Cuộc họp có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ liên quan gồm Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính; các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng trọt; đại diện các địa phương có diện tích gieo cấy lúa lớn trên cả nước; đại diện các Hiệp hội ngành hàng sản xuất, kinh doanh lúa gạo; đại diện một số doanh nghiệp, trong đó có: Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).
Đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ rõ, ngành hàng lúa gạo đóng một vai quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đối với Việt Nam, ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, lúa gạo còn có vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực và thế giới. Thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế đã và đang mang lại nguồn thu giúp cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam, góp phần vào an sinh, ổn định xã hội.
Theo số liệu thống kê, những năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 8,1 triệu tấn, tăng 36,6% so với cùng kỳ - đây là mức cao nhất trong 16 năm qua.
Sản xuất lúa gạo cũng tương đối thuận lợi và ổn định trong năm 2023 và 7 tháng đầu năm 2024 (sản lượng năm 2023 đạt 43,5 triệu tấn thóc, tăng 1,9% so với năm 2022; sản lượng lúa thu hoạch tính đến ngày 15/7/2024 khoảng 25 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ 2023). Năm 2024, sản xuất lúa gạo ước đạt khoảng 43,4 triệu tấn thóc (giảm khoảng 35 nghìn tấn), trong đó tổng khối lượng cho xuất khẩu ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn; xuất khẩu gạo tiếp tục có sự tăng trưởng cao trong 7 tháng đầu năm 2024 khi khối lượng tăng 5,8% (đạt 5,18 triệu tấn) và giá trị tăng đến 25,1% (đạt 3,27 tỷ USD), giá xuất khẩu bình quân đạt 632,2 USD/tấn.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và ngành Công Thương đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện và bổ sung các khung pháp lý, các chính sách thúc đẩy sản xuất và kinh doanh lúa gạo. Điển hình là sự ra đời của các Nghị định: số 109/2010/NĐ-CP ngày 04/11/2010, số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, và các Chiến lược, Đề án của Chính phủ, các bộ ngành cũng đã có nhiều tác động tích cực, góp phần đóng góp vào các kết quả đạt được như bảo đảm an ninh lương thực, bình ổn thị trường nội địa, thúc đẩy sản xuất, chế biến, xuất khẩu; nâng cao vị thế, uy tín cho mặt hàng gạo Việt Nam; củng cố, mở rộng thị trường, tiêu thụ kịp thời hàng hóa với giá có lợi cho nông dân.
“Tuy nhiên, các khung pháp lý hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề cần xem xét, sửa đổi, bổ sung khi chưa tạo ra được những động lực đủ mạnh và một môi trường thuận lợi cho người sản xuất và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; thông tin, số liệu liên quan không đầy đủ, xác thực, kịp thời và không phản ánh đúng thực tế gây khó khăn cho điều hành, quản lý sản xuất, xuất khẩu gạo trong những thời điểm nhạy cảm” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ.
Năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, xung đột quân sự gia tăng... làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng chi phí vận chuyển, giao hàng; nhiều quốc gia thực thi chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước, đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung, ứng phó với tác động tiêu cực của El Nino; sản xuất lúa gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn khiến nguồn cung không ổn định; liên kết tiêu thụ lúa gạo hạn chế; cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ bảo quản, chế biến lúa gạo thiếu, giá vật tư đầu vào tăng cao, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, lạm phát... là những thách thức lớn trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam hiện nay.
Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương có ý tưởng và thống nhất cao việc đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Hội đồng do Phó Thủ tướng làm Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó Chủ tịch thường trực, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Chủ tịch; Ủy viên là đại diện lãnh đạo các bộ, lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, UBND một số tỉnh và một số doanh nghiệp. Hội đồng sẽ đóng vai trò như một diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân cùng nhau bàn bạc, thống nhất đưa ra những quyết sách quan trọng liên quan đến ngành lúa gạo tại những thời điểm và tình huống khác nhau; nâng cao được vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) báo cáo về việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Theo đó, Bộ Công Thương đã dự thảo Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách và hồ sơ liên quan về thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia, Quy chế hoạt động của Hội đồng lúa gạo quốc gia và ngày 01/8/2024, Bộ Công Thương đã gửi kèm công văn số 5017/BCT-XNK xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách.
Trên cơ sở báo cáo của Lãnh đạo đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các bộ ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo đã thảo luận đóng góp ý kiến về Dự thảo các tài liệu về việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia. Các đại biểu đều thống nhất cao việc thành Hội đồng lúa gạo quốc gia là cần thiết trong bối cảnh mới. Đồng thời bàn các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lúa gạo trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động thời gian vừa qua.
Sớm hoàn thiện Dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, ngành lúa gạo không chỉ đóng vai trò nòng cốt đối với an ninh lương thực quốc gia, mà còn là ngành có vai trò tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam. Đây cũng là ngành góp phần làm nên thương hiệu Việt Nam, từ một quốc gia “nhập khẩu lương thực” đi đến “tự chủ nguồn cung”, trở thành một quốc gia cân đối về lương thực, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, và là trong số ít quốc gia được xem là cường quốc xuất khẩu gạo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn nhận định, ngành lúa gạo nước ta vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: sản xuất lúa gạo còn manh mún, công nghệ chưa tiên tiến; thu nhập người nông dân trồng lúa thấp, đời sống của một số bộ phận còn khó khăn; xuất khẩu gạo còn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, chưa đa dạng hoá thị trường gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả xuất khẩu; doanh nghiệp chưa chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, khó khăn trong quá trình giao dịch.
“Mặc dù đã có thương hiệu gạo nhưng chưa sử dụng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; chưa tạo được thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam trong lòng người tiêu dùng nước ngoài”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.
Thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém đó, Bộ trưởng nêu, nguyên nhân chủ yếu nhất là ngành lúa gạo vẫn thiếu một chiến lược, hay nói cách khác là thiếu một chính sách phát triển ổn định, vững chắc, vẫn mang tính tự phát. Đầu tư của nhà nước (cả ngoài nhà nước) cho sản xuất lúa gạo, nhất là gạo xuất khẩu chưa xứng tầm (về giống, khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến). Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu chuyên nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, hoặc không nắm giữ phát triển thị trường, củng cố thương hiệu. Tại một số thị trường khó tính, gạo Việt Nam đã có “chỗ đứng” nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, chức năng, nhưng các doanh nghiệp và sản xuất gạo không duy trì được các thành tựu, tự đánh mất thị trường. Ngoài ra, các thiết chế xã hội liên quan tới quá trình sản xuất xuất khẩu gạo như Hiệp hội lương thực, Hiệp hội lúa gạo… hoạt động chưa hiệu quả; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và công tác kiểm tra giám sát, xử lý chưa tốt…
Trước bối cảnh mới, để hướng đến mục tiêu đa giá trị, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, đa dạng nguồn thu nhập cho người trồng lúa và vùng sản xuất lúa, nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp cho bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, theo Bộ trưởng, rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, ngành hàng trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của các Bộ, đó là Hội đồng lúa gạo quốc gia.
“Trên cơ sở góp ý của các đại biểu, các khuyến nghị tại cuộc họp, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo các tài liệu về việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Hai Bộ cũng mong tiếp tục nhận góp ý của các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời giao cơ quan chức năng của hai Bộ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để Hội đồng lúa gạo quốc gia hoạt động hiệu quả”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Nguồn: Moit.gov
Link nguồn