Mê-hi-cô giảm thuế chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam trong kết luận cuối cùng
Ngày 24 tháng 02 năm 2023, Cơ quan Thực thi Ngoại thương (UPCI) thuộc Bộ Kinh tế Mê-hi-cô đã ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) với thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam, theo đó mức thuế được điều chỉnh giảm so với kết luận sơ bộ.
Vụ việc được Mê-hi-cô khởi xướng từ cuối tháng 8 năm 2021 dựa trên đơn kiện của ngành sản xuất trong nước. Ngày 14 tháng 9 năm 2022, UPCI đã ban hành kết luận sơ bộ với mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam là 0% - 12,34%. Trong kết luận cuối cùng, UPCI tiếp tục đánh giá ngành thép Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường, do đó, quyết định sử dụng dữ liệu của các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp để tính toán, giúp giảm thuế xuống mức 0% - 10,84%.
Trong suốt quá trình diễn ra vụ việc, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Mê-hi-cô thông qua các kênh khác nhau để bày tỏ quan điểm và đề nghị Mê-hi-cô không sử dụng phương pháp tính toán bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Trong bối cảnh các sản phẩm của Việt Nam đang được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu sang Mê-hi-cô theo cam kết của Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Mê-hi-cô là thị trường xuất khẩu thép mạ mới nhưng rất tiềm năng của Việt Nam và là thị trường chủ lực mặt hàng này ở châu Mỹ. Vì vậy, việc UPCI giảm thuế trong kết luận cuối cùng giúp các doanh nghiệp thép Việt Nam có thể tiếp tục cạnh tranh và xuất khẩu sang Mê-hi-cô. Mức thuế này cũng được đánh giá là tương đối thấp so với mức thuế mà Mê-hi-cô áp dụng với sản phẩm thép nói riêng và các sản phẩm khác nói chung trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá do Mê-hi-cô khởi xướng.
Theo số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế ITC (Trademap.org), trong giai đoạn điều tra (năm 2020), Việt Nam xuất khẩu khoảng 170 triệu đô-la Mỹ sản phẩm bị điều tra sang Mê-hi-cô. Năm 2021, trị giá xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 2 lần lên khoảng 370 triệu đô-la Mỹ.
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chuyên viên phụ trách: Hà Văn Hiếu, Điện thoại: 024.7303.7898 (máy lẻ 110), Email: hieuhv@moit.gov.vn; ngocny@moit.gov.vn.
Nguồn: Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương
-
Thông báo của Cơ quan quản lý Y tế và Phúc lợi Đài Loan (MOWH) công bố sửa đổi Bảng phụ lục 1 Điều 3 Tiêu chuẩn cho phép đối với dư lượng thuốc trừ sâu
-
EU chính thức ban hành Quy định (EU)2023/174 sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc tăng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp quản lý việc đưa một số hàng hóa nhất định
-
Thuỵ Điển và bảy quốc gia khác là Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Luxemburg, Na Uy, Tây Ban Nha, và Áo đã ký thư kêu gọi Uỷ ban châu Âu ấn định thời gian các hoá chất nguy hiểm phải được loại bỏ dần khỏi các sản phẩm tiêu dùng.
-
Nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu là nhãn sinh thái chính thức của tất cả các nước Bắc Âu: Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan. Cơ quan nhãn sinh thái Bắc Âu nỗ lực trong việc giảm tác động môi trường từ sản xuất và tiêu dùng, đồng thời giúp người tiêu dùng và người mua dễ dàng lựa chọn hàng hóa và dịch vụ tốt nhất cho môi trường