VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Kinh tế Việt Nam chính thức chuyển sang giai đoạn mới

21/05/2020 10:27

NHỮNG THÔNG TIN ĐÁNG LƯU Ý TRONG TUẦN & DỰ BÁO

I. Kinh tế thế giới
Tuần qua, số ca lây nhiễm mới và tử vong có liên quan đến Covid-19 trên thế giới tiếp tục tăng cao nhưng tốc độ lây lan đã chậm lại đáng kể. Trong đó, Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca tử vong do Covid-19; trong khi tình hình dịch bệnh tại châu Âu đang có xu hướng giảm, nhiều nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại. Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 tại một số nước châu Á có diễn biến phức tạp khi số ca lây nhiễm vẫn ở mức cao như Nhật Bản, Singapore, Indonesia hay Philippin.

Trong bối cảnh này, triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến ảm đạm khi giá dầu vẫn đang ở mức thấp dưới 30 USD/thùng, các thị trường chứng khoán đi xuống, biến động liên tục trên thị trường tiền tệ. Trong khi đó, bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng do chính quyền Mỹ tuyên bố đang xem xét triển khai các biện pháp trừng phạt kinh tế với Trung Quốc, bao gồm áp thuế và chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi nước này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc che giấu sự bùng phát của dịch Covid-19, đồng thời thất bại trong việc ngăn chặn dịch bệnh này lây lan ra toàn thế giới. Diễn biến này có thể sẽ dẫn đến một cuộc chiến thương mại mới, kéo theo những rủi ro không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu dễ bị tổn thương như hiện nay.

Tại Mỹ, theo đánh giá của chính quyền nước này, thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 gây ra đã lớn tới mức chính phủ không thể duy trì lệnh phong tỏa thêm nữa và quyết định sớm mở cửa hoàn toàn nền kinh tế cho dù Mỹ vẫn đang là tâm điểm của dịch bệnh. Hiện đã có khoảng 50% trong số 50 bang của Mỹ đã bắt đầu mở cửa trở lại. Trong lĩnh vực sản xuất, lượng đơn đặt hàng của các nhà máy trong tháng 3/2020 đã giảm 10,3%, giảm mạnh hơn so với mức ước tính giảm 9,8% trước đó do ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch Covid-19. Trong đó, lượng đơn hàng đặt mua hàng hóa lâu bền giảm tới 14,7% và đơn đặt hàng không lâu bền giảm 5,8%. Trong ngắn hạn, các đơn hàng có thể tiếp tục giảm khi các biện pháp phong tỏa vẫn được áp dụng khiến nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh. Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của ngành sản xuất do IHS Markit công bố trong tháng 4/2020 chỉ đứng ở mức 36,9 điểm – mức thấp nhất trong 11 năm kể từ cuộc khảo sát vào đầu năm 2009.

Trong lĩnh vực dịch vụ, hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ đã giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2009 với chỉ số PMI ngành dịch vụ giảm từ 52,5 điểm xuống 41,8 điểm trong tháng 4/2020. Trên thị trường lao động, báo cáo việc làm ADP trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ cho thấy, các doanh nghiệp nước này đã cắt giảm 20,2 triệu việc làm vào tháng 4/2020 khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng nhằm kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Đây là mức cao kỷ lục của chỉ số này kể từ năm 2002 – thời điểm bắt đầu thống kê báo cáo việc làm của ADP đến nay, cao hơn nhiều so với mức 835 nghìn việc làm bị cắt giảm trong giai đoạn Đại suy thoái vào tháng 2/2009.

Tại châu Âu, kinh tế toàn châu lục đang chịu tổn hại nặng nề bởi dịch Covid-19 khi tất cả các quốc gia đều ghi nhận sự sụt giảm kỷ lục trong các lĩnh vực cơ bản. Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của khu vực Eurozone theo tính toán của IHS Markit đã giảm mạnh từ 44,5 điểm của tháng 3/2020 về 33,4 điểm trong tháng 4/2020, đánh dấu mức thấp kỷ lục của chỉ số này kể từ khi bắt đầu thống kê đến nay trước tác động của việc đóng cửa hoạt động các nhà máy trên phạm vi rộng, nhu cầu sụt giảm mạnh và sự thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ cũng giảm rất mạnh xuống mức thấp kỷ lục 12 điểm, thấp hơn rất nhiều so với mức 26,4 điểm trong tháng trước đó. Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu (EC), châu Âu đang đối mặt với một cú sốc kinh tế lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930. EC cũng dự báo, kinh tế Eurozone sẽ giảm tới 7,7% trong năm 2020 do hậu quả của đại dịch Covid-19 và sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 6,3% năm 2021. Trong khi đó, kinh tế của châu Âu sẽ suy giảm 6,5% trong năm 2020 và phục hồi 5,9% vào năm 2021. 

II. Kinh tế trong nước
Trong khi đó, kinh tế trong nước đã chính thức chuyển sang giai đoạn mới, nới lỏng những quy định khắt khe về phòng chống dịch và giãn cách xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 đang từng bước được đẩy lùi, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng. Điều này có được là nhờ Chính phủ triển khai các biện pháp mạnh để tận dụng “thời gian vàng” chống dịch và chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 thời gian qua cùng với việc triển khai những biện pháp mạnh của Chính phủ đã ảnh hưởng rõ nét lên hoạt động sản xuất của Việt Nam. Theo đó, cùng với sự sụt giảm mạnh của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất cũng đã giảm mạnh từ 41,9 điểm trong tháng 3/2020 xuống chỉ còn 32,7 điểm trong tháng 4/2020 – đánh dấu tháng giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ khi bắt đầu khảo sát từ tháng 3/2011 đến nay. Mức giảm kỷ lục được ghi nhận ở sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng khi các công ty phải ngừng hoạt động và hủy các đơn đặt hàng. Trong khi đó, tâm lý kinh doanh đã chuyển thành tiêu cực lần đầu tiên kể từ khi hoạt động khảo sát bắt đầu. 

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn có những điểm sáng đáng chú ý, đó là vốn đầu tư thực hiện 4 tháng đầu năm 2020 từ ngân sách nhà nước tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2019; xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó xuất khẩu tăng 4,7%; nhập khẩu tăng 2,1%), xuất siêu đạt trên 3 tỷ USD.
Trong bối cảnh Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, trong phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020 được tổ chức vào ngày 5/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải đạt được “mục tiêu kép” trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống và tăng trưởng. Thủ tướng nêu rõ, phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, chứ không phải như dự báo của IMF là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7%. Kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn như vậy, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa là 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này.

Như vậy, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước cùng đồng hành, chung sức, phối hợp chặt chẽ quyết liệt phòng chống dịch; đồng thời quyết tâm cao độ để vượt qua khó khăn trên các lĩnh vực do dịch bệnh gây ra; phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian có dịch và thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh sau dịch. Trong đó, các địa phương, cơ quan Trung ương phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để giải ngân 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch được giao và các nguồn vốn từ các năm trước chuyển sang.

Để có thông tin chi tiết của bản tin Quý độc giả vui lòng liên hệ;
Phòng Thông tin Xuất nhập khẩu

- Địa chỉ:               Phòng 603 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
- Điện thoại:          024 3715 2584/ 371525 85/ 3715 2586            Fax: 024 3715 2574
Người liên hệ:      
- Mrs Huyền;         0912 077 382    ( thuhuyenvitic@gmail.com)
- Mrs Nhuận;         0982 198 206    (hongnhuan82@gmail.com)
- Mrs Kiều Anh;     0912 253 188    (kieuanhvitic@gmail.com)

Để có thông tin đầy đủ Quý độc giả vui lòng tải mẫu phiếu đăng ký sử dụng bản tin tại đây; 

Phòng TTXNK

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.997.439