Kỳ vọng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ sớm đạt mốc 20 tỷ USD
Hiện nay, Ấn Độ là một trong bảy Đối tác Chiến lược toàn diện của Việt Nam. Mối quan hệ truyền thống, hữu nghị được xây dựng qua nhiều năm cũng như những thành tựu quan trọng đã đạt được trong thời gian qua chính là cơ sở để hai quốc gia tăng cường quan hệ hợp tác, đặc biệt là quan hệ thương mại.
Nhìn chung, quan hệ thương mại giữa hai bên đã có nhiều bước phát triển đột phá trong những năm qua. Cơ chế hợp tác cụ thể theo hình thức Ủy ban liên chính phủ và Tiểu ban Thương mại hỗn hợp được luân phiên tổ chức theo định kỳ đã phát huy tác dụng thiết thực, góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.
Ấn Độ được đánh giá là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Nam Á, là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam. Đáng chú ý, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch của Việt Nam với các nước Nam Á khác. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 19 trên thế giới và lớn thứ 5 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ. Để tăng cường hợp tác và tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã được tổ chức hằng năm. Doanh nghiệp hai bên liên tục tổ chức các đoàn đi khảo sát thị trường, tham dự hội chợ, triển lãm, tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, hội thảo tại mỗi nước.
Về đầu tư, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến tháng 4/2024, Ấn Độ có 402 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 1,021 tỷ USD, đứng thứ 26 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của Ấn Độ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch … Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư, Hiệp định Thương mại và Hợp tác Kinh tế, do đó còn rất nhiều dư địa để tăng cường hợp tác đầu tư và thương mại song phương trong thời gian tới.
Nhóm 10 thị trường có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của Ấn Độ trong 11 tháng năm 2023
ĐVT: phần trăm
Nguồn: Trademap
Ấn Độ là một thị trường mới nổi và nhiều tiềm năng tại khu vực châu Á. Trong thời gian qua, người tiêu dùng tại thị trường này đã có nhiều thay đổi trong cách chi tiêu và sử dụng dịch vụ. Họ có xu hướng tìm kiếm sự chất lượng, đa dạng và tiện lợi hơn trong việc mua hàng cũng như đánh giá sản phẩm, đồng thời sẵn sàng đón nhận những dịch vụ mang tính trải nghiệm hơn. Đáng chú ý, người tiêu dùng Ấn Độ hiện này đã có sự nhận thức rõ ràng hơn về các vấn đề xã hội và môi trường phù hợp với giá trị của họ. Do đó, nhiều thương hiệu đang đẩy mạnh việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cao cấp hơn cho người tiêu dùng, từ thực phẩm, đồ uống cho đến thời trang, mỹ phẩm và xe cộ.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ đạt 14,3 tỷ USD, giảm nhẹ 4,66% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD, tăng 6,76% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 5,8 tỷ USD, giảm 17,45%.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 từ năm 2020 đến nay, song kim ngạch thương mại hai chiều nhìn chung vẫn duy trì đà tăng qua các năm, đặc biệt trong năm 2022, kim ngạch đạt 15,1 tỷ USD, mức cao nhất trong giai đoạn 5 năm 2019 – 2023. Hai bên đặt mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 20 tỷ USD trong thời gian tới.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ trong giai đoạn 2019 – 2023
ĐVT: Triệu USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trước đây, thương mại Việt Nam - Ấn Độ chủ yếu phụ thuộc vào việc xuất, nhập khẩu ba mặt hàng chính là thức ăn chăn nuôi, ngô và dược phẩm, trong đó Việt Nam nhập khẩu là chủ yếu; hiện nay cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu đã có nhiều thay đổi lớn, mở rộng sang nhiều mặt hàng khác như sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, thiết bị điện tử, điện thoại di động và linh kiện, máy móc thiết bị, dược phẩm, hóa chất, hàng dệt may, xơ sợi và ô-tô, phù hợp với bối cảnh tình hình mới.
Theo Trading Economics, trong quý IV/2023, tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ tăng 2,10% so với quý III/2023. Một điều đáng chú ý là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn thì nền kinh tế Ấn Độ lại có sự tăng trưởng bứt phá ngoạn mục trong năm 2023.
Theo Reuters, lĩnh vực sản xuất tăng trưởng 11,6% so với cùng kỳ năm 2022; lĩnh vực xây dựng tăng trưởng hơn 9%, trong khi tăng trưởng đầu tư vẫn duy trì ở mức trên 10%; nền kinh tế Ấn Độ đã liên tục tăng trưởng vượt kỳ vọng và được xem là điểm sáng của kinh tế toàn cầu.
Lạm phát bán lẻ hàng năm ở Ấn Độ giảm xuống 4,85% vào tháng 3/2024, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023, từ mức 5,09% trong tháng 2 và so với dự báo là 4,91%. Theo ước tính của Bộ Tài chính Ấn Độ vào cuối tháng 1/2024, nền kinh tế của quốc gia Nam Á này được dự đoán sẽ bùng nổ trong những năm tới, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2028, với GDP đạt 5.000 tỷ USD, vượt qua cả Đức và Nhật Bản.
Để có được những thành tựu nổi bật trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện nhiều cải cách lớn, điển hình như gia tăng đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng và nỗ lực thu hút đầu tư bằng các gói hỗ trợ quy mô lớn; hiện thực hóa tham vọng trở thành trung tâm bán dẫn lớn của thế giới hay đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các công ty trong ngành công nghệ cao …
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ trong giai đoạn 2013 – 2023
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết Ấn Độ có nhiều ngành sản xuất truyền thống, lâu đời, còn Việt Nam là nước ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất rất nhanh và hiệu quả, nên hai nước có lợi thế bổ sung cho nhau. Ấn Độ là nơi sản xuất và cung cấp nguyên vật liệu quan trọng, còn Việt Nam có nhu cầu đa dạng hóa nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Đối với một số ngành chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may, da giày, dược phẩm. thị trường Ấn Độ được xem là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng hàng đầu.
Ấn Độ là một thị trường lớn với dân số khoảng 1,4 tỷ người, nhu cầu thị trường phong phú, đa dạng nằm ở nhiều phân khúc khách hàng … là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường. Tuy nhiên, hợp tác thương mại giữa hai nước vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ còn ít, nguyên nhân là do sự quan tâm của các địa phương, doanh nghiệp về thị trường Ấn Độ còn thấp nên chưa thể thúc đẩy mạnh mẽ tiềm năng của thị trường; thủ tục hành chính, pháp luật kinh doanh của Ấn Độ còn khá phức tạp.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ấn Độ là một trong các quốc gia áp dụng các biện pháp bảo hộ thị trường lớn nhất thế giới, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, điều này đã và đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường.
Trong tháng 3/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 666,8 triệu USD, tăng 6,79% so với tháng trước đó nhưng giảm 9,59% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng ba tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng nhẹ so với 3 tháng đầu năm 2023 là 2,00%, đạt 2,10 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 21,48%); Điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 19,75%) và Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 10,17%).
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Ấn Độ trong tháng 3/2024 và 3 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong tháng 3/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 503,9 triệu USD, tăng 30,36% so với tháng trước đó nhưng giảm 21,76% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng trong ba tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức giảm là 14,30% so với ba tháng đầu năm 2023, đạt 1,4 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 10,63%); Dược phẩm (chiếm tỷ trọng 6,43%) và Kim loại thường khác (chiếm tỷ trọng 6,09%).
Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam từ Ấn Độ trong tháng 3/2024 và 3 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong những năm qua, công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Ấn Độ luôn được các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp chú trọng:
Tháng 8/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã cùng ông Rajesh Agrawal, Phó Tổng thư ký, Bộ Công Thương Ấn Độ chủ trì Kỳ họp lần thứ 5 Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ (Kỳ họp TBTMHH) tại New Delhi, Ấn Độ. Tại cuộc họp, hai bên đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của kim ngạch song phương thời gian qua và nhất trí cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, giao thương. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác thương mại trong các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng hợp tác như nông, thủy sản, dệt may, da giày, dược phẩm, hóa chất, phân bón, máy móc, thiết bị, các sản phẩm hàng tiêu dùng. Trong lĩnh vực đầu tư, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực cùng quan tâm như: (i) công nghiệp nền tảng (ô tô, thực phẩm chế biến, dệt may, vật liệu, điện tử, hoá chất); (ii) phát triển hạ tầng (hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng năng lượng, hạ tầng logistics); (iii) ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử.
Trong năm 2023, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã thực hiện rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại quan trọng:
-
Sự kiện xúc tiến thương mại cho mặt hàng cà phê tại Ấn Độ trong khuôn khổ Hội nghị cà phê quốc tế. Dưới sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Hiệp hội Cà phê, Việt Nam đã tổ chức đoàn doanh nghiệp cà phê với rất nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham dự chương trình này như Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty CP Cà phê Olympic… Trong khuôn khổ chương trình, Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức rất nhiều chương trình quảng bá cà phê Việt Nam như uống thử, giới thiệu các sản phẩm cà phê độc đáo và quảng bá cà phê việt Nam. Kết quả, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã ký bản ghi nhớ với đối tác Ấn Độ để phát triển thương hiệu cà phê L’amant của doanh nghiệp sang thị trường này;
-
Xúc tiến thương mại lĩnh vực nông sản: Ngày 22/02/2023, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với Cục Xúc tiến và tạo thuận lợi đầu tư quốc gia Ấn Độ (Invest India), cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ và Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) tổ chức buổi giao thương kết nối với chủ đề “Cơ hội hợp tác kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ đối với mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến”. Ngoài ra, theo chỉ đạo Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã hỗ trợ nhiều đoàn như đoàn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự hội nghị Bộ trưởng G20 để xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều ngành hàng như thủ công mỹ nghệ, gia vị, nông sản thực phẩm, đồ gỗ… tìm hiểu thông tin về thị trường, nhờ đó xuất khẩu đồ gỗ sang Ấn Độ gia tăng đáng kể.
Tiếp nối kết quả hoạt động xúc tiến thương mại đạt được năm 2023, ngay trong tháng 01/2024, Thương vụ Ấn Độ đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tạo đà cho xuất nhập khẩu Việt Nam - Ấn Độ trong năm 2024:
-
Tham dự Hội nghị đầu tư toàn cầu tại bang Tamil Nadu: Trong thời gian Hội nghị, VinFast và bang Tamil Nadu đã ký kết và công bố hợp tác trong bản ghi nhớ đầu tư (MoU) lên tới 2 tỷ USD, giai đoạn 1 trong 5 năm đầu tiên dự kiến VinFast sẽ đầu tư 500 triệu USD;
-
Quảng bá hàng hóa Việt Nam tại Hội chợ Indusfood 2024: Indusfood là một trong những hội chợ về ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống lớn nhất ở khu vực Nam Á, là hội chợ uy tín được tổ chức thường niên từ năm 2015 dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương Ấn Độ. Trưng bày sản phẩm tại gian hàng Việt Nam có Công ty cổ phần TH True Milk, công ty cổ phần Richy, công ty cổ phần thiết bị Thăng Long, công ty cổ phần thương mại Lipo, công ty Mekong Herbals. Khách tham dự hội chợ thể hiện sự quan tâm lớn đến các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam trưng bày tại Hội chợ.
-
Tổ chức khu gian hàng Việt Nam tại Hội nghị Vibrant Gujarat: Vibrant Gujarat là sự kiện xúc tiến đầu tư của bang Gujarat được tổ chức 2 năm/lần từ năm 2003. Sau 20 năm, qua 10 lần tổ chức, Vibrant Gujarat trở thành 1 trong những sự kiện xúc tiến đầu tư lớn nhất Ấn Độ, luôn có sự tham gia của Thủ tướng Ấn Độ, nguyên thủ quốc gia của nhiều nước và lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Ấn Độ. Việt Nam tham dự Vibrant Gujarat với tư cách là quốc gia đối tác (Partner Countries) và tổ chức khu gian hàng Việt Nam tại triển lãm với diện tích 80m2. Trưng bày tại gian hàng Việt Nam có Công ty Tập đoàn Stavian; Công ty Cổ phần Vietjet, Vietnam Airlines, Viettravel và các doanh nghiệp khác. Một số sản phẩm trái cây Việt Nam, thực phẩm chế biến Việt Nam được trưng bày tại gian hàng.
-
Gặp gỡ đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham dự Triển lãm India Soft: Trong thời gian tham dự Triển lãm tại Ấn Độ, đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với Đại sứ Nguyễn Thanh Hải, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Đại diện VINASA trao đổi về tiềm năng và cơ hội hợp tác lĩnh vực CNTT và phần mềm giữa Việt Nam và Ấn Độ, xác định Ấn Độ là một trong những địa bàn Hiệp hội tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.
Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ đã phục hồi và phát triển tốt sau đại dịch. Với những thành quả đã đạt được cùng nỗ lực chung của hai bên, trong đó có việc phát huy hiệu quả vai trò tiên phong, nòng cốt của doanh nghiệp hai nước, hợp tác thương mại Việt Nam - Ấn Độ kỳ vọng sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, phấn đấu vì mục tiêu kim ngạch song phương sớm đạt mốc 20 tỷ USD, đóng góp cho sự phát triển bền vững của hai nước nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Thông tin chi tiết xem tại đây;
Quang Chiến (VITIC) tổng hợp
-
Ngày 7/5/2024, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu 15 tấn củ sen cấp đông của tỉnh sang thị trường Nhật Bản.
-
Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN&PTNT), khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang thị trường Đài Loan và Astralia, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý một số quy định mới tại các nước này.
-
Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục duy trì ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung hạn chế.
-
ổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 3/2024 đạt 64,54 tỷ USD, tăng mạnh 34,5% so với tháng trước, tương ứng tăng 16,55 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu là 33,66 tỷ USD, tăng 36,4%, tương ứng tăng 8,97 tỷ USD