Loạt giải pháp nhằm phát triển thị trường gạo trong năm 2024
Ngày 29/2/2024, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức chương trình “Hội nghị giao ban với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” với chủ đề: “Đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường gạo năm 2024”.
Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.
(Ảnh: Lam Anh) - Nguồn: Moit.gov.vn
Theo thông tin từ hội nghị, giữa bối cảnh tình hình thế giới được dự báo vẫn sẽ có nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo nước ta đã có những tín hiệu lạc quan ngay từ những tháng đầu năm. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến thời điểm tháng 1/2024, Việt Nam đã xuất khẩu ra thế giới tổng hơn 512 nghìn tấn gạo, tương đương với mức trị giá đạt 362,26 triệu USD, tăng 7% so với tháng trước đó và tăng 94,14% so với cùng tháng năm trước.
Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế, hiện nay tình hình thương mại gạo toàn cầu đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố như: lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia như Ấn Độ, Nga, UAE; Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều quốc gia… Những yếu tố trên đã gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của các nước trên thế giới cũng như chi phối tâm lý của người mua lẫn người bán. Từ đó dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung, áp lực nhập khẩu gia tăng, đẩy giá thế giới tăng liên tục và giá gạo trong nước theo đó cũng tăng cao trong suốt thời gian vừa qua. Thêm vào đó, các chuyên gia cũng đưa ra dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt.
Trong khuôn khổ hội nghị, các diễn giả, đại biểu tham dự đã đưa ra những đánh giá, nhận định khách quan về cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu gạo Việt Nam. Từ đó đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển thị trường gạo trong năm 2024.
Cụ thể, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam kiến nghị Bộ Công Thương tăng cường công tác thông tin số liệu xuất khẩu để công tác cân đối cung cầu mặt hàng gạo của các bên có liên quan được thuận lợi hơn. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu và khả năng tiến hành xúc tiến thương mại gạo vào các thị trường nhập khẩu. Kịp thời cập nhật thông tin cho hiệp hội và các thương nhân xuất khẩu gạo để phục vụ cho định hướng kinh doanh, xuất khẩu. Đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân về các quy định tại các hiệp định thương mại tự do để tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho gạo Việt Nam.
Ngoài ra, cần nghiên cứu việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận ưu đãi thương mại với một số thị trường xuất khẩu tiềm năng. Tận dụng tiến trình rà soát các hiệp định đã được đưa vào thực thi để đề nghị các đối tác mở cửa thêm, gia tăng hạn ngạch cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Phùng Văn Thành - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines khuyến nghị doanh nghiệp đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không chỉ quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, mà cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình để phục vụ cho số lượng lớn người dân thu nhập trung bình và thấp.
Doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng bạn hàng, tăng cường quan hệ và gìn giữ uy tín trong kinh doanh với các đối tác, bạn hàng, xây dựng các mối quan hệ bạn hàng truyền thống và bền vững.
Ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia – quốc gia nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam dự báo, Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1 vừa qua, trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường tiềm năng này.
Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp
-
Năm 2023, ngành dệt may Việt Nam phải đối diện với khó khăn chưa từng có trong tiền lệ khi lượng đơn hàng giảm mạnh, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm hơn 10% so với năm 2022.
-
Ngày 29/2/2024, UBND tỉnh Bình Phước, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cùng Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) đã tổ chức buổi họp báo công bố kế hoạch tổ chức “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham – Bình Phước năm 2024”.
-
Với mục tiêu tăng trưởng GDP 2024 đạt 6-6,5%, ngay đầu năm Chính phủ, bộ ngành,địa phương đã quyết liệt vào cuộc. Đáng chú ý, khu vực công nghiệp phục hồi mạnh.
-
Ngày 06/02/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 13/CĐ-TTg liên quan đến việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản. Công điện được gửi tới Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Ngoại giao; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và các Hiệp hội ngành hàng nông nghiệp.