Mì ăn liền Việt Nam chính thức được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm tại EU
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, ngày 12/6, Ủy ban châu Âu (EC) đã đăng Công báo Quy định số 2024/1662 ký ngày 11/6/2024 về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước thứ 3 vào thi trường EU theo quy định 2019/1973.
Cụ thể, các sản phẩm mì ăn liền (mì, bún, miến, phở dạng khô có gia vị) của Việt Nam được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm tại EU vì đáp ứng các quy định của EU. Quy định này có hiệu lực từ ngày 2/7/2024.
Ảnh minh họa
Bên cạnh mì ăn liền, EU cũng đã điều chỉnh quy định kiểm tra đối với một số sản phẩm nông sản, thực phẩm khác của Việt Nam. Đối với thanh long, tần suất kiểm tra tại biên giới được tăng từ 20% lên 30%.
Mặt hàng ớt được chuyển từ Phụ lục I (kiểm soát 50%) sang Phụ lục II (kiểm soát 50% và kèm theo Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm).
Đậu bắp được giữ nguyên tần suất kiểm tra 50% và kèm theo Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm. Mặt hàng sầu riêng vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra 10%.
Theo ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU, việc mì ăn liền được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm tại EU là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng liên quan và các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu sang EU.
Việc được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm là một bước tiến quan trọng, giúp mì ăn liền Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường EU, vốn có tiềm năng rất lớn với hơn 450 triệu dân. Đây cũng là minh chứng cho sự nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm nông sản.
Việc EU điều chỉnh quy định kiểm tra đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam là một tín hiệu tích cực cho thấy sự tin tưởng của EU vào chất lượng và an toàn thực phẩm của Việt Nam.
Để tận dụng tốt cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU. Các cơ quan chức năng khuyến cáo các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, áp dụng các hệ thống giám sát tiên tiến như HACCP, ISO 22000 ... đồng thời, thường xuyên cập nhật các quy định về an toàn thực phẩm của EU để đảm bảo sản phẩm luôn đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Quang Chiến (VITIC) tổng hợp
-
Ngày 07/06/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Xu hướng thị trường và cơ hội xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào các hệ thống phân phối quốc tế”.
-
Tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, trong 5 tháng đầu năm 2024 cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương (gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước) đồng thời cho thấy kết quả rất khả quan, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế.
-
Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản hàng đầu thế giới, tuy nhiên sự cạnh tranh về mặt hàng nông sản, trái cây cùng loại giữa các nước xuất khẩu ngày đang ngày càng khốc liệt.
-
Những năm qua, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, hoạt động xuất khẩu nói riêng, công tác kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế về kinh tế nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.