VITIC
Thị trường trong nước

Khai thác tối đa hiệu quả từ hoạt động sản xuất, xuất khẩu cây dược liệu là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Kon Tum trong năm 2024

13/05/2024 14:30

Tỉnh Kon Tum xây dựng kế hoạch phát triển cây dược liệu, phấn đấu vào năm 2025, định hướng đến 2050, trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước.

Hiện nay, tỉnh Kon Tum có hơn 2/3 diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, là nơi được thiên nhiên ban tặng những sản vật dược liệu tự nhiên đa dạng về chủng loại và quý giá, có công dụng bồi bổ sức khoẻ và chữa bệnh hiếm nơi nào có được, điển hình là sâm Ngọc Linh.


Sâm Ngọc Linh - Ảnh minh họa

Tổng diện tích trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 3.820,7, trong đó diện tích rừng đã được trồng sâm Ngọc Linh đạt khoảng 1.240,7 ha. Hiện tỉnh đã hình thành được một số vùng trồng dược liệu tập trung, như Vùng trồng sâm Ngọc Linh tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei; vùng trồng sâm dây tại các huyện như Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông hay vùng trồng Sa nhân tím tại thành phố Kon Tum, huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi.

Đáng chú ý, nhiều loại cây dược liệu của tỉnh Kon Tum còn có công dụng chữa bệnh, là loại cây thuốc mà thị trường có nhu cầu sử dụng cao. Một số loại như Sâm Ngọc Linh, Lan Kim tuyến (Lan gấm), Hồng Đẳng sâm, Cẩu tích … được sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế. Trong đó, sâm Ngọc Linh là loài cây đặc hữu, quý hiếm, phân bố hẹp, có danh tiếng trên thế giới và được xem là “Quốc bảo” của Việt Nam do có giá trị vượt trội so với các loài sâm khác trên thế giới. Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao, trồng 1 ha sâm Ngọc Linh sau 8 năm lợi nhuận có thể đạt trên 32 tỷ đồng, đây được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, là cây trồng chiến lược cho các nhà đầu tư.

Xuất phát từ lợi thế đặc thù về điều kiện tự nhiên, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về dược liệu; đồng thời, sử dụng bền vững có hiệu quả nguồn dược liệu tự nhiên hiện có, tỉnh Kon Tum đã và đang phát triển thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, định hướng đến năm 2050.


Người dân đầu tư dàn tưới tự động để trồng Hồng Đẳng sâm tại Kon Plông - Ảnh: Báo Nhân dân

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, tỉnh Kon Tum đã tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, bước đầu hình thành được chuỗi liên kết từ trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối sản phẩm chế biến từ dược liệu. Các sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong nước như: Tinh sâm SK5, trà túi lọc sâm SK5, trà Sâm Ngọc Linh hòa tan, Collagen Sâm Ngọc Linh, Viên nang mềm sâm Ngọc Linh, rượu Sâm Ngọc Linh …

Bên cạnh đó, cá hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất cũng được tỉnh Kon Tum đẩy mạnh trong thời gian qua. Tỉnh tăng cường kết hợp hài hòa giữa xúc tiến thương mại trực tiếp (Hội nghị, hội chợ, kết nối tiêu thụ) với hoạt động của các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Xác định hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm trong triển khai công tác hội nhập, tỉnh Kon Tum đã triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, góp phần giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động nắm bắt các thông tin về thị trường thế giới để ứng phó kịp thời trong sản xuất và xuất khẩu.

Trong thời gian tới, để tiếp tục tận dụng tiềm năng, cơ hội thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm dược liệu, tỉnh Kon Tum đã đề ra các giải pháp cụ thể như: Phát triển dược liệu theo hướng hàng hóa tập trung, ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp, khuyến khích người dân tập trung phát triển sản xuất như hỗ trợ 50% chi phí cây giống, vật tư phân bón; hỗ trợ chi phí bảo tồn hoàn thiện quy trình nhân giống thông qua các đề tài khoa học cấp tỉnh; hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, khuyến nông, đào tạo, bao bì nhãn mác, chuyển giao công nghệ, đất đai và tiếp cận với tín dụng.


 

Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.997.746