Indonesia tiếp tục mở thầu 300.000 tấn gạo: Cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam
Thị trường lúa gạo trong nước vừa đón thông tin tích cực khi Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa thông báo mở thầu nhập khẩu thêm 300.000 tấn gạo trong tháng 4/2024. Tính từ đầu năm, Indonesia đã nhập khẩu 650.000 tấn gạo và ký hợp đồng nhập khẩu thêm 350.000 tấn gạo cho năm 2024. Một nửa lượng nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam và phần còn lại từ Thái Lan, Pakistan và Campuchia.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Theo các báo cáo từ VFTA, năm 2024, Bulog được cấp hạn ngạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của El Nino khiến tình trạng khô hạn diễn ra gay gắt, vụ thu hoạch bị trễ đến 2 tháng so với thông thường nên chính phủ nước này quyết định nâng hạn ngạch nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn; nâng tổng số gạo sẽ nhập khẩu gạo lên 3,6 triệu tấn. Indonesia sẽ là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới sau Philippines ước tính 4 - 4,1 triệu tấn.
Được biết, trong đợt công bố thầu hồi cuối tháng 3/2024 của Bulog, doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 108.000 tấn gạo. Kết quả này ngay sau đó được cho là đã tác động tích cực lên thị trường lúa gạo trong nước, đẩy giá tăng đáng kể. Do đó nếu đợt mở thầu 300.000 tấn gạo lần này doanh nghiệp Việt Nam thắng thầu với số lượng lớn thì chắc chắn giá gạo trong nước sẽ tăng lên bởi Việt Nam hiện vào cuối vụ thu hoạch nguồn cung không còn dồi dào như trước và có thể khó mua được hàng.
Theo một số doanh nghiệp, giá gạo thế giới đồng loạt giảm vì các nước nhập khẩu gạo đang chuẩn bị vụ thu hoạch lúa đầu tiên trong năm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, do vùng trồng lúa lớn nhất cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long sắp kết thúc vụ thu hoạch lúa đông xuân, nguồn cung giảm nên giá có thể tăng trở lại. Một trong những khách hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines đang có nhu cầu nhập khẩu cao. Diễn biến mới nhất là chỉ số giá tiêu dùng của nước này trong tháng 3 đã tăng 3,7% so với một năm trước đó, tăng so với mức 3,4% của tháng trước. Gạo, mặt hàng chủ lực ở Philippines tăng đến 24,4% trong tháng 3, mức tăng mạnh nhất kể từ 24,6% vào tháng 2 năm 2009. Điều này cho thấy, Philippines sẽ tiếp tục tăng lượng gạo nhập khẩu để giảm áp lực giá cả và lạm phát.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 226,16 nghìn tấn gạo sang Indonesia, tương đương mức trị giá đạt 143,36 triệu USD, tăng 17,85% về lượng và tăng 15,98% về trị giá so với tháng trước. Luỹ kế 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia tổng 445,32 nghìn tấn gạo, tương đương mức trị giá đạt 285,05 triệu USD, tăng 199,71% về lượng và tăng 308,79% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp
-
Ngày 5/4/2024, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại Tứ Xuyên tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Tứ Xuyên).
-
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa tuần giao dịch đầu tiên của quý II, lực bán chiếm ưu thế trên thị trường nông sản. Tuy nhiên, ngược lại, lực mua hoàn toàn áp đảo trên cả 3 nhóm mặt hàng còn lại bao gồm kim loại, năng lượng và nguyên liệu công nghiệp.
-
Số liệu Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa hôm qua (2/4), lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới với 18 mặt hàng tăng giá và 13 mặt hàng giảm giá, hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 0,77%
-
Trong những năm qua, Việt Nam và Indonesia đang nỗ lực phát triển mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Thị trường Indonesia giữ vị trí quan trọng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong khu vực ASEAN, đồng thời cũng là một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng của Việt Nam.