Lễ hội trái cây Tiền Giang 2024 hứa hẹn mở ra cơ hội xuất khẩu cho nông sản đặc trưng của tỉnh
Từ ngày 10 - 12/6/2024, Lễ hội trái cây Tiền Giang do UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức nhằm tôn vinh các loại trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước; đồng thời đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ các loại trái cây đặc sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Với chủ đề “Cảm xúc miền nhiệt đới”, lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như Hội thảo chuyên đề “Nâng cao năng lực, kỹ năng quảng bá trái cây trên sàn thương mại điện tử”, kết hợp hoạt động livestream bán hàng; Hội thảo “Xây dựng mô hình chuỗi sầu riêng bền vững tại thị trường quốc tế”; Hội thảo “Chia sẻ khoa học dinh dưỡng từ trái cây Việt, giới thiệu các loại hình nghệ thuật ẩm thực, bánh ngọt và pha chế từ trái cây”; “Hội nghị xúc tiến và quảng bá du lịch nông thôn miệt vườn Tiền Giang, công bố bản đồ Du lịch số khám phá vườn trái cây nhiệt đới”; Không gian vườn ẩm thực, Cuộc thi món ngon từ các loại trái cây; Tuần hàng trái cây đặc sản tại một số hệ thống phân phối hiện đại trong cả nước …
Banner giới thiệu Lễ hội (Nguồn: Ban tổ chức) - Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Nhiều hoạt động trưng bày sẽ diễn ra tại Lễ hội như Không gian trưng bày, giới thiệu và thương mại trái cây, các sản phẩm từ trái cây và sản phẩm OCOP các tỉnh thành; kết hợp trưng bày các sản phẩm trái cây và OCOP của các huyện, thành phố, thị xã tỉnh Tiền Giang; Hội chợ Công nghiệp, Thương mại vùng Đồng Bằng sông Cửu Long- Tiền Giang 2024; Lễ khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang và Trung tâm Yến sào Trí Sơn.
Lễ hội trái cây Tiền Giang 2024 là nơi vinh danh các loại trái cây đặc sản địa phương, tôn vinh các nhà vườn tiêu biểu, đồng thời giới thiệu, quảng bá du lịch và sản phẩm trái cây Tiền Giang đến du khách. Lễ hội không chỉ tạo điều kiện kết nối điểm du lịch sinh thái miệt vườn đến với du khách trong và ngoài nước, mà còn góp phần quảng bá trái cây đặc sản của Việt Nam đến người tiêu dùng quốc tế, từ đó gia tăng cơ hội xuất khẩu đến các thị trường lớn.
Hiện nay, Tiền Giang là một trong hai địa phương có diện tích trái cây lớn nhất cả nước với hơn 82.600 ha, đạt sản lượng trên 1,7 triệu tấn/năm. Trong đó có nhiều loại trái cây có giá trị xuất khẩu cao như: Sầu riêng, mít, thanh long, xoài... Tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh đã đươc cấp 389 mã số vùng trồng trái cây xuất khẩu chính ngạch với tổng diện tích gần 25.000 ha và 307 mã số cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu.
Cơ hội quảng bá trái cây Việt Nam mọi miền, đặc biệt là vùng ĐBSCL (Nguồn: Ban tổ chức) - Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Theo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, trong 4 tháng năm 2024, toàn tỉnh đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên 1,86 tỷ USD, tương đương 37,2% kế hoạch, tăng 17% so cùng kỳ; trong đó, việc xuất khẩu nông sản tăng khá ngay từ đầu năm. Nhờ có sự đồng hành của chính quyền địa phương và doanh nghiệp, nhiều "điểm nghẽn" trong xuất khẩu trái cây đã được khơi thông, đưa những thương hiệu trái cây nổi tiếng của địa phương như bưởi da xanh, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc ra thị trường thế giới.
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững trong năm 2024, Tiền Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Đồng thời, đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng, khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động triển lãm, hội chợ, điển hình như tổ chức Lễ hội trái cây 2024 nhằm thu hút sự tham gia của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ngoài ra, chính quyền địa phương sẽ tăng cường hơn nữa công tác chuyển đổi số trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các cam kết trong các Hiệp định FTA đẩy mạnh xuất khẩu.
Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp
-
Trong năm 2024, ngành gạo Việt Nam đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 5 tỷ USD, bảo đảm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đồng thời tập trung khai thác tiềm năng từ các thị trường mới cho xuất khẩu gạo bởi đây là yêu cầu cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu ngày càng gay gắt.
-
Mới đây, tỉnh Bình Thuận vừa phê duyệt Đề án phát triển cây thanh long đến năm 2030. Nội dung Đề án yêu cầu cần phải chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Ngoài ra, phải thay thế vườn thanh long già cỗi, năng suất, chất lượng thấp; phát triển thanh long theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, sinh thái, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường.
-
Tỉnh Kon Tum xây dựng kế hoạch phát triển cây dược liệu, phấn đấu vào năm 2025, định hướng đến 2050, trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước.
-
Bến Tre nỗ lực thực hiện mục tiêu đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dừa phục vụ hoạt động xuất khẩu
Tỉnh Bến Tre xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực (cây dừa) đến năm 2030, nhằm cụ thể hóa Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phù hợp với tình hình thực tế địa phương.