm thị trường Mỹ và sắp tới là Trung Quốc sẽ giúp xuất khẩu dừa của Việt Nam sớm cán mốc tỷ USD.
Nguồn: VTV.vn
-
Vài năm trở lại đây, nhãn Sông Mã trở nên nổi tiếng không chỉ bởi cho năng suất cao, mà còn hấp dẫn người ăn bởi vị ngon ngọt, mẫu mã đẹp, được nhiều thương lái thu mua tận nơi
-
Với khí hậu ôn hòa, cây trái quanh năm, từ nhiều năm trước đây, nuôi ong đã trở thành một trong những nghề truyền thống của người dân Tam Đảo. Là sản phẩm OCOP 3 sao
-
Việc được công nhận là sản phẩm OCOP là một trong những tấm “giấy thông hành” hữu hiệu để đưa nông sản Hà Giang ra thị trường. Khi Chương trình được thực hiện,
-
Trước đó, lô hàng 3 tấn vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được Central Retail xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Thái Lan vào ngày 10/7/2023; và đến ngày 12/7/2023, trái vải thiều nổi tiếng của Việt Nam đã chính thức được trưng bày lên quầy kệ của hệ thống siêu thị Tops Food Hall