VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Không được chủ quan dù CPI 6 tháng tăng thấp

30/06/2021 11:12

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020, đây là mức tăng bình quân thấp nhất từ năm 2016 đến nay. Song theo Tổng cục Thống kê, áp lực lạm phát 6 tháng cuối năm vẫn rất lớn.

CPI bình quân 6 tháng tăng thấp nhất kể từ 2016

Tổng cục Thống kê vừa công bố CPI tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2021, theo đó CPI tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với tháng 6/2020. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Cụ thể, CPI 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước giai đoạn 2016-2020 tăng lần lượt là: 1,72%; 4,15%; 3,29%; 2,64% và 4,19%.


CPI 6 tháng đầu năm tăng 1,47%

Theo bà Nguyễn Thu Oanh – Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê): Những nguyên nhân chủ yếu làm CPI 6 tháng đầu năm tăng là: Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 10 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 4.440 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 4.250 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.740 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá săng dầu trong nước bình quân 6 tháng đầu năm tăng 17,01%, làm CPI chung tăng 0,61 điểm phần trăm.

Cùng với đó, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. 6 tháng đầu năm, giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng 4 đợt và giảm 2 đợt, bình quân 6 tháng giá gas tăng 16,51% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm. Giá dịch vụ giáo dục 6 tháng tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước, (làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ.

“Nguyên nhân làm giảm CPI trong 6 tháng đầu năm là do các mặt hàng thực phẩm 6 tháng đầu năm giảm 0,39% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm. Trong đó, giá thịt lợn giảm 4,15%, giá thịt gà giảm 2,04%” – bà Nguyễn Thu Oanh cho biết thêm.

Cùng với đó, việc Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II (bắt đầu giảm từ tháng 5/2020) và quý IV/2020 (được thực hiện vào tháng 1/2021). Theo đó, giá điện sinh hoạt bình quân 6 tháng đầu năm 2021 giảm 3,06% so với cùng kỳ 2020, tác động làm CPI giảm 0,1 điểm phần trăm…

Không chủ quan với lạm phát

Cũng theo bà Nguyễn Thu Oanh, CPI 6 tháng đầu năm tăng 1,47%, thấp nhất so với cùng kỳ kể từ 2016 đến nay, đây là điều kiện thuận lợi, tạo dư địa để Việt Nam để kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu khoảng 4% theo yêu cầu của Quốc hội, tuy nhiên cũng không nên chủ quan. Vì CPI đang có xu hướng tăng dần, cụ thể CPI tháng 1/2021 giảm 0,97% nhưng tính chung quý I/2021 đã tăng 0,29% so với cùng kỳ năm trước và quý II tiếp tục tăng 2,67% so với quý II năm 2020. Theo đó, áp lực lạm phát sẽ theo xu hướng tăng dần cho đến cuối năm, đặc biệt khi giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào trên thế giới cũng như giá sản xuất trong nước hiện nay đang tăng cao. 6 tháng đầu năm nay, chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất đã tăng hơn 4,7%, đây là mức tăng của 6 tháng cao nhất kể từ năm 2013, điều này cũng tạo áp lực lên lạm phát những tháng cuối năm.

Để giảm áp lực lạm phát năm 2021 và kiểm soát bền vững lạm phát năm 2022, Tổng cục Thống kê kiến nghị: Các bộ, ngành, địa phương nên chủ động thực hiện những giải pháp đảm bảo cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường giá cả, nhất là những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Cụ thể, đối với mặt hàng xăng dầu thời gian qua có diễn biến nhanh, giá dầu thô bình quân 6 tháng đầu năm đã đạt 65 USD 1 thùng, tăng 29,5% so với tháng 1/2020, tăng 68,4% so với cùng kỳ năm 2020. Giá dầu thế giới tăng nhanh đã tác động đến giá dầu trong nước, khiến từ đầu năm đến nay đã điều chỉnh 10 lần và 6 tháng đầu năm đã tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, tác động vào CPI 6 tháng là tăng 0,61 điểm phần trăm. Trong khi đó, Việt Nam lại là nước nhập khẩu nhiều xăng dầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước, nên giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân, đồng thời tác động đến giá cả của nhiều mặt hàng khác.

Đặc biệt theo bà Nguyễn Thu Oanh, hiện giá dầu giao dịch trên thế giới 75 USD/ thùng, nếu bình quân 6 tháng cuối năm giá dầu cũng ở mức 75 USD/ thùng thì cả năm 2021 sẽ tăng 70% so với 2020, như vậy có thể tác động đến giá xăng dầu trong nước. Vì vậy, đối với mặt hàng xăng dầu, Tổng cục Thống kê kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp Quỹ bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đối với CPI chung của nền kinh tế.

Tổng cục Thống kê nhận định, áp lực lên lạm phát những tháng cuối năm vẫn rất lớn. Nhất là trong bối cảnh nhiều mặt hàng nguyên, nhiên liệu trên thế giới đang tăng mạnh và tác động đến giá cả nhiều mặt hàng trong nước.
 

Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.121.557