Khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) của Việt Nam năm 2023 có mức tăng ấn tượng; cụ thể, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt trên 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo thống kê, tổng vốn đăng ký cấp mới đạt gần 20,2 tỷ USD, chiếm gần 55,2% tổng vốn đăng ký, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm 2022; tổng giá trị vốn góp của nhà ĐTNN đạt hơn 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 23,3% tổng vốn đăng ký, tăng 65,7% so với cùng kỳ 2022...
Năm 2023, Việt Nam ghi nhận một số dự án có số vốn đăng ký rất cao (Ảnh chụp màn hình)
Tổng cục Thống kê nhận định, trong tổng vốn FDI đăng ký năm 2023 thì vốn đăng ký cấp mới và vốn góp mua cổ phần (chiếm 78,47% tổng vốn) tăng rất cao, tương ứng tăng 62,2% và 65,7% so với cùng kỳ 2022, đóng góp vào mức tăng chung ấn tượng của tổng vốn FDI đăng ký năm 2023 tăng 32,1% so với cùng kỳ. Duy nhất chỉ có vốn đăng ký điều chỉnh (chiếm 22,5% tổng vốn) giảm 22,1%, nhưng mức giảm này đã cải thiện rất nhiều so với so với mức giảm 32,1% trong 11 tháng và mức giảm 39,0% trong 10 tháng năm 2023 và số lượt dự án điều chỉnh vốn lại tăng 14,0%, đã khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Đáng chú ý, năm 2023 ghi nhận một số dự án có số vốn đăng ký rất cao. Có thể kể đến: dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình đến từ Nhật Bản, có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,99 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện khí từ khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG); dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện JINKO SOLAR HẢI HÀ VIỆT NAM (Hồng Kong - Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,5 tỷ USD tại Quảng Ninh; dự án nhà máy LITE-ON QUẢNG NINH, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 690 triệu USD với mục tiêu sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tại Quảng Ninh; dự án nhà máy LG INNOTEK HẢI PHÒNG (Hàn Quốc), điều chỉnh vốn tăng thêm 1 tỷ USD.
Bức tranh thu hút ĐTNN 2023 quả thật khá nổi bật với nhiều gam sáng. Đặc biệt, tổng vốn đăng ký FDI năm 2023 tăng 32,1% so với cùng kỳ 2022. Đây là mức tăng cao nhất và ấn tượng tính từ khi dịch COIVD-19 xuất hiện và bùng phát từ năm 2020, được kiểm soát hoàn toàn vào năm 2022. Tổng cục Thống kê phân tích, kết quả này có được là do môi trường đầu tư luôn được cải thiện, hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt trội. Đồng thời, trong năm 2023, các hoạt động ngoại giao kinh tế của Đảng, Chính phủ được tăng cường, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản và Hoa Kỳ được kỳ vọng đưa đến làn sóng đầu tư mới, chất lượng vào Việt Nam. Đây có thể sẽ là xu hướng lạc quan và tin tưởng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Thêm vào đó, đầu tư công đã thực hiện tốt vài trò là nguồn vốn mồi, giúp thu hút FDI cao trong cả năm 2023.
Ngoài ra, việc thu hút FDI thành công, đặc biệt là nửa cuối năm 2023 góp phần làm dòng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ nhưng về quy mô thì là năm có đạt quy mô vốn FDI thực hiện cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, sự phục hồi và bắt đầu tăng trưởng trở lại của dòng vốn FDI vào Việt Nam diễn ra từ nửa cuối năm 2023 (6 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký FDI giảm 4,6% so cùng kỳ). Đây là động lực rất quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và các năm tiếp theo trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Song song, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga... Nổi bật trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Có thể thấy, những con số ĐTNN ấn tượng nêu lên ở trên cũng đã một lần nữa khẳng định niềm tin của nhà ĐTNN đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường đầu tư của Việt Nam thông thoáng, an toàn; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ cộng động doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; nhiều chính sách tài khoá, tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đã được thực thi hiệu quả. Các yếu tố này đã tác động tích cực đến các nhà đầu tư nước ngoài quyết định đến đầu tư mới, cũng như mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam./.
Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
-
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao 6 nhiệm vụ trọng tâm cho lực lượng quản lý thị trường trong năm 2024
Chiều ngày 4/1/2024 tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức trọng thể Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. -
Việt Nam và Lào có mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện. Hợp tác kinh tế giữa hai nước đạt được nhiều kết quả tích cực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
-
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 4/1/2024 về tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo quản lý đầu tư công chặt chẽ, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển.