Khảo sát Giao dịch thương mại qua biên giới để tiếp tục tạo thuận lợi thông quan
Thời gian qua, cơ quan Hải quan và các bộ, ngành liên quan đã tích cực thực hiện cải cách theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp, kết quả chưa được như kỳ vọng.
Ảnh minh họa
Còn nhiều bất cập
Qua các kỳ đánh giá, cải cách về Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới (GDTMQBG) của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới ghi nhận qua việc triển khai hệ thống hải quan điện tử (DB2017) và hệ thống thông quan tự động (DB2018), chưa có cải cách nào liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và logistic được ghi nhận.
Hàng năm, Bộ Tài chính đều tích cực trao đổi, làm việc với Ngân hàng Thế giới, cập nhật kịp thời các hoạt động cải cách của cơ quan Hải quan cũng như cơ quan kiểm tra chuyên ngành như: Tăng cường ứng dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra hải quan; triển khai thanh toán thuế điện tử và Cổng thanh toán điện tử và thông quan 24/7; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; triển khai Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động (VASSCM); các cải cách về thể chế, chính sách, thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành theo Quyết định 2026/QĐ-TTg, Quyết định 1254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, những cải cách này chưa được Ngân hàng Thế giới ghi nhận.
Trên thực tế, cơ quan Hải quan và các bộ, ngành liên quan đã tích cực thực hiện cải cách theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động XNK. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục.
Cụ thể, về thủ tục hải quan, quy định không cho kiểm hóa hộ hàng hóa XK chưa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp XNK nguyên liệu sản xuất XK, gia công. Tại một số chi cục, doanh nghiệp vẫn phải đến cơ quan Hải quan để trình hồ sơ và làm thủ tục thông quan; việc kiểm tra và rà soát hồ sơ ở một số đơn vị còn chậm ảnh hưởng đến thời gian thông quan. Mặt khác, việc xác định mã loại hình đối với hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất chưa rõ ràng, còn vướng mắc; một số doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong việc xác định mã HS, trị giá hàng hóa XNK.
Về thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện văn bản pháp luật về chuyên ngành. Đơn cử như thực hiện Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, một số bộ ban hành văn bản chưa phù hợp với quy định của Nghị định này, chưa quy định rõ ràng người nhập khẩu có phải nộp cho cơ quan Hải quan bản Đăng ký kiểm tra Nhà nước về chất lượng để thông quan đối với hàng hóa kiểm tra chất lượng sau thông quan hay không. Quy định việc miễn giảm kiểm tra chất lượng hàng hóa nhóm 2 NK trong thời hạn 2 năm nhưng phải có văn bản xác nhận miễn kiểm tra của cơ quan kiểm tra. Vẫn còn tình trạng chồng chéo trong quản lý chuyên ngành của các bộ, cùng một loại mặt hàng nhưng chia trách nhiệm quản lý cho nhiều bộ theo phân khúc và mục đích sử dụng. Ngoài ra, nhiều nhóm hàng kiểm tra chuyên ngành thuộc quản lý của các bộ chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Tiếp tục khảo sát
Theo ông Kim Long Biên, Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Cải cách, hiện đại hóa (Tổng cục Hải quan), báo cáo Môi trường kinh doanh được Ngân hàng Thế giới thực hiện thường niên từ năm 2001 đến nay đối với 190 quốc gia đối với 11 lĩnh vực kinh tế. Trong đó, Chỉ số GDTMQBG là một trong 12 bộ chỉ số được công bố bởi báo cáo Môi trường Kinh doanh, dùng để đo lường thời gian và chi phí để XK, NK hàng hóa qua biên giới nhằm đánh giá về hoạt động của cơ quan Hải quan và các đơn vị liên quan (cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị kinh doanh kho bãi cảng, đơn vị vận tải...) đối với hoạt động XNK.
Cũng theo ông Kim Long Biên, khảo sát về Chỉ số GDTMQBG cho báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2021 (DB2021) đánh giá về chính sách và các thủ tục liên quan đến XNK hàng hóa trong khoảng thời gian từ 2/5/2019 đến 1/5/2020. Cách thức tổ chức khảo sát, Ngân hàng Thế giới thực hiện khảo sát thông qua hình thức gửi bảng câu hỏi Khảo sát cho các đối tượng/người khảo sát theo danh sách đã được lựa chọn cho từng quốc gia thông qua email. Đồng thời, nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới của Báo cáo Môi trường Kinh doanh sẽ làm việc trực tiếp với một số người tham gia khảo sát để cập nhật thêm thông tin liên quan đến khảo sát.
Bảng câu hỏi khảo sát về GDTMQBG gồm 4 phần: Cập nhật cải cách; nghiên cứu hoạt động XK, nghiên cứu hoạt động NK và tìm hiểu thực tiễn. Cụ thể, nghiên cứu hoạt động NK gồm các câu hỏi về thời gian và chi phí của các thủ tục thuộc các lĩnh vực: Hải quan, các cơ quan nhà nước ngoài hải quan, xử lý hàng tại cảng, chuẩn bị bộ hồ sơ và vận chuyển nội địa. Tìm hiểu thực tiễn gồm các câu hỏi về thực tế áp dụng quản lý rủi ro trong thực hiện thủ tục thông quan tại Việt Nam.
Báo cáo Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới nêu rõ, kết quả chi tiết và điểm số về Chỉ số xếp hạng GDTMQBG của Việt Nam không thay đổi nhưng thứ hạng bị giảm 4 bậc là do một số quốc gia có sự cải thiện vượt bậc về hoạt động giao thương hàng hóa qua biên giới. Vượt lên trên vị trí xếp hạng của Việt Nam như Saudi Arabia tăng từ vị trí 158 lên 86, Tunisia từ 101 lên 92, Ecuador từ 109 lên 103, Peru từ 110 lên 102.
Không chỉ Việt Nam, xếp hạng Chỉ số GDTMQBG của các nước ASEAN cũng đều giảm hoặc không thay đổi. Có 7/10 nước ở vị trí dẫn đầu trong khối ASEAN đều giảm bậc, trong đó 4 nước top đầu giảm từ 1-3 bậc, 3 nước top cuối giữ nguyên thứ hạng.
Nguồn: Báo Chính Phủ
-
Ngày 22 tháng 4 năm 2020, để triển khai chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo tại Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3
-
Ngày 22/4/2020, lực lượng QLTT cả nước kiểm tra, giám sát 43 cơ sở, xử lý 1 cơ sở, phạt tiền 2,5 triệu đồng.
-
Thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 163/TB-VPCP ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Văn phòng Chính
-
Tính tới ngày 19/4/2020, tổng số xe lũy kế từ đầu dịch cúm virus Covid-19 (đầu tháng 2) tại các tỉnh giáp Trung Quốc là: 55.061 xe xuất khẩu, và 47.119 xe nhập khẩu.