Khai thác thế mạnh từ nhóm nông sản chủ lực góp phần giúp tỉnh Gia Lai đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa
Cà phê, cao su, chanh dây, chuối … là những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Gia Lai, hứa hẹn tạo ra sự đột phá về xuất khẩu trong năm 2024. Trong các tháng đầu năm, đơn hàng xuất khẩu của những loại nông sản này ngày càng nhiều, thị trường xuất khẩu cũng ngày càng được mở rộng.
Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Gia Lai, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm là 167 triệu USD, đạt 22,7% kế hoạch năm, tăng 11,33% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cà phê cao nhất với sản lượng khoảng 45.000 tấn, doanh thu đạt 115 triệu USD, tăng hơn 7% về số lượng và 17% về giá trị. Ngoài ra, xuất khẩu mủ cao su đạt trên 90 tấn, doanh thu 0,11 triệu USD, tăng hơn 10% về giá trị; các mặt hàng khác đạt 51,8 triệu USD, tăng 0,02% về giá trị.
Nông sản chủ lực của tỉnh Gia Lai - Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Hiện nay, diện tích trồng cà phê tại Gia Lai đạt trên 100.000ha. Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao, cà phê sản xuất ra không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn được doanh nghiệp nội địa thu mua rồi xuất khẩu sang các nước. Những tháng đầu năm, cà phê đã mang lại nhiều niềm vui cho người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp khi giá tăng cao, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Có được điều này là nhờ tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực xuất khẩu cà phê sang các nước. Đặc biệt, người dân và hợp tác xã trên địa bàn đã chủ động triển khai xây dựng vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao đạt tiêu chuẩn hướng đến xuất khẩu.
Bên cạnh cà phê, các mặt hàng chủ lực khác cũng đón tin vui xuất khẩu đầu năm. Là doanh nghiệp xuất khẩu chanh dây hàng đầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Nafoods Group đã xuất khẩu 1.300 tấn nguyên liệu quả tươi sang thị trường các nước trong tháng 1/2024. Trong đó, sản lượng chanh leo cô đặc chiếm 60% và chanh leo NFC chiếm 30%. Riêng với chanh leo cô đặc của Nafoods tại thị trường châu Âu chiếm thị phần cao nhất với 70%, đứng thứ 2 là châu Mỹ 25%. Trong khi đó, đối với sản phẩm chanh leo NFC và Puree có hạt thì thị trường Nga chiếm thị phần lớn nhất.
Nhận thức được tầm quan trọng và tiềm năng của các loại nông sản chủ lực, trong thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã tập trung phát triển cây trồng theo hướng bền vững, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, từ đó đáp ứng nhu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc … Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu nông sản, đặc biệt là cà phê, ngoài việc tiếp tục thông tin các thị trường xuất khẩu tiềm năng, Sở Công thương tỉnh đã và đang xây dựng thêm các bản tin gửi tham tán thương mại nước ngoài để quảng bá sản phẩm, nhằm tìm kiếm thêm thị trường xuất nhập khẩu.
Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp
-
Năm 2023 được xem là một năm thành công của nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk khi tốc độ tăng trưởng đạt mức 4,88%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế của tỉnh.
-
Dự kiến trong năm 2024, tiêu thụ thép sẽ tăng khoảng 6,4%, sản lượng xuất khẩu tăng lên gần 13 triệu tấn. Nhu cầu thép của thế giới được dự báo hồi phục mạnh trở lại trong năm 2024, tăng 1,9%, đạt 1,8 tỷ tấn trong năm 2024, do đó sản xuất thép của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, dự kiến tăng khoảng 10% trong năm 2024.
-
Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Do vậy, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trong 02 tháng đầu năm 2024 đã tạo ra bước khởi đầu tích cực.
-
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 3,6 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2022; tính riêng trong tháng 01/2024, kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt 351,2 triệu USD, tăng rất mạnh 126% so với cùng kỳ năm 2023.