VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu trong mọi hoàn cảnh

26/07/2021 09:37

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành Công Thương và Nông nghiệp chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện với yêu cầu, phương châm trong mọi hoàn cảnh không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, nhất là dân trong vùng dịch.

Huy động nguồn lực phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại

Thảo luận ở hội trường Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước chiều ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.Hải Phòng cho biết, mục tiêu phát triển công nghiệp của nước ta phải phát triển hài hoà theo cả chiều rộng, chiều sâu, trong đó chú trọng chiều sâu để tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, và sức cạnh tranh; giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm công nghiệp, khai thác triệt để trình tự của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và lợi thế thương mại khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

“Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ đánh giá kỹ hơn kết quả thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong những năm qua, để từ đó có chủ trương, chính sách đủ mạnh, đồng bộ và khả thi để phát triển ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hoá chất, cơ khí chế tạo, chế biến và điện tử” – Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội trường

Để hoàn thiện thể chế đảm bảo công nghiệp, thương mại phát triển đúng hướng, khả thi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trước mắt là sửa đổi, bổ sung những cơ chế chính sách còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo để giải phóng được sức phát triển công nghiệp của cả khu vực nhà nước và tư nhân.

Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm trung gian, tăng phân cấp, chú trọng hậu kiểm; quyết liệt hơn trong việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chống tham nhũng, tiêu cực trong tham mưu xây dựng cơ chế chính sách.

"Đối với các dự án chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài từ nhiều năm trước, kiên trì, kiên quyết đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết theo hướng khẩn trương, định giá đúng, giải quyết dứt điểm, đúng luật" - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Về phát triển hạ tầng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng công nghiệp thương mại, nhất là giao thông của các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bộ sẽ cùng các bộ ngành và các địa phương, tham mưu chính phủ sớm ban hành chính sách thu hút nguồn lực trong dân, đa dạng hoá nguồn lực đầu tư, hình thức quản lý như kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và một số địa phương đã thí điểm trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, tập trung cao cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu lao động có trình độ tay nghề cao cho các dự án đầu tư lớn của các doanh nghiệp nước ngoài, sẵn sàng đón làn sóng chuyển dịch đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam sau Covid-19. Tương tự, tham mưu Chính phủ khẩn trương đánh giá lại hiệu quả đầu tư, và các chính sách đầu tư FDI vào nước ta trong giai đoạn qua, từ đó có chính sách phù hợp hơn, tăng tính ràng buộc hơn đối với các doanh nghiệp FDI.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ đánh giá lại những hạn chế yếu kém trong hội nhập kinh tế quốc tế để có những cơ chế chính sách phù hợp, rà soát bổ sung chính sách đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời có cơ chế chính sách đối với những doanh nghiệp lớn, để các doanh nghiệp này đủ sức hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, về lĩnh vực năng lượng, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch điện, năng lượng, khoáng sản và hạ tầng thương mại từ năm 2030 đến năm 2045. Đồng thời tham mưu Chính phủ chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, kiên quyết tạo điều kiện cho công nghiệp và thương mại nước nhà phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm: "Bộ sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thiện chiến lược phát triển ngành Công Thương ở các địa phương dựa trên tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, từ đó đề nghị để được tích hợp vào trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia trong thời gian tới".

Về vấn đề cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin: Thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19, chúng ta phải triển khai hai việc: Thứ nhất, truy vết, khoanh vùng cách ly điều trị bệnh nhân - nhiệm vụ này thuộc trách nhiệm chính của Bộ Y tế.

Thứ hai, là nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu, đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc và vật tư y tế, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Công Thương và Nông nghiệp chủ trì phối hợp với các, ngành địa phương thực hiện với yêu cầu, phương châm trong mọi hoàn cảnh không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, nhất là dân trong vùng dịch.

“Thực hiện chỉ đạo này, ngay từ khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Bộ Công Thương đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bàn kế hoạch hợp tác trong sản xuất cung ứng hàng hóa, phân định rạch ròi nhiệm vụ của mỗi ngành, đồng thời, lập tổ công tác tiền phương để cung ứng hàng hóa cho TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.

Theo đó, Ban chỉ đạo tổ công tác có ba nhiệm vụ chính gồm: Cùng với chính quyền, Sở Công Thương địa phương đánh giá khả năng cung ứng tại chỗ, xác định nhu cầu hàng hóa cần cung ứng trong tình huống phải thực hiện theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16; khẩn trương kết nối cung cầu giữa các địa phương với các nhà sản xuất, nhà phân phối theo cơ chế thị trường; sẵn sàng làm nhiệm vụ điều phối hàng hóa cho các địa phương thiếu cục bộ. Trong thời gian thực hiện các nhiệm vụ này, đều phải có báo cáo hàng ngày cho lãnh đạo Bộ để chỉ đạo kịp thời.

Tuy nhiên, do tính chất thời điểm của làn sóng dịch thứ 4, với biến chủng delta ít triệu chứng, lây lan nhanh, mặc dù các địa phương đã cảnh giác cao, có kinh nghiệm của đợt giãn cách trước, nhưng vẫn bị động, lúng túng. Vì thế, khâu chống dịch cũng như cung ứng hàng hóa thiết yếu cho dân còn giai đoạn đầu gặp khó khăn, thiếu hàng hóa cục bộ.

“Ngay sau khi có chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia và rút kinh nghiệm trong sự phối hợp giữa các ngành, thì tình hình cung ứng, lưu thông phân phối hàng hóa thiết yếu đã được cải thiện, cơ bản không còn hiện tượng thiếu hàng, người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ, giá cả tương đối ổn định” - người đứng đầu ngành Công Thương cho hay.

Trước tình hình dự báo dịch có thể còn tiếp tục bùng phát, kéo dài ở các địa phương, thậm chí lan sang các địa phương khác, thời gian và phạm vi thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 có thể còn kéo dài, gây khó khăn lớn cho chuỗi sản xuất, cung ứng và phân phối, lưu thông các hàng hóa thiết yếu và đứt gãy cả nguồn cung cấp lao động cho ngành hàng này…

Do đó, Bộ Công Thương đề nghị ngành Nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhất là đồ tươi sống, rau củ quả ở cả địa phương có dịch và những vùng đệm cũng như cả nước để sẵn sàng cung ứng. Đồng thời, các ngành giao thông, công an, y tế, chính quyền các địa phương, nhất là các địa phương trong vùng dịch thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không đặt ra những điều kiện khác và áp dụng máy móc các quy định.

Ngoài ra, các địa phương trong vùng cần tiếp tục rà soát và khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp phân phối hàng thiết yếu để dự trữ hàng hóa trên địa bàn từ 10-15 ngày, tương ứng với thời gian giãn cách; chấn chỉnh mạnh mẽ khâu phân phối thông qua siêu thị, chợ truyền thống, chợ dân sinh và các chợ đầu mối; phát triển các mô hình thương mại điện tử…

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng từ giờ đến cuối năm

Giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho biết: Ngành Y tế cùng người dân cả nước và cả hệ thống chính trị đã và đang nỗ lực, quyết tâm, chủ động ứng phó để sớm khống chế và đẩy lùi dịch Covid-19, một đại dịch chưa từng có trong tiền lệ.

Đại dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp gây ra những tổn thất về sức khỏe, tính mạng và kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ cuối tháng tư, đã tấn công vào khu kinh tế trọng tâm phía Bắc và hiện nay là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; diễn biến dịch phức tạp, có thể kéo dài tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân.

Kế thừa kết quả, kinh nghiệm phòng chống dịch trước đây, trong giai đoạn dịch thứ tư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, huy động toàn hệ thống chính trị, huy động mọi người dân, với phương châm xuyên suốt của Chủ tịch nước là “chống dịch như chống giặc”.


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

“Dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, chuẩn bị các kịch bản ứng phó với các tình huống; áp dụng các phương pháp xét nghiệm và thực hiện giãn cách, cách ly phù hợp; thực hiện truy vết thần tốc, phát huy vai trò của các tổ covid dựa vào cộng đồng” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay.

Bên cạnh đó, chủ động thiết lập bệnh viện dã chiến kịp thời; áp dụng mô hình tháp 3 tầng trong quản lý, chăm sóc người nhiễm; siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp… Bộ Y tế đã điều động gần 7.000 nhân lực của Trung ương và địa phương chi viện cho TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, thiết lập kho dã chiến dể hỗ trợ các địa phương khi vượt quá khả năng. “Về tổng thể các địa phương đang nỗ lực cố gắng kiểm soát sớm tình hình và có những tín hiệu tích cực, khả quan” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Về chiến lược vắc xin, thực hiện kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, từ đầu năm 2020, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt chiến lược vắc xin trên toàn diện các lĩnh vực: Mua, nhập khẩu vắc xin, nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước và tổ chức tiêm vắc xin. Thỏa thuận cung ứng vắc xin đầu tiên được ký kết vào tháng 9/2020 từ Covax với 38,9 triệu liều; tiếp đó, hợp đồng được ký với AstraZeneca với 30 triệu liều. Ngoài ra, các hợp đồng cam kết thỏa thuận được ký kết với Pfizer, với Nga và một số nước khác.

Nỗ lực tiếp cận và ngoại giao vắc xin được thúc đẩy mạnh mẽ với hàng loạt cuộc đàm phán trao đổi trong các cuộc gặp song phương, đa phương của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và đã có nhiều kết quả khả quan. “Đến thời điểm hiện nay chúng ta đã có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều, đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều trong năm 2021” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.

Đặc biệt, nhờ nỗ lực thúc đẩy và ngoại giao vắc xin, riêng trong tháng 7 sẽ có khoảng hơn 12 triệu liều được chuyển cho các địa phương đang có dịch; các tỉnh, thành phố là đầu tầu kinh tế; các tỉnh khác để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. “Chiến dịch tiêm chủng đã được khởi động và hiện đang đẩy nhanh tiến độ từ giờ đến cuối năm” - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Ngoài ra, về nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ vắc xin, vào quý I/2021, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập, nuôi cấy vi rút mở đường cho nghiên cứu vắc xin; là quốc gia đầu tiên trong Đông Nam Á, tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3. Đến tháng 8/2021, mũi tiêm thứ 2 sẽ hoàn thành cho các đối tượng nghiên cứu và sẽ thực hiện việc đăng ký theo quy định.
 

Nguồn; Báo Công thương điện tử
Link nguồn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.986.972