VITIC
Thị trường trong nước

Khắc phục khó khăn do vận chuyển, các doanh nghiệp tiếp tục chuyển mạnh rau củ từ Nam ra Bắc

11/09/2024 15:55

Mặc dù gặp khó khăn do vận chuyển, các kênh bán lẻ đang tiếp tục vận chuyển rau củ quả từ miền Nam ra miền Bắc để kịp thời cung ứng cho các vùng bị bão lũ.

Đảm bảo nguồn hàng không bị đứt gãy

Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Công Thương vào cuối giờ sáng nay (11/9), đại diện siêu thị WinMart chia sẻ, hiện tại, hoạt động vận chuyển hàng hóa từ kho hàng Supra đến các siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+/WiN đang gặp trở ngại do tình trạng ngập lụt và sạt lở tại các tỉnh miền Bắc. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp đã triển khai một số giải pháp để cung ứng hàng hóa kịp thời phục vụ người dân.




Sức mua tăng, các kênh bán lẻ đang nỗ lực đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân (Ảnh: Siêu thị Winmart)

Cụ thể, cố gắng vận chuyển và đảm bảo hàng không đứt gãy tại các kho trung tâm và sẵn sàng phân phối đến các siêu thị/cửa hàng. Bên cạnh đó, lựa chọn các siêu thị và cửa hàng có diện tích lớn và dễ dàng giao nhận hàng hóa để quy hoạch thành các điểm nhận hộ. Nhân viên vận hành tại các siêu thị/cửa hàng này sẽ tiếp nhận hàng hóa và mang hàng đến các siêu thị/cửa hàng mà xe hàng không thể tiếp cận được.

Bên cạnh đó, để đồng hành cùng người dân, giá cả tại hệ thống siêu thị WinMart/WinMart+/WiN vẫn bình ổn dù chi phí vận hành và chuyển hàng hoá gia tăng. Hiện tại, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau củ, cùng các sản phẩm thiết yếu như gạo, mì… được cung cấp đa dạng với giá cả ổn định.

Hiện mỗi ngày, WinEco cung ứng 100 tấn rau củ sạch phục vụ cho thị trường miền Bắc, giá cả bình ổn, không tăng so với thời điểm trước bão. Ngoài ra, chương trình ưu đãi 20% dành cho các sản phẩm thịt sạch MEATDeli và rau sạch WinEco vẫn được áp dụng cho hội viên WiN.

Đây được đánh giá là nỗ lực vô cùng lớn của Tập đoàn Masan bởi hiện nay, 4 nông trại WinEco tại miền Bắc bao gồm Hà Nam, Quảng Ninh, Tam Đảo và Hải Phòng đã bị tàn phá hoàn toàn, đồng ruộng bị ngập úng, các nhà vườn đều bị sập, tróc mái và gần như mất trắng sản lượng; cụm nhà máy của Masan MEATLife tại Hà Nam và trại gà Bắc Giang bị cô lập.

“Masan đang nỗ lực duy trì họat động, đảm bảo an toàn cho người lao động nhằm cung ứng nhu yếu phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng. Dù chi phí vận hành và vận chuyển hàng hoá gia tăng song hệ thống siêu thị của Tập đoàn Masan không có chính sách tăng giá. Hiện tại, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau củ, cùng các sản phẩm thiết yếu như gạo, mì… vẫn được cung cấp đầy đủ với giá cả ổn định, góp phần nhỏ tinh thần để chung tay với đồng bào các tỉnh miền Bắc vượt qua bão lũ” – đại diện siêu thị Winmart nhấn mạnh.

Trước đó, để phục vụ người tiêu dùng miền Bắc có rau củ quả để sử dụng trong tình hình mưa ngập ở nhiều nơi, từ ngày 8/9 đến nay, gần 100 tấn rau củ thiết yếu đã được WinEco vận chuyển mỗi ngày từ miền Nam và Lâm Đồng ra miền Bắc. Đây là nỗ lực của WinEco nhằm đảm bảo nguồn cung cấp rau củ cho người dân, đồng thời bù đắp sự thiếu hụt do thiệt hại của các nông trường miền Bắc sau bão Yagi, nhất là các loại rau phổ biến như mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, cải chíp, bầu bí, mướp đắng, và nhiều mặt hàng khác.

Duy trì lượng hàng có thể cung ứng trong 1 tháng cho miền Bắc

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Trần Kim Nga - Giám đốc Đối Ngoại MM Mega Market Việt Nam cho biết, với ảnh hưởng nghiêm trọng của mưa lũ miền Bắc, hiện tại đơn vị tăng lên 2 chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ Bình Dương và Lâm Đồng đến Hà Nội mỗi ngày (tương đương 16 tấn rau củ quả).


Rau xanh dồi dào tại MM Mega Market (Ảnh: MM Mega Market)

Trong những ngày qua, MM Mega Market Việt Nam ghi nhận, nhu cầu hàng đồ khô như dầu ăn, bột mì, mì gói, đồ hộp, các loại đồ khô… tăng trên 50%, có lúc lên đến 80% tại các trung tâm khu vực miền Bắc. Người tiêu dùng cũng tăng nhu cầu về nước ngọt, bánh mì, pin, đèn pin, bếp cồn, cồn khô... Tuy nhiên hiện nay, giá các mặt hàng thiết yếu này vẫn giữ mức ổn định.

Thời gian qua, đơn vị đã tập trung mạnh vào việc xây dựng chuỗi cung ứng khép kín và được củng cố mạnh mẽ bởi các 5 trạm thu mua – cung ứng hàng hóa, 2 kho trữ hàng lớn tại Bình Dương, cùng 6 Kho giao hàng B2B (Depot). Ví dụ như kho Depot từ ở miền Trung trở ra Bắc như Phan Thiết, Đồng Hới, Thanh Hóa, Sapa… Cho nên trữ lượng hàng hóa có khả năng cung ứng lên đến 1 tháng cho miền Bắc. Bên cạnh đó, đơn vị còn có hệ thống xe tải nhỏ giao hàng tại các Depot có khả năng vận chuyển hàng hóa đến các khu vực lân cận.

Hiện một số nhà cung cấp hiện cũng đang gặp khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, hàng hóa hư hỏng do mưa lũ, nhưng MM Mega Market đang thu mua tối đa theo khả năng cung ứng của nhà cung cấp, ưu tiên cho các nhà cung cấp có khả năng tập trung hàng hóa tại Kho trữ hàng trung tâm của MM Mega Market tại Bình Dương.

Việc di chuyển xe hàng từ Nam ra Bắc, và từ các kho miền Bắc đến các khách hàng của MM Mega Market vẫn được đảm bảo và tăng cường số lượng gấp 3 lần. Tuy nhiên không tránh khỏi sẽ có chậm trễ do điều kiện đường xá đang chịu ảnh hưởng của lũ và mưa ở khu vực Trung Bắc Bộ. "MM Mega Market sẵn sàng chung tay với các đơn vị cứu hộ cứu nạn hoặc các đơn vị thiện nguyện cần 1 lượng hàng lớn cứu trợ để cung cấp và cho 1 mức chiết khấu tốt nhất theo từng đơn hàng" - bà Trần Kim Nga khẳng định.

Ngoài ra, trong ngày hôm nay (11/9), MM Mega Market lăn bánh chuyến xe cứu trợ đầu tiên, vận chuyển 1.000 thùng mì và 300 thùng nước khoáng (500mlx24 chai) từ Hà Nội lên Lạng Sơn để chia sẻ khó khăn với đồng bào trong mưa lũ.

Cũng từ đêm 8/9, MM Mega Market đã tăng gấp các chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ trạm cung ứng tại Lâm Đồng ra các tỉnh phía Bắc với rồi toả đi khắp các tỉnh Bắc Trung Bộ để cung cấp kịp thời cho nhu cầu của người dân.

Nhờ sự chung tay của các doanh nghiệp bán lẻ, tình hình cung ứng hàng hoá, đặc biệt là cung ứng hàng hoá thiết yếu cho người dân vẫn được đảm bảo trong bối cảnh mưa bão, lũ lụt. Báo cáo nhanh của Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho thấy, tính đến 12h trưa nay (11/9), theo báo cáo của Sở Công Thương các địa phương, đối với các khu vực bị ngập, lụt, chia cắt, Sở Công Thương và các doanh nghiệp đang phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, cung ứng các mặt hàng như nhu yếu phẩm như mỳ, lương khô, bánh mỳ, bánh trưng, nước uống đóng chai đến cho người dân.

Đối với các khu vực chưa bị ngập lụt, chia cắt, tình hình cung ứng hàng hóa vẫn được bảo đảm, giá hàng hóa tại các hệ thống phân phối hiện đại được giữ ổn định; tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau, củ, thịt lợn, mỳ có tăng nhưng nguồn cung được bổ sung thường xuyên nên không có hiện tượng thiếu hàng tăng giá đột biến.

 

Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.049.864