Lạng Sơn: Tăng cường các giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hoá qua tuyến đường sắt
Chiều ngày 23/2/2024, đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì buổi làm việc với Đoàn công tác của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam do ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thanh viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm trưởng đoàn, nhằm trao đổi các nội dung nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua tuyến đường sắt; triển khai hiệu quả Công điện số 13/CĐ-TTg ngày 06/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản.
Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải
Ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) – Đồng Đăng và là ga đặc biệt quan trọng kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Đây là ga liên vận quốc tế nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Theo báo cáo của Ban Quản lý cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, những năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng vẫn diễn ra bình thường, hàng hoá xuất khẩu chủ yếu là quặng sắt, nhôm thỏi, đồ gỗ mỹ nghệ, tinh bột sắn, cây huyết đằng, quả thanh long, da heo khô, chân lợn, chân gà nấu chín…Hàng nhập khẩu chủ yếu là thép các loại, vật liệu chịu lửa, melamin, da lợn, chân gà đông lạnh, chân lợn đông lạnh, hoá chất…
Những năm gần đây, kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này đã có sự tăng trưởng khá mạnh. Cụ thể, năm 2018, tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng đạt 93,8 triệu USD, đến năm 2023 đạt 136 triệu USD. Mặc dù số lượng hàng hoá xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Đồng Đăng có xu hướng tăng nhưng số lượng tăng không đều. Hoạt động vận tải hàng hoá cũng như hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá cũng gặp phải một số hạn chế. Mặc dù xuất nhập khẩu hàng hoá bằng đường sắt có lợi thế như quá trình vận chuyển thông suốt, cước phí vận chuyển thấp hơn so với các loại hình vận chuyển khác. Song nhiều doanh nghiệp vẫn chọn hướng xuất nhập khẩu ở cửa khẩu đường bộ bởi đây là sự lựa chọn truyền thống. Và hơn nữa, cửa khẩu Đồng Đăng cũng chưa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ logistics cho doanh nghiệp.
Trước thực tế đó, tại buổi làm việc lần này, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mong muốn tỉnh Lạng Sơn triển khai một số nội dung để hỗ trợ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khai thác hiệu quả tuyến vận tải đường sắt liên vận quốc tế Việt – Trung. Cụ thể như: tiếp tục làm việc với thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc để thống nhất về chính sách thuế nhập khẩu chính ngạch hàng hóa nông lâm, thủy sản qua tuyến đường sắt nhằm thu hút doanh nghiệp vận chuyển, thực hiện xuất khẩu hàng hóa qua đường sắt; chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND huyện Cao Lộc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để nhà thầu có mặt bằng triển khai dự án Cải tạo mở rộng, nâng cao năng lực Ga Đồng Đăng;…
Cũng tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản thống nhất với những đề xuất, kiến nghị của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì với các sở, ngành liên quan thực hiện tuyên truyền cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tăng cường sử dụng đường sắt để thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn phối hợp với Cục Hải quan tỉnh nghiên cứu, trao đổi với cơ quan chức năng của Quảng Tây, Trung Quốc để xem xét lại mức thuế suất hàng hóa nhập khẩu chính ngạch vận chuyển qua tuyến đường sắt; UBND huyện Cao Lộc chủ động triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để nhà thầu thực hiện thi công dự án cải tạo mở rộng, nâng cao năng lực Ga Đồng Đăng;…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sớm nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng thành tuyến đường sắt tốc độ cao; tiếp tục quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng Ga Đồng Đăng; sớm đầu tư đồng bộ hệ thống toa tàu container chạy đông lạnh để phục vụ vận chuyển hàng nông sản, hoa quả tươi…
Nếu như được đầu tư đúng mực, cửa khẩu Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Đây sẽ là cửa ngõ đặc biệt cho hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và giao thương hàng hoá không chỉ riêng tỉnh Lạng Sơn mà còn giữa khu vực Đông Bắc Việt Nam với Trung Quốc và ngược lại.
Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp
-
Ngày 15/2 cũng là ngày mở hàng với nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Các chợ truyền thống bắt đầu mở cửa kinh doanh trở lại.
-
Không khí mua sắm Tết trong ngày cuối cùng của năm âm lịch 2023 vẫn khá nhộn nhịp, nguồn cung hàng hoá dồi dào, sức mua giảm nhẹ đôi chút so với những ngày trước đó.
-
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ trân trọng mời cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ Thực phẩm & Khách sạn Quốc tế (AAHAR) lần thứ 38 diễn ra từ ngày 7 đến 11 tháng 3 năm 2024 tại Trung tâm Triển lãm Pragati Maidan, thủ đô New Delhi, Ấn Độ.
-
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu; thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu yêu cầu đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.