VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương: Giải đáp nhiều vấn đề “nóng”

19/05/2023 16:10

Chiều ngày 18/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Họp báo thường kỳ về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 4 và 4 tháng năm 2023. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – Người phát ngôn của Bộ Công Thương chủ trì họp báo. Nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương đã được giải đáp tại cuộc họp.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 cho thấy tình hình kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định đúng tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra kịp thời, đúng hướng, hiệu quả; linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài; phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khái quát tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại những tháng đầu năm 2023 và những giải pháp mà Bộ Công Thương đã thực hiện nhằm thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu… Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 206,76 tỷ USD; Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,55 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8%; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước song đã có dấu hiệu cải thiện trong tháng 4 khi tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.


Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải - Người phát ngôn của Bộ Công Thương

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và đại diện các đơn vị đã giải đáp nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương được dư luận xã hội quan tâm.

Khẩn trương triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII

Trả lời câu hỏi về Quy hoạch điện VIII, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để phát triển điện lực của Việt Nam trong thời gian tới. Hiện nay Bộ Công Thương đang khẩn trương tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch và thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng trong quá trình tổ chức thực hiện.


Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Hoàng Tiến Dũng

Đối với các dự án cụ thể trong Quy hoạch Điện VIII, ông Hoàng Tiến Dũng cho rằng, theo quy định của Luật Quy hoạch, danh mục các dự án quan trọng được ưu tiên phát triển của ngành điện đã có trong Quyết định 500 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung phát triển các dự án điện sử dụng nhiên liệu khí trong nước, khí tự nhiên nhập khẩu và các dự án thủy điện vừa và lớn cũng như các dự án lưới điện từ 220kV trở lên… Trên cơ sở các danh mục dự án như trên, có cơ sở pháp lý quy hoạch để triển khai thực hiện - ông Hoàng Tiến Dũng nhấn mạnh và cho biết thêm, để làm cơ sở triển khai các dự án không phải là dự án ưu tiên, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch, trong đó ngoài các nội dung được quy định theo Luật Quy hoạch về xác định nguồn lực để thực hiện quy hoạch thì sẽ có việc tính toán và xác định các dự án cụ thể mà không phải dự án quan trọng, ưu tiên trong Quy hoạch điện VIII để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong thời gian tới Bộ Công Thương cũng khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao như: hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển điện lực, trong đó có các việc sử dụng các nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là hoàn thiện Luật Điện lực sửa đổi, xây dựng mới luật năng lượng tái tạo cũng như cơ chế mua bán điện trực tiếp để tạo đầy đủ cơ sở pháp lý về chính sách, quy hoạch, kế hoạch khi triển khai”- ông Hoàng Tiến Dũng cho hay.

Nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế, xã hội

Liên quan đến việc cung ứng điện và giá điện, ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, hàng năm, vào thời kỳ nắng nóng và mùa khô, chúng ta đều phải đối mặt khó khăn trong cung ứng, đảm bảo điện cho kinh tế - xã hội. Trong khi đó, hệ thống còn nhiều nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo lại phụ thuộc vào thời tiết, gây khó khăn trong việc vận hành và cung ứng điện.


Ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực

Đứng trước tình trạng đó, Bộ Công Thương đã nhận định được tình hình khó khăn trong mùa khô năm nay. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trong vấn đề vận hành, cũng như cung ứng nhiên liệu về than, khí cho phát điện”- ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh và dẫn chứng, ngay trong tháng 5, Bộ Công Thương đã tổ chức họp với các tập đoàn năng lượng và có những chỉ đạo rất quyết liệt, với quan điểm là nỗ lực cung ứng điện đầy đủ cho việc phát triển kinh tế xã hội; thực hiện nghiêm các kế hoạch về cung cấp điện, cung cấp than cho phát điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Cùng với đó, các Tập đoàn TKV, EVN nỗ lực trong việc cung ứng đầy đủ nhiên liệu trong việc phát điện; khẩn trương đàm phán, huy động các nhà máy điện sẵn sàng về cơ sở pháp lý, trong đó bao gồm cả nhà máy điện năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời để bổ sung trong hệ thống. Các đơn vị cũng phải khẩn trương, tích cực khắc phục các sự cố của các tổ máy sẵn sàng huy động trở lại. Bên cạnh đó còn có giải pháp liên quan đến tiết kiệm điện.

Liên quan đến giải pháp có huy động các nhà máy năng lượng tái tạo hay không, ông Trần Việt Hòa thông tin, đến nay, Bộ Công Thương đã thống nhất giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió và điện mặt trời đã được EVN và chủ đầu tư trực tiếp đàm phán; các nhà máy trong danh sách nhà máy được chuyển tiếp đã có giá tạm thời, khi đáp ứng đầy đủ các quy định sẽ được huy động hòa lưới. “Việc giá tạm thời cũng chỉ là 1 trong các điều kiện để các nhà máy được huy động hòa lưới điện”- ông Trần Việt Hòa lưu ý.

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc tăng giá bán lẻ điện bình quân 3%, ông Trần Việt Hòa cho biết, căn cứ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, mức tăng 3% là mức thấp nhất trong quy định của Quy định 24. Khi điều chỉnh giá bán lẻ điện, các đơn vị có liên quan đã tính toán nhiều yếu tố để không ảnh hưởng và hạn chế thấp nhất tác động đến kinh tế vĩ mô.

“Lộ trình tiếp theo như nào, Bộ Công Thương sẽ tuân thủ nghiêm túc Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu ra ở điều kiện nào để được xem xét điều chỉnh mức giá bán lẻ hiện tại”- ông Trần Việt Hòa cho hay.

Theo dõi hoạt động Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Liên quan đến vấn đề xăng dầu, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho biết: Trước diễn biến tình hình giá, nguồn cung xăng dầu thế giới, trong nước còn tiềm ẩn nhiều yếu tố biến động khó lường, trong đó có vấn đề hoạt động của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn) thiếu ổn định, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong Quý II/2023 và các tháng tiếp theo của năm 2023, Bộ Công Thương đã đưa ra các giải pháp và kiến nghị như sau:

Về giải pháp, theo dõi việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong trường hợp cần thiết sẽ quy định cụ thể về tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước để thương nhân đầu mối thực hiện.

Theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung.

Chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 đã được phân giao (số lượng, chủng loại) để bảo đảm cung cấp liên tục xăng dầu cho các khách hàng; chủ động nguồn hàng (từ nguồn trong nước và nhập khẩu) để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.

Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp.

Chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường”- ông Hoàng Anh Tuấn cho hay.

Thông tin thêm về nội dung liên quan đến Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, ông Trần Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ dầu khí và than - cũng cho hay: Trong 4 tháng đầu năm, Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng, dầu các loại. Trong đó, riêng tháng 4, sản xuất được 670-680 ngàn tấn xăng dầu các loại. Đến giữa tháng 5, nhà máy vẫn vận hành ổn định. Trong tháng 6 và Quý III, Quý IV, theo kế hoạch, nhà máy đã triển khai toàn bộ công tác để đảm bảo vận hành sản xuất theo kế hoạch đã đăng ký với Bộ Công Thương.

Về việc thu hút dòng tiền của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn, ngày 19/4/2023, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi nhà máy, các bên nước ngoài góp vốn và EVN về tái cấu trúc nhà máy. Theo đó, việc tái cấu trúc tài chính, tái cấu trúc bộ máy và vận hành nhà máy an toàn ổn định là vấn đề nội tại của doanh nghiệp, thuộc trách nhiệm giải quyết của Nghi Sơn và các đơn vị góp vốn. Các vấn đề thuộc thẩm quyền của PVN cần báo cáo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước - cơ quan đại diện về vốn để xem xét chỉ đạo.

Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn được quyền chủ động, tích cực phối hợp giải quyết các khó khăn vướng mắc đảm bảm nhà máy hoạt động hiệu quả, sản lượng cung ứng đã đăng ký với Bộ Công Thương”- ông Trần Thanh Tùng nhấn mạnh.

Về nội dung này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay: Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn là liên doanh của PVN, Cô - Oét và Nhật Bản. Phía Việt Nam tức là PVN chỉ chiếm 25,1% vốn góp, theo luật tiếng nói chỉ có mức độ.

Mặt khác, phải xác định, vấn đề cần giải quyết trước hết là vấn đề nội tại của nhà máy, Chính phủ và các Bộ ngành chỉ có thể tham gia theo đúng các quy định và theo thoả thuận mà các bên cam kết. Đồng thời trong quá trình hoạt động, hàng năm nhà máy cần ít nhất 35-40 ngày bảo trì, bảo dưỡng, chưa kể các sự cố về kỹ thuật, do vậy việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước cũng bị động.

Trước những khó khăn trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương đã, đang và tiếp tục quyết liệt bám sát và theo dõi hoạt động của nhà máy, đồng thời làm tốt nhất việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước trong mọi tình huống.

Ủng hộ giảm 50% lệ phí trước bạ ôtô

Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề thuế trước bạ đối với ô tô, ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp – thông tin, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thời gian qua, thị trường ô tô giảm đến 34% so với cùng kỳ và giảm 38% đối với các loại ô tô du lịch dưới 9 chỗ. Các doanh nghiệp phải đối mặt với thực tế tồn kho trong thời gian vừa qua.

Các đơn vị này đã có kiến nghị với Bộ Công Thương và Bộ đã báo cáo với Chính phủ xem xét đề nghị giảm thuế, phí trước bạ, xem xét gia hạn, chậm nộp với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính xem xét các kiến nghị mà Bộ Công Thương nêu”- ông Nguyễn Ngọc Thành cho hay và cho biết thêm, quan điểm của Bộ Công Thương, ủng hộ giảm 50% phí trước bạ, đề xuất trong năm 2023, tuy nhiên theo thẩm quyền, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để trong thời gian tới để có giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ ô tô trong nước.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin thêm, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là ô tô, xe máy, cơ khí. Qua quá trình theo dõi, Bộ Công Thương thấy rằng trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí cũng có doanh nghiệp đang đứng trước ranh giới sự sống còn. Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền thì có thể nhiều doanh nghiệp sẽ không duy trì được sản xuất kinh doanh.

Bộ Công Thương trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã đề xuất tiếp tục thực hiện giảm lệ phí trước bạ”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Liên quan đến giảm thuế VAT cho các hàng hóa sẽ hỗ trợ đến thị trường trong nước như nào, bà Nguyễn Thúy Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính – cho biết, thị trường trong nước thời gian qua phát triển khá tốt, nhất là trong bối cảnh thị trường nước ngoài hết sức khó khăn. Thị trường trong nước là trụ đỡ quan trọng để hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, qua đó hỗ trợ phát triển nền kinh tế của đất nước. 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Việt Nam tăng 12,8 %, trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 10,5%, đây là chỉ số được đánh giá khá tốt. Tuy nhiên, theo đánh giá chúng ta vẫn chưa khai thác hết dung lượng của thị trường trong nước với dân số 100 triệu dân. Hiện nay theo đánh giá, sức mua của thị trường trong nước đã tăng, nhưng mức tăng chưa cao,… Đây cũng là một trong những lý do mà Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giảm mức thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa để kích thích tiêu dùng trong nước.

Khi thuế VAT giảm, sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước và từ đó tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, đóng góp cho phát triển khu vực dịch vụ. Khi tiêu dùng trong nước phát triển, sẽ thúc đẩy việc sản xuất hàng hóa trong nước và tạo ra công ăn việc làm, cũng như tăng nguồn thu ngân sách nhà nước và góp phần đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2023”- bà Nguyễn Thúy Hiền cho hay.

 

Nguồn: Moit.gov

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.091.783