Hợp tác thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ thêm nhiều động lực phát triển
Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới sẽ giúp duy trì, củng cố quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, hứa hẹn mở thêm cơ hội trong hợp tác thương mại hai nước. Chuyến công tác làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hoa Kỳ diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm một năm hai nước thiết lập quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện và đang tích cực chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ vào năm 2025.
Ảnh: TTXVN - Nguồn: Báo Công Thương
Nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, Bộ Công Thương luôn coi hợp tác giữa các bộ, ngành, chính quyền các Bang là trọng tâm quan trọng thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, góp phần thực hiện mục tiêu, cam kết của Lãnh đạo cấp cao hai nước. Việc gia tăng sự hợp tác, gắn kết ở cấp độ Bang như với Oregon, Tây Virginia, Maryland, Virginia, California… đã giúp xác lập các khung khổ hợp tác toàn diện, thuận lợi hóa hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại, công nghiệp và năng lượng. Cùng đó, tăng cường chia sẻ thông tin về cơ hội kinh doanh tiềm năng, hỗ trợ dự án cũng như hoạt động của doanh nghiệp hai nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2024, thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt 87,7 tỷ USD, tăng trưởng mạnh cả ở chiều xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá.
Hàng hóa của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ do chất lượng liên tục được cải thiện, cập nhật xu hướng cũng như có giá cả cạnh tranh. Mặt khác, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư đã góp phần tăng cường năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đồng thời tạo cơ hội và dư địa cho hàng hóa của Việt Nam gia tăng xuất khẩu ra thế giới nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng.
Đáng chú ý, trong buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân với đoàn Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) do Thứ trưởng trưởng Alexis Taylor, phụ trách Thương mại và Đối ngoại làm trưởng đoàn diễn ra ngày 12/9, vấn đề mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản đã được lãnh đạo hai bên đặc biệt quan tâm.Thời gian qua, công tác mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản của cả 2 quốc gia đều là một trong những mối ưu tiên hàng đầu và đã đạt nhiều tiến bộ. Minh chứng là Hoa Kỳ đã cho phép nhập khẩu dừa tươi từ Việt Nam và đang trong giai đoạn cuối cùng để cấp phép nhập khẩu cho trái chanh leo. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng mở cửa cho bưởi chùm (tháng 2/2023), đào, và xuân đào từ Mỹ vào tháng 7/2024. Ngoài ra, các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và USDA đang hoàn tất thủ tục cho các sản phẩm khác như cam, quýt, mận, và chanh không hạt. Động thái này cho thấy nỗ lực của cả hai bên trong việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm nông sản được phép trao đổi, hứa hẹn mang lại lợi ích to lớn cho ngành nông nghiệp và người tiêu dùng của cả hai quốc gia.
Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ, theo các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần phối hợp thực hiện một loạt các biện pháp đồng bộ và hiệu quả.
Thứ nhất: cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ xuất khẩu rõ ràng và thiết thực, tạo ra các cơ chế ưu đãi về thuế, cung cấp thông tin và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến xuất khẩu;
Thứ hai: nâng cao năng lực và chất lượng hạ tầng logistics là một yếu tố then chốt, giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ;
Thứ ba: doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới vụ việc phòng vệ thương mại. Mặt khác, đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo tiêu chuẩn sản xuất xanh;
Cuối cùng: doanh nghiệp cần tích cực tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương giữa hai quốc gia.
Quang Chiến (VITIC) tổng hợp
-
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc sớm ban hành về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các trạm sạc xe điện để thực hiện mục tiêu trung hoà carbon năm 2050 cũng như đồng bộ các Quy hoạch quốc gia đã được phê duyệt, ngày 20/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đồng chủ trì cuộc họp về việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc xe điện.
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: Trung ương yêu cầu Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng cần phải đạt tầm mức công trình khoa học kết tinh trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, niềm tin và khát vọng của cả dân tộc…, thật sự là “ngọn đuốc soi đường” dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào kỷ nguyên mới.
-
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành Công điện số 7287/CĐ-BCT ngày 19 tháng 9 năm 2024 về việc đảm bảo vận hành an toàn, ổn định các nhà máy điện trong thời gian tới.
-
Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon của EU (gọi tắt là CBAM) là một cơ chế mới, với những quy định, hướng dẫn cụ thể liên quan đến kiểm đếm, đo đếm phát thải CO2, phát thải khí nhà kính mà doanh nghiệp phải tuân thủ khi xuất khẩu hàng hóa sang EU.